Lạm phát tăng khó "ghìm cương" lãi suất
Lạm phát không đến từ cung tiền, nhưng nếu kiểm soát được lạm phát thì mới có khả năng giảm được lãi suất. Còn trong trường hợp không kiểm soát được lạm phát thì không thể giảm lãi suất.
Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu lạm phát 4% trong năm 2022 là rất khó khăn, nhưng vẫn có thể đạt được nếu có quyết tâm lớn.
Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt tín dụng
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đến thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4 hiện nay, tín dụng đã tăng khá tích cực, lên tới 5,04%, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ tăng 2,06%, nghĩa là đã tăng hơn 2,3 lần.
“Mức tăng trưởng tín dụng này cho thấy nền kinh tế đang phục hồi rất tích cực, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ đang rất hiệu quả, giúp đời sống sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Trước đó, theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 23/3/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 4,21%, nghĩa là chỉ trong khoảng 10 ngày, tín dụng đã tăng 0,82%.
Tăng trưởng tín dụng rất cao, trong khi các gói kích cầu kinh tế chưa được triển khai, vì vậy nhiều ý kiến lo ngại khi đưa vào nền kinh tế sẽ đẩy lạm phát tăng vọt. NHNN thừa nhận, mức tăng trưởng tín dụng trong quý I so với cùng kỳ các năm trước là rất cao. Tuy nhiên, Phó Thống đốc nhấn mạnh, đối với từng quý và cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi và điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô và lạm phát.
Theo ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê (NHNN), cách đây khoảng hơn chục năm thì cao, nhưng thời gian gần đây thì NHNN cũng kiểm soát tương đối chặt chẽ về tăng trưởng tín dụng. Trong đó, luôn lưu ý để hướng tín dụng đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, đặc biệt là bất động sản.
“Qua theo dõi, chúng tôi thấy rằng đa phần vốn đi vào sản xuất kinh doanh. Như vậy, tín dụng đang tạo điều kiện và hỗ trợ cho nền kinh tế, cũng như khả năng phục hồi của nền kinh tế”, ông Long cho hay.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cách điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua khá vững vàng, chuyên nghiệp và được rút kinh nghiệm từ những năm trước. Vì vậy, cung tiền không phải là yếu tố tác động lên lạm phát.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, cách NHNN kiểm soát cung tiền mấy năm gần đây rất tốt, nên không lo rằng lạm phát cung tiền trong nước sẽ kích hoạt thêm lạm phát chi phí đẩy. Hơn nữa, càng không phải lo rằng tỷ giá hối đoái sẽ kích hoạt thêm giá nhiên liệu từ bên ngoài vào. Bởi theo vị chuyên gia này, thông qua sự điều hành của NHNN tỷ giá đầy đủ khả năng chống chịu được những cú sốc từ bên ngoài, cung tiền rất ổn định không có sự kích hoạt lạm phát.
Áp lực tăng lãi suất rất lớn
Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những yếu tố hết sức quan trọng, hỗ trợ ổn định được nền kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đó là việc NHNN duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hợp lý. Qua đó, hỗ trợ được thị trường ngoại hối và tỷ giá, mặt khác, hỗ trợ việc giảm lãi suất trên thị trường cho vay dân cư và doanh nghiệp.
Có thể thấy, trong 2 năm dịch COVID-19 xuất hiện, các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ doanh nghiệp, các biện pháp của NHNN đưa ra là làm sao cố gắng đáp ứng vốn cho nền kinh tế, bao gồm cả vấn đề lãi suất.
Theo đó, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành cũng như trần lãi suất cho vay… Bên cạnh đó cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để chủ động giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Thực tế, từ năm 2020-2021, mặt bằng lãi suất cho vay khá thấp. Điều này hỗ trợ rất tích cực cho doanh nghiệp. “Chính sách lãi suất thấp cùng với các biện pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp khó khăn vẫn có khả năng tiếp cận được vốn vay ngân hàng đã giúp nhiều doanh nghiệp vực dậy, duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Long nhìn nhận.
Tuy nhiên, đại diện NHNN cũng thừa nhận, nếu như chúng ta có khả năng kiểm soát được lạm phát thì chúng ta mới có khả năng giảm được lãi suất. Còn trong trường hợp không kiểm soát được lạm phát thì không thể giảm lãi suất.
Hiện nay, áp lực tăng lãi suất là rất lớn. Nhiều tổ chức đưa ra nhận định lãi suất huy động và cho vay có xu hướng đi lên vào cuối năm nay. Đề cập trong báo cáo "Vietnam at a glance - Bước đi thận trọng" về kinh tế Việt Nam, các chuyên gia HSBC đánh giá, rủi ro lạm phát gia tăng, dù là do cung, sẽ vẫn là dấu hiệu cho thấy cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Vì vậy, HSBC đã đẩy dự báo mức điều chỉnh tăng 50 điểm cơ sở lên quý III/2022 (trước đây dự báo quý IV/2022), nhiều khả năng sẽ khiến lãi suất điều hành tăng lên 4,5% vào cuối năm 2022.