Đưa vào khai thác 8 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020

PV

Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 sau nhiều năm thi công đã được đưa vào khai thác, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Đã có 8 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 được đưa vào khai thác với tổng chiều dài 519km.
Đã có 8 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 được đưa vào khai thác với tổng chiều dài 519km.

Toàn bộ các dự án giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong quý II/2024

Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654km. Trong đó, có 8 dự án thành phần được đầu tư bằng hình thức đầu tư công và 3 dự án thành phần được đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP).

Tính đến nay, đã có 8 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 đã được đưa vào khai thác với tổng chiều dài 519km, bao gồm 4 dự án thành phần kết nối từ Ninh Bình đến Nghệ An. Hai đoạn còn lại là Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo và cầu Mỹ Thuận 2 đang tiếp tục khẩn trương triển khai thi công. Theo kế hoạch, toàn bộ các dự án giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong quý II/2024. 

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đã thông xe đưa vào khai thác gồm 4 dự án thành phần (Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45,  Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu) có chiều dài 171,85 km, tổng mức đầu tư 27.353 tỷ đồng, đi qua địa phận 4 tỉnh (Nam Định 5,1 km, Ninh Bình 24,4 km, Thanh Hóa 98,8 km, Nghệ An 43,5 km). 

Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, việc hoàn thành cao tốc đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Nghệ An (Diễn Châu) chỉ còn khoảng 3-3,5 giờ, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ; giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 1; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và hình thành, phát triển các khu công nghiệp, trung tâm văn hoá, du lịch của các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, quá trình thực hiện đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng lớn đến tiến độ của dự án. Cụ thể: Trong giai đoạn cả nước tập trung phòng chống đại dịch COVID-19, nhiều thời điểm giãn cách xã hội, không thể huy động nhân sự, vận chuyển máy móc vào công trường. Bên cạnh đó, dự án đi qua khu vực có địa hình, địa chất phức tạp, nền đất yếu đòi hỏi phải theo dõi, điều chỉnh kịp thời về thiết kế kỹ thuật để bảo đảm chất lượng.

Ngoài ra, cần phải kể tới việc giá nhiên liệu, vật liệu có thời điểm tăng cao đột biến; khó khăn về việc khai thác, cung ứng nguồn vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là đất đắp nền đường; thời tiết, khí hậu cực đoan, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ khiến nhiều thời điểm không thể thi công…

Nhờ vào sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành, địa phương 2 dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu kịp đưa vào khai thác phục vụ nhân dân đúng dịp dịp kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2/9.

Trước đó, Dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 đưa vào khai thác đúng dịp lễ 30/4-1/5 năm 2023 và Dự án Cao Bồ-Mai Sơn khánh thành đúng dịp Tết Nguyên đán năm 2022.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Để phấn đấu đến cuối năm 2025, sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau và cả nước sẽ có 3.000km đường bộ cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo, các đơn vị liên quan chủ động, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc để đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách giải quyết theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính và các khâu trung gian, tập trung trách nhiệm, rút ngắn thời gian thực hiện. 

Trong công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng thời một số công việc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, giao mỏ vật liệu, xác định bãi đổ thải, hạn chế tối đa việc bàn giao mặt bằng “xôi đỗ” gây khó khăn trong quá trình thi công. 

Đồng thời, cũng cần quan tâm xây dựng các khu tái định cư đảm bảo tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, để người dân yên tâm về nơi ở mới, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao của người dân bị ảnh hưởng, nhanh chóng bàn giao mặt bằng phục vụ thi công.

Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, hiện nhu cầu vật liệu đắp nền đường rất lớn nên các địa phương cần chủ động có kế hoạch khai thác, cung cấp đủ nguồn vật liệu theo tiến độ thi công của Dự án.

Song song với đó, cần kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc vật liệu để đảm bảo chất lượng, quản lý chặt chẽ giá vật liệu, kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình.