EU đề xuất cấm các loại “hóa chất vĩnh cửu”
Mới đây Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu xem xét đề xuất về việc cấm các loại “hóa chất vĩnh cửu” (PFAS) vì những nguy hại mà nó đem lại.
PFAS hiện được sử dụng trong hàng nghìn sản phẩm, trong đó có máy bay, ô tô, hàng dệt may, thiết bị y tế…, do có khả năng tồn tại lâu dài trong đất, nước và không khí bất chấp nhiệt độ khắc nghiệt và hiện tượng ăn mòn.
Tuy nhiên, các loại hóa chất này liên quan tới những nguy cơ sức khỏe như ung thư, rối loạn nội tiết tố, suy giảm hệ miễn dịch, cũng như gây hại cho môi trường.
Trước mức độ nguy hại trên của hóa chát PFAS, trong một tuyên bố chung, 5 quốc gia gồm Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy cho biết đã và đang hợp tác soạn thảo đề xuất trên. Các nước này nhấn mạnh, nếu được thông qua, đây sẽ là “một trong những lệnh cấm lớn nhất đối với các loại hóa chất tại châu Âu”. Họ nói thêm rằng lệnh cấm PFAS sẽ làm giảm lượng PFAS trong môi trường trong thời gian dài, đồng thời sẽ tạo ra các sản phẩm và quy trình an toàn hơn cho con người.
Theo dự thảo đề xuất, các công ty sẽ có thời gian từ 18 tháng đến 12 năm để đưa ra các chất thay thế, tùy theo tính ứng dụng và tính sẵn có của các chất thay thế đó.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hiện vẫn chưa có loại thay thế nào như vậy, thậm chí có những trường hợp không thể có chất thay thế. Mặc dù vậy, 5 quốc gia trên vẫn cho rằng các công ty cần bắt tay ngay vào việc tìm kiếm các chất thay thế.
Bản dự thảo cho biết thêm khoảng 140.000 – 310.000 tấn PFAS đã được bán ra tại thị trường châu Âu trong năm 2020 và tổng chi phí thăm khám, điều trị hằng năm liên quan đến việc tiếp xúc với loại hóa chất này tại “Lục địa Già” ước tính từ 52 – 84 tỷ euro (tương đương khoảng 55,7 – 90 tỷ USD).
Các Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECHA), 2 ủy ban khoa học gồm Ủy ban Đánh giá rủi ro (RAC) và Ủy ban Phân tích Kinh tế – Xã hội (SEAC) sẽ xem xét liệu đề xuất này có phù hợp với quy định sâu rộng của EU đối với các hóa chất có tên gọi REACH hay không sau khi thực hiện một đánh giá khoa học và tham vấn ngành công nghiệp hóa chất.
ECHA cho biết ủy ban này và SEAC có thể cần nhiều hơn 12 tháng so với thông thường để đưa ra đánh giá của họ. Sau đó, Ủy ban châu Âu (EC) và các nước thành viên EU sẽ đưa ra quyết định về các biện pháp hạn chế tiềm năng.
Các sáng kiến nhằm hạn chế sử dụng PFAS cũng đang được thúc đẩy ở nhiều nơi trên thế giới. Tập đoàn đa quốc gia 3M của Mỹ vào tháng 12/2022 đã tự đặt ra hạn chót ngừng sản xuất PFAS là vào năm 2025.
Trước đó một tháng, 3M và công ty hóa chất DuPont de Nemours (cũng của Mỹ) là 2 trong số các công ty khác bị Tổng chưởng lý bang California kiện và yêu cầu bồi thường chi phí dọn dẹp PFAS.