Vượt "bão" giá logistics và chính sách thuế, ngành gỗ tìm cơ trong nguy

Minh Chi

Nửa đầu năm 2025, bất chấp những tín hiệu xuất khẩu tích cực, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam vẫn đang đối mặt với một giai đoạn đầy thử thách. Theo ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chi phí logistics và những động thái chính sách từ thị trường trọng điểm Mỹ đòi hỏi ngành gỗ phải có sự ứng phó linh hoạt và chiến lược dài hạn.

Vượt "bão" giá logistics và chính sách thuế, ngành gỗ tìm cơ trong nguy - Ảnh 1
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Phóng viên: Xin ông cho biết về những thách thức liên quan đến chi phí logistics mà ngành gỗ Việt Nam đang phải đối mặt trong nửa đầu năm nay?

Ông Ngô Sỹ Hoài: Nhìn vào bức tranh tổng thể 6 tháng đầu năm, ngành gỗ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ khi tăng trưởng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cho thấy thị trường tương đối ổn định, dù bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động.

 

Theo thống kê của Cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 8,16 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, đằng sau sự tăng trưởng đó là những thách thức không hề nhỏ, trong đó đáng quan tâm nhất là bài toán chi phí logistics. Đây là yếu tố có tác động trực tiếp và sâu sắc đến sức cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam, bởi sự phụ thuộc của ngành vào chi phí logistics là rất lớn.

Đã có những thời điểm cực kỳ căng thẳng, chi phí để vận chuyển một container đồ gỗ của chúng ta sang bờ Đông hay bờ Tây của nước Mỹ có thể lên tới 18.000 - 20.000 USD/TEU. Thậm chí, chi phí vận tải biển trong một số trường hợp còn cao hơn cả giá trị của lô hàng được xếp trong container đó.

Phóng viên: Thách thức “nóng” nhất hiện nay là chính sách thuế quan từ Mỹ, theo ông, vấn đề này tác động ra sao đến các doanh nghiệp ngành gỗ?

Ông Ngô Sỹ Hoài: Thị trường Mỹ là thị trường trọng điểm của ngành gỗ nên đòi hỏi phải có sự theo dõi sát sao. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn áp thuế đối ứng lên hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đã gây ra nhiều lo ngại, nhưng tiến trình áp dụng và mức thuế vẫn còn đang đàm phán và thương thảo, nên tác động cụ thể chưa thể định lượng.

Hiện sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn đang tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ với mức thuế cơ bản là 10%. Nhưng ngành gỗ Việt Nam đang đối mặt với một cuộc điều tra phòng vệ thương mại từ Mỹ, với lý do phía Mỹ viện dẫn trong trường hợp này khá đặc biệt, khi họ cho rằng vì quân đội Mỹ sử dụng nhiều gỗ, nên việc nhập khẩu lượng lớn sản phẩm gỗ có thể tiềm ẩn rủi ro cho an ninh quốc gia.

Hiện tại, theo thông tin từ phái đoàn phía Mỹ, họ cũng đã có những lưu ý với phía Việt Nam và sẽ sớm công bố một biểu thuế suất mới dành riêng cho sản phẩm gỗ.

Bên cạnh đó, lâu nay, vấn đề gian lận xuất xứ và trung chuyển để lẩn tránh thuế luôn là một câu chuyện hết sức nhạy cảm. Thực tế, từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã nhận thức rất rõ về nguy cơ này và sản phẩm gỗ luôn bị "nội soi" rất kỹ.

Nhưng qua qua rất nhiều cuộc điều tra của phía Mỹ về chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá và chống trợ cấp, họ vẫn chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy doanh nghiệp gỗ Việt Nam vi phạm các quy định này.

Phóng viên: Trước những khó khăn nêu trên, đâu là triển vọng của ngành trong những tháng cuối năm 2025 và các doanh nghiệp ngành gỗ cần chiến lược nào để nâng cao sức chống chịu và hướng tới phát triển bền vững, thưa ông?

Ông Ngô Sỹ Hoài: Mặc dù khó khăn là có thật, nhưng tinh thần chung của các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn lạc quan. Hơn nữa, thực sự là nếu có “kêu ca” thì cũng không giải quyết được vấn đề, nên bản lĩnh của doanh nghiệp là phải can trường và lạc quan.

Hơn nữa, dù tình hình quốc tế và những diễn biến về thuế của Mỹ gây ra nhiều lo ngại, nhưng những tin tức gần đây cũng mang lại một số điểm sáng. Đó là mức thuế mà phía Mỹ công bố cho Việt Nam sẽ không cao hơn so với các nước khác, nên sẽ tạo một "sân chơi bình đẳng" với sản phẩm cùng loại từ các quốc gia khác khi vào thị trường Mỹ. Vì thế, tôi tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thích ứng rất nhanh.

Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp đang tích cực đàm phán với các đối tác Mỹ để tìm mọi cách duy trì chuỗi cung ứng vào thị trường này. Nhưng về dài hạn thì các doanh nghiệp phải có chiến lược mang tính "dài hơi" hơn.

Các doanh nghiệp phải tự nhìn lại mình và xây dựng những giải pháp quản trị rủi ro hiệu quả. Đồng thời cần tập trung tăng cường đa dạng hóa sản phẩm để không phụ thuộc vào một vài mặt hàng chủ lực; phải áp dụng công nghệ để giảm chi phí, nâng cao năng suất; đồng thời cần đẩy mạnh thương mại điện tử để sản phẩm gỗ Việt Nam có thể tiếp cận nhiều thị trường khác nhau một cách trực tiếp và hiệu quả hơn.

Với xu hướng phát triển bền vững, ngành công nghiệp gỗ vốn rất nhạy cảm với các vấn đề môi trường, nên các doanh nghiệp Việt Nam đã có những chuyển động sớm để “tăng trưởng xanh”. Nhiều doanh nghiệp gỗ hiện đã tiến hành kiểm kê khí nhà kính, tìm kiếm giải pháp giảm tiêu thụ năng lượng, nhiên liệu và hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng về 0.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!