Dùng 10 lao động trở lên phải thành lập doanh nghiệp

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi, vừa được Quốc hội thông qua ngày 26/11, cùng với Luật Đầu tư.

 Dùng 10 lao động trở lên phải thành lập doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp sửa đổi quy định hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp. Nguồn: internet

Dự luật với 10 chương, 213 điều được Quốc hội thông qua với hơn 86% phiếu thuận, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân (gọi chung là doanh nghiệp)... Văn bản này cũng quy định về nhóm công ty, trình tự đăng ký doanh nghiệp, nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tài sản góp vốn…

Giống như dự thảo được trình trước đó, điểm mới của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là bãi bỏ việc đề nghị nhà đầu tư cung cấp mã ngành khi thực hiện đăng ký kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp không bị hạn chế số lượng ngành nghề hoạt động.

Luật cũng quy định hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp. Hộ có quy mô nhỏ hơn thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, vấn đề con dấu vẫn có ý kiến đề nghị nghiên cứu thêm để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng, cũng như có biện pháp bảo đảm con dấu có giá trị pháp lý và không bị giả mạo.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Nguyễn Văn Giàu cho rằng doanh nghiệp có quyền tự chủ quyết định về hình thức, nội dung và việc quản lý, sử dụng con dấu. Các đơn vị đồng thời có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Khi tham gia các hoạt động kinh doanh, bên đối tác đương nhiên có các biện pháp kiểm tra toàn diện về doanh nghiệp, kể cả tính xác thực của con dấu để hai bên có thể tin tưởng, ký kết, thực hiện giao dịch.

Tại luật này, khái niệm doanh nghiệp Nhà nước cũng đã được chỉnh sửa, được định nghĩa là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, quy định tại dự thảo trước là nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.. Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa, tăng hiệu quả kinh tế sau cổ phần.

Đối với khái niệm Nhóm công ty, có ý kiến đề nghị xác định rõ tiêu chí của tập đoàn kinh tế tư nhân, giúp chuẩn hóa công tác quản lý và tạo động lực phát triển. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc liên kết, hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế là quyền và xu thế phát triển của doanh nghiệp.

Để thể hiện quan điểm này, Điều 188 đã bổ sung quy định tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác.

Cũng trong ngày 26/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Theo đó, đề nghị giữ nguyên 6 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh của cơ quan soạn thảo đã được Quốc hội thông qua. 6 hoạt động này bao gồm kinh doanh các chất ma túy; các loại hóa chất, khoáng vật; mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã, mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.