Đức ủng hộ kế hoạch cải cách Eurozone
Sau một thời gian dài, ngày 3/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đáp lại lời kêu gọi cải cách Liên minh châu Âu (EU) mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra, với cam kết ủng hộ đầu tư và hỗ trợ các quốc gia đang ngập trong nợ nần của Khu vực đồng tiền chung (Eurozone).
Trả lời phỏng vấn báo Đức Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung, Thủ tướng Merkel cho biết, Đức với vai trò là nền kinh tế lớn nhất Eurozone sẽ ủng hộ việc thành lập một quỹ đầu tư nhằm giảm sự thiếu cân bằng về kinh tế giữa các nước giàu hơn và các nước nghèo trong EU, đặc biệt liên quan các lĩnh vực khoa học, công nghệ và sáng tạo.
Bà Merkel nhấn mạnh: "Chúng ta cần sự hội tụ kinh tế nhanh hơn giữa các nước thành viên". Theo bà, quỹ sẽ được giải ngân dần dần và sẽ được đánh giá dựa trên hiệu quả, với ngân sách ít nhất là hàng chục tỷ Euro.
Ủng hộ đề xuất của Tổng thống Pháp về Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF), Thủ tướng Đức nhận định Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM), vốn chịu trách nhiệm giám sát các khoản cứu trợ tài chính cho các nước thành viên gặp vấn đề lớn về nợ công như Hy Lạp, không đủ khả năng bảo vệ Eurozone khỏi các cuộc khủng hoảng.
Theo bà Merkel, ngoài liên minh về ngân hàng và thị thường vốn, Eurozone cần nâng cấp ESM thành EMF, có khả năng hỗ trợ quốc gia thành viên đang gặp khó khăn về nợ công với một loại tín dụng ngắn hạn, khoảng 5 năm, cho các nước gặp khó khăn.
Trong khi đó, nếu cả khu vực gặp nguy hiểm, EMF phải có khả năng cung cấp tín dụng dài hạn với kỳ hạn 30 năm và là điều kiện để thực hiện các cải cách cơ cấu.
Tuyên bố của bà Merkel được cho là câu trả lời cho lời kêu gọi từ 1 năm trước của ông Macron khi nhậm chức Tổng thống Pháp với tham vọng tái cơ cấu EU và đưa khối này trở nên "trách nhiệm" hơn nữa đối với người dân.
Câu trả lời của bà Merkel được đưa ra trong bối cảnh quan ngại về tương lai của EU đang gia tăng trước tình hình chính trị bất ổn tại Italy và Tây Ban Nha cũng như căng thẳng với Mỹ.
Dự kiến, lãnh đạo Đức và Pháp sẽ có cuộc thảo luận trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU sẽ diễn ra vào cuối tháng Sáu này nhằm phối hợp lập trường của mỗi bên về cải cách EU.
Hội nghị này là cơ hội cuối cùng trước cuộc bầu cử nghị viện châu Âu diễn ra vào tháng 5/2019 để đưa ra các dự án khả thi và thuyết phục các cử tri châu Âu đang hoài nghi về khả năng thực hiện các cam kết của khối.
Các lãnh đạo EU đang lo ngại trước việc lực lượng hoài nghi châu Âu lên nắm quyền tại Italy và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy phải từ chức do liên quan vụ bê bối tham nhũng.
Trong khi đó, quan hệ giữa các nước châu Âu với đồng minh lâu năm bên kia Đại Tây Dương đang trở nên ngày càng khó khăn do bất đồng trong một loạt vấn đề, đặc biệt là thỏa thuận hạt nhân Iran và nguy cơ chiến tranh thương mại sau quyết định của Washington tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm thép và nhôm của EU.