Đừng quên EVIPA
Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu và Nghị viện các nước thành viên EU mới có thể thực thi.
Và từ nay đến ngày đó, Việt Nam cần hiểu nhiều hơn nữa về những “phức tạp” trong “nội khối” thị trường EU rộng lớn.
Tháng 8 năm 2020, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, toàn bộ phần về bảo hộ và giải quyết tranh chấp đầu tư được tách ra khỏi EVFTA trở thành Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) vẫn chưa được phía EU phê chuẩn. Mặc dù sự chậm trễ này bắt nguồn từ những mâu thuẫn và thủ tục phức tạp trong nội bộ EU, Việt Nam cũng nên có sự chuẩn bị phù hợp và tận dụng tối đa lợi thế từ vấn đề này.
Mâu thuẫn trong nội bộ EU
Mâu thuẫn về các FTA thế hệ mới bắt nguồn từ chính Nguyên tắc Trao quyền là nền tảng của EU. Theo đó, các cơ quan của EU chỉ hoạt động trong khuôn khổ thẩm quyền được trao bởi các quốc gia thành viên. Các thẩm quyền này được chia thành 3 loại chính, trong đó có 2 loại quan trọng nhất là Thẩm quyền Riêng của EU và Thẩm quyền Chia sẻ.
Đối với các vấn đề thuộc Thẩm quyền Riêng, chẳng hạn như Chính sách Th g mại Chung, cạnh tranh, tiền tệ, EU có toàn quyền tự mình xây dựng và thông qua một văn bản có giá trị pháp lý bắt buộc các nước thành viên phải tuân thủ. Còn văn bản pháp lý quy định các vấn đề như Quản lý Th trường, Môi trường, Năng lượng, Bảo vệ Người tiêu dùng,… sẽ thuộc Thẩm quyền Chia sẻ đồng thời phải được thông qua bởi cả các cơ quan EU và các quốc gia thành viên.
Trước khi Hiệp ước về Chức năng của Liên minh Châu Âu (TFEU) có hiệu lực pháp luật vào năm 2009, một FTA của EU thường không bao gồm bảo hộ đầu tư mà chỉ điều chỉnh về thuế và các nội dung thuần túy thương mại. Các vấn đề trên thuộc Chính sách Thương mại Chung của EU nên việc đàm phán và thông qua một hiệp định như vậy thuộc Thẩm quyền riêng của EU và không cần có sự phê chuẩn của từng thành viên. Trong khi đó, một thành viên EU vẫn giữ toàn bộ thẩm quyền Riêng của mình để phê chuẩn một hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) với một quốc gia ngoại khối mà không cần thông qua EU. Chẳng hạn như với Việt Nam, các thành viên EU đã kí kết tới 21 IPA và hầu hết vẫn đang có hiệu lực.
Điều này đã gây ra những lo ngại lớn về sự chồng chéo giữa phạm vi điều chỉnh và quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại, đầu tư, và thương mại kèm đầu tư giữa EU với các thành viên. Các nghị viện của các quốc gia thuộc EU cho rằng thẩm quyền đối với đầu tư phi trực tiếp hay cơ chế ISDS chưa hề được trao cho EU và vẫn phải thuộc thẩm quyền Riêng của các quốc gia. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là việc 16 nghị viện các nước thành viên EU đồng gửi thư tới Ủy ban Thương mại EU giữa năm 2014 chất vấn về thẩm quyền thông qua các FTA thế hệ mới.
Ai có thẩm quyền phê chuẩn một FTA thế hệ mới?
Đối với các phần của FTA thế hệ mới quy định về đầu tư trực tiếp và phi trực tiếp nước ngoài, vấn đề cần làm rõ đầu tiên chính là định nghĩa về “đầu tư trực tiếp nước ngoài” (FDI).
Với việc các FTA thế hệ mới đều có những phần thuộc thẩm quyền riêng của EU và có những phần thuộc thẩm quyền Chia sẻ, Ủy ban Châu Âu phải đưa ra một quyết định chiến lược là tách một FTA thế hệ mới thành hai hiệp định nhỏ.
Hiệp định thứ nhất (FTA) chỉ tập hợp những phần nội dung thuộc Thẩm quyền Riêng của EU, bao gồm các nội dung của Chính sách Thương mại Chung truyền thống. Hiệp định này sẽ có hiệu lực thi hành ngay sau khi được các cơ quan Liên minh như Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu cũng như quốc gia đối tác thông qua.
Hiệp định còn lại sẽ bao gồm các điều khoản bảo hộ và cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư giống như một (IPA) song phương giữa một thành viên EU và một quốc gia ngoại khối trước đây, và phải có đầy đủ sự phê chuẩn của cả EU lẫn quốc hội các thành viên theo Thẩm quyền Chia sẻ. Kết quả sau đó là cả hai FTA giữa EU - Singapore và EU - Việt Nam đều được thống nhất tách thành hai cặp hiệp định riêng biệt: EUSFTA - EUSIPA và EVFTA - EVIPA.
