Đừng tự "hạ giá" nông sản Việt khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ
Nhiều tín hiệu tích cực cho xuất khẩu nông sản ở thị trường Mỹ. Song mong muốn lớn nhất là nông sản Việt xây dựng được thương hiệu, giành được thị phần từ tay đối thủ, thay vì cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau, kết quả là hạ giá nông sản xuống đáy.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), với thị trường Mỹ, Việt Nam đã xuất khẩu được 6 loại quả là thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa. Hiện quả bưởi Việt Nam đang đàm phán để Mỹ mở cửa. Quá trình đàm phán đã vào giai đoạn cuối. Dự kiến khoảng một vài tháng nữa Mỹ sẽ mở cửa cho quả bưởi của Việt Nam.
Cạnh tranh bằng chất lượng thay vì giá
Thống kê từ Bộ NN&PTNT trong 5 tháng đầu năm 2022 cũng cho thấy, thị trường Mỹ tiếp tục vượt qua Trung Quốc trở thành nhà mua hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu nông sản sang thị trường Mỹ đạt gần 6,5 tỷ USD (chiếm 28,0% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 67,5% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.
Vừa trở về từ chuyến công tác tại thị trường Mỹ, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, cho hay đã tiếp xúc được với các nhà bán lẻ lớn như Walmart- họ quan tâm tới sản phẩm trái cây Việt Nam, đặt vấn đề mua các sản phẩm sầu riêng đông lạnh, xoài. Chánh Thu cũng trao đổi mong muốn được đưa quả bưởi vào thị trường Mỹ trong thời gian tới.
Lần này trở lại Mỹ, mục tiêu chính của bà Vy là khảo sát định hướng về nhu cầu tiêu dùng của thị trường, thu thập thêm thông tin của khách hàng về trái cây Việt Nam. Từ đó, Chánh Thu xác định rõ cần chuẩn bị những gì cho định hướng kinh doanh lâu dài, khởi động xây dựng nhà máy chế biến trái cây ở Đắk Lắk nhằm đẩy mạnh chế biến sâu.
Để đưa trái cây vào hệ thống chuỗi bán lẻ lớn ở Mỹ, bà Vy cho rằng cần phải có thời gian, lộ trình bài bản. Chánh Thu cũng cần cải thiện vùng nguyên liệu nhằm ổn định chất lượng, xây dựng thương hiệu.
Dẫn ví dụ từ quả sầu riêng, Phó giám đốc Chánh Thu cho hay sức mua của thị trường Mỹ đối với sầu riêng Việt Nam chiếm tỷ trọng khá ổn, chỉ sau 3 năm quả sầu riêng Việt Nam đã được nhiều người tiêu dùng biết tới. Mặc dù đã có tín hiệu tích cực nhưng về thị phần, sầu riêng Thái Lan vẫn đang gần gấp rưỡi Việt Nam.
Vì vậy, bà Vy mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam cần đoàn kết để giành thị phần từ đối thủ, thay vì cạnh tranh về giá, ảnh hưởng tới chất lượng của trái cây Việt Nam ở thị trường Mỹ.
Hướng tới định vị thương hiệu
"Tại sao các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với nhau để làm gì, tại sao chúng ta không hợp sức lại để xây dựng chất lượng đồng đều, giành thị phần của sầu riêng Thái Lan ở thị trường Mỹ?", bà Vy tin rằng nếu doanh nghiệp Việt Nam cùng làm điều này, người tiêu dùng Mỹ sẽ thấy sầu riêng đông lạnh của Việt Nam ngon hơn Thái Lan. Từ đó, thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm sầu riêng của Việt Nam mới đứng vững.
Bên cạnh đó, bà Vy cũng đánh giá kinh doanh ở Mỹ, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và rủi ro thanh toán cao. Doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ thường chọn hình thức thanh toán trả sau, điều này có nghĩa doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh toán, thu hồi công nợ khá cao. Trường hợp hàng hóa có vấn đề gì thì người bán sẽ chịu thiệt nhiều hơn. Nếu doanh nghiệp không hiểu khách hàng, lựa chọn khách hàng không uy tín thì chuyện mất cả chì lẫn chài dễ xảy ra.
Hay đối với sản phẩm gạo, Mỹ được đánh giá là thị trường rất hấp dẫn cho hạt gạo Việt Nam. Tuy nhiên để vào thị trường này không hề đơn giản. Số liệu thống kê của năm 2021 cho thấy trong khi Thái Lan xuất đi Mỹ được 573.786 tấn thì gạo Việt Nam chỉ bán được 15.235 tấn tại thị trường Mỹ.
Theo nhiều chuyên gia, để nông sản Việt Nam vào thị trường cao cấp rất khó khăn bởi tiêu chuẩn khắt khe và việc đảm bảo chất lượng đồng đều không dễ.
Theo bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia hội nhập, Hội đồng kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ, Việt Nam có lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Hiện nay, người dùng thế giới mở chú trọng vào ăn ngon mặc đẹp, ý thức ăn gì để cho khỏe, đẹp, có lợi cho sức khỏe. Vì vậy, Việt Nam không chỉ tập trung an ninh lương thực, tăng số lượng mà còn phải tập trung để có sản phẩm tốt, có thương hiệu, chất lượng cao hướng đến đáp ứng các đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng.
Tuy vậy, bà Thùy cho rằng, doanh nghiệp Việt có vẻ còn thiếu quan tâm tới làm thương hiệu trên thị trường nước ngoài. Ngoài ra cần lưu ý đến phòng vệ thương mại, ví dụ, ngành mật ong Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ có nguy cơ bị áp thuế quá cao. Lý do đưa ra là Việt Nam chưa vận hành theo kinh tế thị trường, sử dụng biện pháp so sánh giá với thị trường tương đương.