Đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông
Là dự án giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư lớn, Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đang được Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ nhằm khơi thông những “điểm nghẽn” giải ngân vốn đầu tư công.
Đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng
Gửi báo cáo đến Bộ Tài chính về tiến độ giải ngân Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đến ngày 9/6/2023, công tác giải phóng mặt bằng của Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật đang di dời.
Đồng thời, lũy kế số vốn ngân sách nhà nước giải ngân đến ngày 30/6/2023 của Dự án là 53.758,8 tỷ đồng (đạt 82,1% tổng kế hoạch được giao). Trong đó thuộc kế hoạch năm 2023 là 6.282,5/16.889,1 tỷ đồng, đạt 37,2% kế hoạch năm 2023 được giao. Ước giải ngân đến ngày 31/7/2023 là 55.014,3 tỷ đồng, đạt 84,1% tổng kế hoạch được giao; trong đó thuộc kế hoạch năm 2023 là 7.539 tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch năm 2023 được giao.
Đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần vào ngày 13/7/2022, trong đó giao cho các ban quản lý dự án thuộc Bộ làm chủ đầu tư và bàn giao toàn bộ các mốc giải phóng mặt bằng cho địa phương vào ngày 30/6/2022 để triển khai thực hiện.
Tổng số vốn đã giải ngân của dự án đến hết ngày 30/6/2023 là 26.593,1 tỷ đồng, đạt 48,6% tổng kế hoạch vốn hàng năm đã giao, trong đó thuộc kế hoạch năm 2023 là 17.450,4/45.226,095 tỷ đồng, đạt 38,6% kế hoạch năm 2023 được giao. Ước giải ngân đến ngày 31/7/2023 là 31.442,7 tỷ đồng, đạt 57,4% tổng kế hoạch được giao.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, rút kinh nghiệm từ các dự án cao tốc giai đoạn 2017-2020, ngay từ bước lập dự án đầu tư các cao tốc giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo tư vấn tiến hành khảo sát, đánh giá trữ lượng, công suất, chất lượng cũng như cự ly vận chuyển của các mỏ vật liệu đảm bảo yêu cầu để cung cấp cho các dự án. Đồng thời, Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc và có hướng dẫn các địa phương, đơn vị việc khai thác khoảng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) cung cấp cho các dự án được áp dụng theo cơ chế đặc thù tại các Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội.
Để bảo đảm nguồn cung VLXDTT cho các dự án, Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc trực tiếp với các địa phương và có các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai cấp mỏ VLXDTT như: Các địa phương có kế hoạch nâng công suất các mỏ đá, cát đang khai thác để bảo đảm nguồn cung theo tiến độ của các dự án; đẩy nhanh thực hiện các thủ tục để giao cho nhà thầu khai thác các mỏ đã có trong quy hoạch chưa cấp phép khai thác... Đến nay, các địa phương như Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa đã hoàn thành các thủ tục giao một số mỏ vật liệu trực tiếp cho nhà thầu thi công; các địa phương khác đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục giao mỏ vật liệu.
Với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long phân bổ nguồn cát cho 2 dự án Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau với tổng khối lượng trong năm 2023 là 9,1 triệu m3 để đáp ứng kế hoạch triển khai.
Với khối lượng cát đắp còn lại (khoảng 9,0 triệu m3 cho năm 2024), Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với các địa phương để phân bổ, bố trí đủ nguồn vật liệu cát theo tiến độ thi công. Tuy nhiên, công tác cấp phép, nâng công suất mỏ còn chậm do các địa phương còn chưa thống nhất trong cách làm.
Đẩy nhanh quá trình thanh, quyết toán
Theo Bộ Tài chính, Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông là dự án trọng điểm có nguồn vốn lớn và tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của Đất nước. Để đảm bảo Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2023, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh quá trình nghiệm thu và hoàn thiện hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đảm bảo hết thời hạn theo quy định (ngày 31/1/2024) dự án giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2023 được giao.
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân từ nay đến cuối năm 2023, Bộ đề nghị các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ. Theo đó, đối với một số dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng, các chủ đầu tư cần tập trung hoàn thiện thủ tục hoàn công, thanh quyết toán dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Các chủ đầu tư cũng cần phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công và giải ngân nguồn vốn được giao; phối hợp với các địa phương hoàn thiện các thủ tục để sớm cấp mỏ vật liệu cho các nhà thầu khai thác phục vụ thi công.
Trong thời gian chờ thủ tục cấp mỏ, cũng như dự phòng cho trường hợp giá vật liệu tăng cao, các chủ đầu tư cần chỉ đạo các nhà thầu chủ động mua và tập kết vật liệu để tổ chức thực hiện, bảo đảm không xảy ra hiện tượng thiếu vật liệu ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án.
Cùng với đó, các chủ đầu tư cần tiếp tục yêu cầu các nhà thầu tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai thi công bảo đảm tiến độ yêu cầu; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng ngay khi có khối lương theo đúng quy định.
Khối lượng cần giải ngân trong năm 2023 là rất lớn, do vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu bổ sung nhân sự nội nghiệp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục nghiệm thu, thanh toán để kịp thời giải ngân kế hoạch vốn được giao.