Quyết định nói trên của Ủy ban Châu Âu rõ ràng là một nước đi khéo léo. Nếu muốn giữ nguyên tất cả các nội dung trong một văn kiện FTA như ban đầu, EU phải có được sự phê chuẩn của tất cả các quốc gia nội khối. Điều này khó để có thể đạt được trong thời gian ngắn, do thủ tục phê chuẩn tại từng quốc gia thành viên EU có nhiều điểm khác biệt và tốn rất nhiều thời gian, hoặc thậm chí bị từ chối. Lấy CETA làm một ví dụ: ngay khi có thông tin về việc Thẩm quyền Chia sẻ có thể được áp dụng cho hiệp định này, Bulgaria và Romania đã tận dụng quyền phủ quyết của mình để yêu cầu Canada phải gỡ bỏ một phần các quy định về việc cấp visa cho công dân của hai quốc gia này.Vì lí do trên, với việc tách thành cặp hiệp định FTA - IPA và thông qua ngay FTA ở cấp EU, FTA đó có thể được thực thi ngay mà không phải chịu những vướng mắc kể trên. Trong khi chờ đợi phê chuẩn IPA chung của EU, các IPA cũ giữa thành viên EU và quốc gia ngoại khối (như 21 IPA với Việt Nam) vẫn tiếp tục có hiệu lực cho đến khi được thay thế.
Vì lí do trên, với việc tách thành cặp hiệp định FTA - IPA và thông qua ngay FTA ở cấp EU, FTA đó có thể được thực thi ngay mà không phải chịu những vướng mắc kể trên. Trong khi chờ đợi phê chuẩn IPA chung của EU, các IPA cũ giữa thành viên EU và quốc gia ngoại khối (như 21 IPA với Việt Nam) vẫn tiếp tục có hiệu lực cho đến khi được thay thế.
Tuy nhiên, việc tách cặp FTA - IPA riêng biệt làm giảm thẩm quyền thực tế của các cơ quan EU. Đồng thời, sự thay đổi này cũng khiến EU đánh rơi lợi thế đàm phán thương mại - đầu tư của mình. Kể từ thập niên 90 của thế kỉ trước, việc xây dựng hiệp định NAFTA đã mở ra một hướng mới: gắn liền bảo hộ đầu tư vào các FTA.
Tính đến nay, đã có khoảng 450 FTA có cấu trúc như vậy và chúng dần thay thế vai trò của các IPA đơn thuần.
Sự phát triển này là hợp lý bởi trên thực tế, các điều khoản FTA mở cửa thị trường sẽ không hiệu quả nếu như các khoản đầu tư kéo theo sau đó không được hưởng những tiêu chuẩn bảo hộ cơ bản như không bị phân biệt đối xử, được xét xử công bằng, hoặc không bị quốc hữu hóa. Việc chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia được tiếp cận nguồn nhân công, nguyên liệu rẻ, được giảm thuế xuất nhập khẩu sẽ không có ý nghĩa nếu họ không được bảo hộ để yên tâm đầu tư số vốn lớn trong thời gian dài. Với việc ghép bảo hộ đầu tư cùng kí kết trong một FTA, EU thường yêu cầu các quốc gia ngoại khối phải nâng cao tiêu chuẩn bảo hộ doanh nghiệp EU trong pháp luật của các quốc gia này để đổi lấy quyền tiếp cận một trong những thị trường lớn và phát triển nhất thế giới.
Các khuyến nghị cho Việt Nam
Sáng ngày 8/6/2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn cả hai hiệp định EVFTA và EVIPA. Bởi vậy, các cam kết đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong EVFTA như giảm trên 85% số dòng thuế ngay trong năm đầu tiên và hầu hết những quy định quan trọng về sở hữu trí tuệ, thương mại dịch vụ có thể được thực hiện ngay trong 1-2 tháng sau khi được hai bên trao văn kiện hoàn tất phê chuẩn.
Ngược lại, với việc hiệp định EVIPA cần có sự phê chuẩn của các nghị viện thành viên EU, nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng được thông qua của hiệp định này. Với việc kéo dài này sẽ đem lại một số lợi ích nhất định cho Việt Nam. Trên thực tế, trong khi các công ty EU đầu tư đến 2.375 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 25 tỷ USD, gấp gần 80 lần đầu tư ngược lại từ Việt Nam sang EU với 78 dự án tương đương 320 triệu USD. Đồng thời, chỉ có 21 IPA giữa thành viên EU với Việt Nam là đang có hiệu lực, tức là các nhà đầu tư từ 6 quốc gia EU chưa được bảo hộ tương ứng. Do đó, khả năng tận dụng các tiêu chuẩn cao trong EVIPA về bảo hộ đầu tư và cơ chế Tòa Đầu tư đối với Việt Nam là không quá quan trọng như đối với EU.
Ngược lại, Việt Nam nên tận dụng việc kéo dài thời gian phê chuẩn hiệp định này để chuẩn bị thật kỹ cho việc thực thi, chẳng hạn như tăng cường rà soát lấp lỗ hổng pháp lý, xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, bồi dưỡng đội ngũ luật sư và đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm để đối mặt với những vụ kiện đầu tư lớn có thể xảy ra tại từ cơ chế Tòa Đầu tư theo điều 3 của EVIPA.
Việt Nam cũng cần sẵn sàng tham gia các phiên đàm phán về EVIPA có thể phát sinh trong trường hợp hiệp định này phải chịu những yêu cầu sửa đổi mới nhất đến từ nghị viện các quốc gia thành viên EU.