Đủng đỉnh trước thềm TPP
(Tài chính) Các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam cần phải đổi mới mạnh mẽ nếu không muốn bị thua thiệt khi Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực.
Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang ở những vòng đàm phán cuối. Việt Nam phải bước vào TPP trong bối cảnh một bên là sức khỏe của doanh nghiệp đã bị bào mòn và yếu ớt trong 5 năm qua, một bên là các quy định ngặt nghèo, bất lợi cho ngành nông nghiệp Việt Nam của TPP.
Nguy cơ mất thị phần nội địa
Ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan cho biết, theo cam kết TPP, Việt Nam phải loại bỏ 100% dòng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp. Các nước thành viên TPP cũng phải mở cửa cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, khi thực hiện các dòng thuế theo cam kết, áp dụng các quy ước kỹ thuật như: rào cản thương mại (TBT), quy ước kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm (SPS) thì nhiều sản phẩm của Việt Nam không vượt qua nổi. Vì vậy, Việt Nam rất khó tận dụng các lợi ích từ việc giảm thuế quan. Chưa kể việc kiểm dịch, kiểm tra dư lượng kháng sinh, các đòi hỏi về nhãn mác bao gói… sẽ là rào cản nông sản Việt Nam xuất khẩu vào các nước. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, những rào cản kỹ thuật trong lĩnh vực này của Việt Nam với hàng nhập khẩu chưa có hoặc chưa cao nên khó có thể bảo hộ được cho các doanh nghiệp, nông dân vốn là nhóm dễ bị tổn thương trong hội nhập. Hàng hóa các nước sẽ đổ vào Việt Nam nhiều hơn. Nhiều khả năng thị phần hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước bị thu hẹp, thậm chí nguy cơ mất thị phần nội địa.
Khó khăn còn ở chỗ, các nội dung đàm phán không đề cập đến hạn chế quyền ban hành các điều kiện TBT, SPS mới của các nước TPP. Điều đó có nghĩa là các nước này vẫn được đơn phương đưa ra các TBT, SPS mới hoặc điều chỉnh, từ đó ngăn chặn việc nhập khẩu nông sản Việt Nam vào các quốc gia này. Ở lĩnh vực chăn nuôi, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand là ba đối tác đáng lo ngại nhất khi đàm phán và thực hiện cam kết TPP về mở cửa mặt hàng nông sản, đặc biệt là các sản phẩm chăn nuôi mà Việt Nam vốn khá yếu vì năng suất, hiệu quả thấp và giá thành quá cao như lâu nay.
Nói về tương lai của ngành nông nghiệp Việt Nam, GS., TS. Võ Tòng Xuân thẳng thắn cho biết, nếu không thay đổi, doanh nghiệp nông nghiệp Việt sẽ không đủ điều kiện tham gia sân chơi TPP. Thông tin hành lang từ các tổ chức phi chính phủ theo dõi đàm phán TPP cho thấy, các công ty đa quốc gia thông qua TPP củng cố và bảo vệ quyền lợi của họ. Chẳng hạn trong lĩnh vực nuôi trồng, nếu chúng ta mua con, cây giống của họ để sản xuất trong mùa vụ này thì đến mùa vụ sau chúng ta cũng phải tiếp tục mua chứ không thể tự nhân giống, lai giống. Nếu vi phạm nặng chúng ta có thể bị kiện ra tòa quốc tế và phải chịu một khoản bồi thường không nhỏ.
Ở lĩnh vực xuất khẩu gạo, Việt Nam được tiếng là một trong những nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, nhưng chỉ một ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo hữu cơ vào được thị trường Anh, Mỹ. Còn lại, đa số gạo Việt Nam chất lượng kém, phải bán rẻ sang các thị trường khác. Đây cũng sẽ là một cách buộc doanh nghiệp Việt phải tích cực thay đổi giống cây trồng lẫn chiến lược sản phẩm. Điều này hầu như chưa được chuẩn bị.
Nhìn vào thực tế để vươn lên
Theo GS., TS. Võ Tòng Xuân, số phận của hạt gạo Việt Nam cũng là thực trạng chung của các loại cây ăn trái, thủy sản. “Ngay từ những năm đầu Việt Nam gia nhập WTO, tôi đã nhiều lần nói về việc cải tổ nền sản xuất lúa gạo để tăng giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam, nhưng các ý kiến không được tiếp thu. Các doanh nghiệp vẫn làm ăn theo kiểu chụp giựt, thông qua thương lái: khi có đơn hàng thì yêu cầu thương lái thu gom, gạo bị pha trộn ở nhiều khâu, điều kiện phơi sấy không tốt nên xuất khẩu không được giá. Cuối cùng, không có sản phẩm sản xuất theo đúng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm có thương hiệu, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính”, GS., TS. Võ Tòng Xuân nói.
Cũng theo ông Xuân, việc sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn quốc tế không khó, nếu muốn thì chỉ trong 1 năm doanh nghiệp đã có thể làm được. Ông cho rằng, quan trọng là doanh nghiệp có muốn làm hay không. Ngoài ra, trở ngại lớn nhất khiến các doanh nghiệp không dám đầu tư mạnh cho cây lúa là vì không nắm được nhu cầu thị trường, thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ.
Theo GS., TS. Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, chúng ta cần có giai đoạn chuẩn bị vì quy mô doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, thông tin lại thiếu cập nhật thường xuyên. Theo lộ trình, có thể đến hết 2015, đàm phán TPP mới kết thúc, sang 2016 sẽ có hiệu lực. Trong chăn nuôi, nếu làm hệ thống giống tốt (khoảng 9% ưu thế lai) sẽ giảm giá thành sản xuất được 7 – 9%. Nếu đưa hệ thống thức ăn vào chuỗi hệ thống liên kết sẽ tiết kiệm được 10% chi phí thức ăn (chi phí thức ăn chiếm 70% giá thành, tương đương với tiết kiệm được thêm 7% giá thành). Như vậy, nếu doanh nghiệp trong nước biết tổ chức lại thì sẽ tối ưu hóa được chi phí, tạo sức cạnh tranh.
Ông Vang cho hay, thực tế một số công ty của Mỹ vào Việt Nam đã áp dụng mô hình này. Hiện một số ít công ty nội địa cũng bắt đầu triển khai mô hình chuỗi liên kết, chọn ưu thế lai con giống. Nếu tiến triển tốt thì đến 2017 – 2018 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, ngành chăn nuôi trong nước sẽ không đến mức bị lấn án bởi nước ngoài khi TPP có hiệu lực.