Đừng bỏ lỡ “chuyến tàu hội nhập”

Theo daibieunhandan.vn

Nhân dịp bước sang năm mới - 2016, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã có cuộc trò chuyện với phóng viên về kinh tế - xã hội năm 2016 và những điều cần làm để không bỏ lỡ “chuyến tàu hội nhập” trong giai đoạn mới 2016 - 2020.

Tăng trưởng vượt mục tiêu

Phóng viên: Thưa ông, năm 2015 là năm kết thúc thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2011 - 2015. Xin ông cho biết, kinh tế đất nước trong năm qua đã có những thành tựu ấn tượng nào?

Đừng bỏ lỡ “chuyến tàu hội nhập” - Ảnh 1

GS. Vương Đình Huệ

GS. Vương Đình Huệ: Năm qua, nền kinh tế Việt Nam phục hồi rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Điểm nhấn tích cực nổi bật là tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tăng hơn 6,68%, với mức tăng quý sau cao hơn quý trước và lần đầu tiên trong 5 năm qua vượt mức kế hoạch đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT - XH năm 2015 là khoảng 6,2%. GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người 2.228 USD (tính theo sức mua ngang giá là hơn 5.600 USD).

Trong năm 2015, công nghiệp xây dựng luôn là động lực mạnh cho nền kinh tế, tăng 9,64%, cao hơn nhiều mức tăng 6,42% của năm 2014 đóng góp 3,20 điểm phần trăm. Trong đó ngành công nghiệp tăng 9,39% so với năm 2014, ngành xây dựng tăng 10,82%, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh và đầu tư được cải thiện rõ nét. Cơ chế một cửa quốc gia đã chính thức được triển khai và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa với ASEAN, đơn giản hóa được các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trong 5 năm tăng 19 bậc. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2015 tăng 19 bậc so năm 2010. Đầu tư công giảm từ 35,5% năm 2010 xuống còn khoảng 30% năm 2015, đầu tư của dân cư và doanh nghiệp trong nước tăng từ 36,1% lên 42%. Quy mô thị trường chứng khoán tăng, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 33% GDP và thị trường trái phiếu đạt khoảng 23% vào cuối năm 2015. Ngoài ra, chúng ta thành công trong kiềm chế lạm phát, hiện ở mức thấp nhất trong 14 năm qua.

Năm 2015 cũng được đánh giá là năm của hội nhập sâu và rộng hơn. Ông đánh giá như thế nào về kết quả của quá trình này?

Cùng với thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cao hơn, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, việc đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm của năm 2015. Đây cũng là một điểm sáng của năm 2015 và những năm tiếp theo.

Trong năm qua, nước ta đang hoàn tất đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á, Âu... tạo cộng hưởng thúc đẩy nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp bước sang một giai đoạn phát triển mới. TPP mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức đối với nền kinh tế nước ta. Quá trình hội nhập sâu đòi hỏi cũng đặt ra yêu cầu đổi mới trên nhiều lĩnh vực kinh tế.

Thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy đầu tư vào nền kinh tế; đẩy mạnh đột phá, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp, cải cách đầu tư công.

Theo ông bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào khi Việt Nam thực sự hội nhập sâu, nhất là tới đây chính thức tham gia TPP và AEC?

Việc gia nhập TPP - Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới với tiêu chuẩn rất cao, cùng với các Hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương khác và gia nhập AEC cuối năm 2015 đã và sẽ mở ra cho Việt Nam cơ hội vô cùng lớn. Nhưng đồng thời cũng đưa đến những thách thức gay gắt. Bởi, trong các nước thành viên TPP, Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất và cơ hội hiện chỉ mới nằm trên các văn kiện của Hiệp định nhưng thách thức đã hiện hữu. Kinh tế trong nước thời gian tới diễn tiến theo hai hướng.

Một là,bản thân chúng ta phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, hoàn thiện hơn nữa thể chế kinh tế thị trường theo nguyên tắc thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế để thích ứng với cam kết quốc tế đã tham gia. Đây là vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội buộc chúng ta phải đổi mới, phải gia nhập cuộc chơi nếu không muốn bị “lỡ tàu”. Việc ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế rất quan trọng. Đây là vấn đề được đánh giá như là một trong những thành tựu lớn nhất trong giai đoạn 5 năm vừa qua, với nhiều đạo luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước; các bộ luật liên quan đến công tác tư pháp và những bộ luật liên quan đến thể chế kinh tế thị trường đã cơ bản được hoàn thiện theo Hiến pháp 2013 và đang được thi hành. Tới đây chúng ta cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện các đạo luật này theo các nguyên tắc, bảo đảm thích ứng với các cam kết quốc tế. Tuy thời gian cho phép để thực hiện không dài nhưng tôi tin chúng ta có đủ khả năng làm được điều này.

Hai là,tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ của quốc gia, doanh nghiệp mà còn của từng sản phẩm. Và để làm được điều đó, không thể giữ mãi câu chuyện cái gì cũng dựa vào Nhà nước. Nhà nước chỉ tạo thể chế, cơ sở pháp lý thuận lợi, năng lực cạnh tranh thực sự phải do chính các doanh nghiệp tạo ra. Tôi tin người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam với bản lĩnh Việt Nam trong khó khăn, thách thức bao giờ cũng biết vươn lên, cùng với đó là sự hỗ trợ từ tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng Khóa XII tới đây soi sáng, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và những đạo luật đã được QH thông qua, sẽ là cơ sở tạo sức bật mới, nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa, hoàn thành đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế. Từ đó sẵn sàng tâm thế hội nhập sâu và không thua ngay trên sân nhà.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Năm 2016, nhiều Hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam là thành viên, chính thức có hiệu lực. Ông có đề xuất gì về các chính sách kinh tế cho hội nhập trong năm tới?

Thứ nhất,cần ưu tiên tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong nước. Chính sách tác động theo chiều ngang để cho tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng lợi; tác động đến toàn bộ nền kinh tế, từ đó rút ngắn khoảng cách quy định trên văn bản và việc thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước. Thêm vào đó, chính sách ban hành cũng cần có tác động theo chiều dọc, tức là tác động đến từng loại hình doanh nghiệp. Nhất là, tiếp tục đổi mới và cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN); hạn chế và đi đến xóa bỏ đại diện sở hữu của các bộ, ngành và cơ quan quản lý Nhà nước các địa phương; tiến tới thành lập một cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu của nhà nước tại doanh nghiệp; thực hiện áp đặt kỷ luật thị trường thực sự đối với các DNNN.

Thứ hai,Chính phủ cần hoạch định chiến lược phát triển các ngành mũi nhọn trong 5 năm hội nhập đầu tiên (2016 - 2020) và các năm tiếp theo.

Thứ ba,Nhà nước cần có những chính sách ưu tiên với các doanh nghiệp trong nước về tiếp cận đất đai và tín dụng. Bản thân doanh nghiệp cũng nên sẵn sàng chấp nhận sự liên doanh, mua bán sáp nhập. Tuy nhiên, đối với các mô hình liên doanh này, cần ưu tiên các phương án trong đó phía Việt Nam chiếm đa số (trên 51% cổ phần).

Thứ tư,đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ, cần có chủ trương đề xuất quy định tỷ lệ hàng Việt trong siêu thị và yêu cầu các hệ thống siêu thị phải hỗ trợ bán hàng Việt tại siêu thị. Doanh nghiệp FDI cần có đóng góp và hỗ trợ tích cực hơn đối với các nhà cung ứng, dịch vụ và các đối tác nhỏ và yếu nội địa.

Thứ năm, Nhà nước cần tham vấn sâu với nhiều chuyên gia để đưa ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển đúng hướng và tránh tình trạng “quân ta đánh quân mình” và cạnh tranh khốc liệt để giành giật những miếng bánh không lớn.

Thứ sáu, Chính phủ đặc biệt là các bộ, ban, ngành cần nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực hành chính có đầy đủ các phẩm chất như trình độ hội nhập; am hiểu thực tế hoạt động của doanh nghiệp; có tâm và không có tư tưởng “hành” doanh nghiệp. Có cơ chế để cộng đồng doanh nghiệp và người dân giám sát, chấm điểm các cơ quan quản lý nhà nước.

Kỳ vọng phục hồi tăng trưởng mạnh

Năm tới bắt đầu triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm (2016 - 2020), và theo nhận định của một số chuyên gia, kinh tế sẽ vẫn còn nhiều khó khăn. Vậy, ông dự báo thế nào về kinh tế giai đoạn tới và cần làm gì để nắm bắt cơ hội hội nhập và vượt qua khó khăn?

Mục tiêu và nhiệm vụ 5 năm tới sẽ phải cố gắng giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Triển vọng kinh tế Việt Nam 2016 - 2020 sẽ tăng trưởng GDP là 6,5 - 7%, kiểm soát lạm phát trong khoảng 5 - 7%, bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP. Các dòng vốn tăng mạnh trở lại, đặc biệt là dòng vốn trong khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài…

Trong giai đoạn 2016 - 2020, các tổ chức dự báo kinh tế lớn nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ khả quan hơn. Động lực phát triển cho kinh tế toàn cầu sẽ được chuyển từ các nước phát triển trong giai đoạn đầu sang các nước đang phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Tốc độ tăng thương mại toàn cầu giai đoạn 2016 - 2020 dự báo sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2 năm đầu tiên và duy trì mức tăng nhẹ trong 3 năm còn lại. Trong giai đoạn này, nền kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi suy giảm và bắt đầu chu kỳ phục hồi mới.

Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng phục hồi mạnh trong giai đoạn này nhờ vào hàng loạt yếu tố hỗ trợ từ giá hàng hóa thấp, lực đẩy từ các doanh nghiệp FDI và nhu cầu bên ngoài, cùng với những cải cách về thể chế của nền kinh tế sẽ phát huy hiệu quả. Tăng trưởng GDP trong khoảng từ 6,5 - 7%, kiểm soát lạm phát khoảng 5 - 7%, bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP. Các dòng vốn tăng mạnh trở lại, đặc biệt là dòng vốn trong khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài…

Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu đã đề ra, Chính phủ cần triển khai mạnh mẽ các chính sách, biện pháp xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ trong cả nước và các ngành để thật sự chuyển dịch cơ cấu và mô hình tăng trưởng theo hướng đã xác định.

Xin cảm ơn ông!