Dưới 1 tỷ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng nào lãi suất cao nhất?
Nhiều ngân hàng hiện nay niêm yết mức lãi suất tiết kiệm dựa theo số tiền gửi, giá trị càng lớn lãi suất càng cao. Với khoản tiền gửi hàng chục, hàng trăm tỷ nhiều ngân hàng áp dụng lãi suất trên 7%/năm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khoản tiền lớn như vậy để gửi, nhưng nếu có dưới 1 tỷ đồng thì nên gửi ngân hàng nào để có lãi cao nhất?
Lãi suất huy động đang thiết lập mặt bằng mớiXu hướng lãi suất huy động tăng, mối nguy cơ đang lớn dần?
Theo khảo sát của VnBusiness, trong tháng 5, với khoản tiền dưới 1 tỷ đồng, kỳ hạn 1 năm trở lên và gửi tại quầy, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại các ngân hàng hiện duy trì trong khoảng từ 5,5% đến 7,0%/năm, tùy từng ngân hàng.
Đằng sau mức lãi suất cao ngất ngưởng
Gần đây, nhiều khách hàng bị hấp dẫn bởi thông báo mức lãi suất cao ngất ngưởng của các ngân hàng. Chị Nguyễn Thu Hiền (Hà Nội) chia sẻ: Chị vừa có 1 khoản tiền nhàn rỗi nên muốn gửi tiết kiệm, trong số các ngân hàng khảo sát, chị Hiền chọn gửi tại SCB vì mức lãi suất lên đến 7,6%/năm. Tuy nhiên, khi mang tiền ra quầy gửi tiết kiệm mới vỡ lẽ đó chỉ là mức lãi suất áp dụng khi đáp ứng đủ một loạt yêu cầu đi kèm. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất này chỉ áp dụng với các khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng, số dư từ 500 tỷ đồng trở lên.
“Với số tiền 1 tỷ đồng mà tôi đang muốn gửi, ngân hàng áp dụng loại hình tiền gửi thông thường với mức lãi suất cao nhất là 7,0%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ. Tuy nhiên, mức lãi này cũng cao hơn khoảng 0,2% so với thời điểm trước nên tôi vẫn quyết định gửi tiết kiệm”, chị Hiền cho hay.
Theo khảo sát của VnBusiness, trong tháng 5, với khoản tiền dưới 1 tỷ đồng, kỳ hạn một năm trở lên và gửi tại quầy, SCB huy động cao nhất 7,0%/năm; LienVietPostBank trả lãi 6,99%/năm (áp dụng kỳ hạn 60 tháng), tại kỳ hạn 12 là 5,5%/năm; SHB huy động cao nhất là 6,95%/năm (trên 36 tháng), kỳ hạn 12 tháng là 6,2%/năm; BacABank đang huy động với mức lãi suất cao nhất là 6,9%/năm với các khoản tiền gửi kỳ hạn 24 và 36 tháng. Trong khi kỳ hạn 12 tháng là 6,7%/năm
Lãi suất tiết kiệm tại VietCapitalBank hiện đứng ở mức 6,8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng trở lên, còn kỳ hạn 12 tháng ngân hàng áp dụng mức lãi suất là 6,4%/năm; Kienlongbank đang áp dụng mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng là 6,75%/năm, còn kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm; OCB (6.1%/năm kỳ hạn 12 tháng) và cao nhất là 6,35%/năm dành cho kỳ hạn 36 tháng…
Còn hệ thống các ngân hàng nhà nước, lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay là ở ngân hàng Vietinbank, ở mức 5,6%/năm; lãi suất tiền gửi các ngân hàng như Vietcombank, Agribank và BIDV là 5,5%/năm.
"Sóng" tăng lãi suất tiết kiệm còn lan rộng
Theo số liệu của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tính tới cuối tháng 4, lãi suất huy động 12 tháng tiếp tục tăng thêm 0,08 điểm %, lên mức 5,66%. Diễn biến này đã khiến cho lãi suất tiết kiệm tăng 0,02 điểm % so với cùng kỳ, sau hơn 2 năm liên tục giảm.
Mặt bằng lãi suất huy động nhích tăng giúp dòng tiền cá nhân gửi vào ngân hàng có xu hướng tăng. Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 2, tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm. Đóng góp cho con số này là nhờ nhóm khách hàng dân cư.
Cụ thể, tiếp tục duy trì đà tăng kể từ tháng 11 năm ngoái, tiền gửi dân cư trong tháng 2 đạt 5,46 triệu tỷ đồng, tăng hơn 56.400 tỷ đồng so với cuối tháng 1 và tăng hơn 159.600 tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Hiện nay, nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh trong quý I, trong đó hầu hết đều ghi nhận doanh số huy động tăng mạnh. Đơn cử tại ABBank con số này đạt 150% kế hoạch đề ra. Dòng tiền huy động tháng 4 vẫn đang tiếp tục tăng; Tại ĐHĐCĐ tổ chức cuối tuần qua, BIDV cho biết, trong quý I, huy động vốn đạt 1,53 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1,3%; Tại MB, số dư huy động từ khách hàng hơn 96.203 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước; Tăng trưởng huy động của VPBank đạt 11,5%...
Mặc dù vậy, do hoạt động sản xuất - kinh doanh đang dần phục hồi và phát triển sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Nhu cầu vốn của doanh nghiệp để đầu tư vào dự án, mở rộng nhà máy, nhập thêm nguyên vật liệu… đang tăng mạnh khiến cho thanh khoản hệ thống ngân hàng có phần căng thẳng hơn. Biểu hiện là NHNN phải liên tục sử dụng tới kênh thị trường mở (OMO) để bơm tiền ngắn hạn ra ngoài hệ thống sau gần 1 năm kênh này đóng băng.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến 25/4 đạt 6,75% so với cuối năm 2021, cho thấy nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế trong bối cảnh phục hồi mạnh mẽ.
Trước đó, đến hết 31/3, tăng trưởng tín dụng tăng 5,04%, nếu so với mức tăng 2,16% của quý I/2021 thì tốc độ tăng tín dụng cao gấp 2,3 lần năm ngoái. Như vậy, chỉ trong 25 ngày của tháng 4, tín dụng đổ vào nền kinh tế đã tăng thêm gần 180.000 tỷ đồng, tương ứng hơn 7.100 tỷ đồng/ngày.
Theo nhận định của các chuyên gia, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, bởi nhu cầu vốn đang tăng lên và áp lực lạm phát cũng gia tăng. Các chuyên gia tại VCBS nhận định, mặt bằng lãi suất năm 2022 rất khó có khả năng giảm thêm so với cuối năm 2021 và khả năng có thể tăng trở lại, mức tăng khoảng 0,5% – 1%/năm, đặc biệt là trong nửa cuối của năm 2022.
Việc gửi tiết kiệm vào ngân hàng cũng được xem là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả với nhiều người, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có những biến động như gần đây.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia.