Mỹ "bắt tay" EU giải quyết vấn đề thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu

Theo Trần Võ/nhadautu.vn

Mỹ và Liên minh châu Âu đã đồng ý "tái cân bằng" chuỗi cung ứng toàn cầu khi nói đến chất bán dẫn, đây có thể là cuộc họp đầu tiên mở đầu cho chuỗi các thỏa thuận tập trung vào thương mại và công nghệ trong thời gian tới.

 Ảnh: Reuters.
Ảnh: Reuters.

Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ-EU, được gọi là TTC, đã được ra mắt dưới thời Tổng thống Joe Biden khi Ủy ban châu Âu (cơ quan điều hành của EU), tìm cách khắc phục các tranh chấp xuyên Đại Tây Dương trong các lĩnh vực này. Chính quyền Donald Trump đã áp thuế lên EU và khối này rất muốn tìm ra giải pháp với tổng thống mới.

TTC đã tổ chức buổi họp mặt đầu tiên vào thứ Tư tuần qua, tại Pittsburgh. Cuộc họp này đã được tiến hành sau khi Australia quyết định hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm với Pháp, thay vào đó lựa chọn một thỏa thuận khác với Mỹ khiến người Pháp tức giận.

Sự bực tức của Pháp được cho là đã làm giảm bớt tuyên bố của cả hai bên vào cuối cuộc họp vào tối thứ Tư.

Cecilia Bonefeld-Dahl, tổng giám đốc của DigitalEurope đại diện cho các công ty công nghệ và hiệp hội thương mại, nói rằng bà hy vọng Mỹ và EU sẽ tách biệt các vấn đề địa chính trị và công nghiệp.

Bà nói qua điện thoại: "Lợi ích của Mỹ cũng là để châu Âu có một nền kinh tế kỹ thuật số mạnh mẽ".

Điều gì đã được thỏa thuận?

Hiện tại, cả hai bên đã nhất trí "xác định những lỗ hổng trong chuỗi giá trị chất bán dẫn và củng cố hệ sinh thái bán dẫn trong khu vực".

Trong một tuyên bố chung, nhóm này nói thêm rằng họ cam kết "xây dựng mối quan hệ đối tác về tái cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn".

Khu vực này đã chứng kiến sự gián đoạn lớn sau đại dịch COVID-19. Nhu cầu về chip đã tăng mạnh hơn nguồn cung trong những tháng qua, điều này đã tác động đến việc sản xuất nhiều sản phẩm, bao gồm ô tô, TV và nhiều thiết bị điện khác.

Đây là một mối lo ngại đối với EU do châu Âu hiện đang phụ thuộc nhiều vào các chuỗi cung ứng quốc tế.

Do đó, ủy ban đang nghiên cứu các chính sách mới để thúc đẩy sản xuất chip trong khối và giảm sự phụ thuộc vào các khu vực khác trên thế giới.

Ngoài ra, mặc dù tuyên bố cuối cùng không đề cập đến Trung Quốc, song "một số thoả thuận khác có vẻ là nhằm vào Bắc Kinh".

"Chúng tôi dự định hợp tác chặt chẽ với nhau để giải quyết các chính sách phi thị trường, không công bằng trong thương mại", theo tuyên bố chung của Mỹ và EU.

Các quan chức nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh vì đã không cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận với mức độ tương tự như những gì mà cho các công ty Trung Quốc được hưởng.

"Rất vui về cuộc trao đổi và tuyên bố chung ngày hôm nay với các đối tác xuyên Đại Tây Dương của chúng tôi", trưởng bộ phận cạnh tranh của Châu Âu, Margrethe Vestager, cho biết trên Twitter sau cuộc họp.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cũng cho biết bà rất vui mừng bởi cuộc họp này và mong muốn "tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác công nghệ và thương mại giữa Mỹ với EU".

Thuế quan thương mại

Tuy nhiên, cuộc họp này vẫn chưa có đột phá trên mặt trận thuế quan.

Hồi đầu mùa hè, Mỹ và EU đã đồng ý tìm kiếm một thỏa hiệp đối với các mức thuế thép và nhôm đang diễn ra, được áp đặt trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, vào cuối tháng 11.

Phát biểu vào đầu tuần này, Giám đốc thương mại của EU, Valdis Dombrovskis, nói với Bloomberg rằng "thời gian không còn nhiều".