EU, IMF chi 146 tỷ USD giải cứu Hy Lạp

Theo VnEconomy

Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhất trí chi 110 tỷ Euro (146 tỷ USD) để ngăn chặn khả năng vỡ nợ của Hy Lạp. Vấn đề nợ công của Athens được xem là cuộc khủng hoảng tệ hại nhất trong lịch sử 11 năm của khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) và đang có khả năng lan rộng sang các quốc gia thành viên khác.


Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết, các thành viên của EU sẽ đóng góp 80 tỷ Euro, số còn lại do IMF đảm nhiệm. Lãi suất của khoản vay là 5%, bằng khoảng một nửa so với lợi suất trái phiếu Chính phủ Hy Lạp kỳ hạn 10 năm thời gian gần đây. Đợt cấp vốn đầu tiên sẽ được thực hiện trước khi Hy Lạp thanh toán nợ trái phiếu đáo hạn vào ngày 19/5 tới.

10 tỷ Euro của gói giải cứu sẽ được sử dụng để thành lập một quỹ bình ổn tài chính, nhằm giúp các nhà băng của Hy Lạp ngăn chặn sự gia tăng của các khoản nợ xấu, do ảnh hưởng từ các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ.

Kế hoạch cứu Athens được thống nhất trong cuộc họp giữa bộ trưởng bộ tài chính các nước Eurozone hôm 2/5 tại Brussesl, Bỉ, dưới sự chủ tọa của Thủ tướng Luxembourg, ông Jean-Claude Juncker. Để có được gói cứu trợ có thời hạn 3 năm này, Hy Lạp đã cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách về mức chuẩn dưới 3% GDP mà EU đặt ra, từ mức 13,6% hiện nay. Hy Lạp hiện là nước có mức bội chi công cao thứ nhì trong Eurozone, sau Ireland.

EU và IMF đi tới một chương trình cụ thể được xem là “vô tiền khoáng hậu” để cứu Hy Lạp trong bối cảnh quốc gia này bị đẩy dần tới bờ vực vỡ nợ chính phủ. Tuần trước, Hy Lạp đã bị đánh tụt hạng mức tín nhiệm nợ công về mức rủi ro, khiến lợi suất trái phiếu do nước này phát hành leo thang tới mức kỷ lục và giá trị đồng Euro sụt giảm mạnh.

Hai quốc gia khác trong khối Eurozone là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng bị đánh tụt điểm tín nhiệm nợ. Tây Ban Nha hiện có mức thâm hụt ngân sách 11,2%, đứng thứ ba trong Eurozone, kế đó là Bồ Đào Nha, với 9,4%.

Khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ vượt biên giới Hy Lạp và tấn công vào các nước khác ở châu Âu như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Giới quan sát vẫn đang tiếp tục lo ngại về rủi ro này, ngay cả khi kế hoạch cứu Hy Lạp đã được chốt.

Tỷ giá đồng Euro sáng 3/5 theo giờ Việt Nam đã phục hồi về mức 1 Euro tương đương 1,33 USD, từ mức thấp nhất trong 12 tháng là 1 Euro đổi được 1,31 USD vào hôm 28/4.

Chương trình cứu Hy Lạp được thống nhất sau gần 3 tháng tranh luận quyết liệt giữa các nhà lãnh đạo EU về việc nên hay không nên cứu một quốc gia thành viên sắp rơi vào cảnh vỡ nợ. Đức là nước đi đầu trong việc phản đối kế hoạch này.

Theo kế hoạch, ngày 7/5, các nhà lãnh đạo EU sẽ họp bàn thảo các bước để quốc hội các nước thông qua chương trình cứu Hy Lạp. Là nền kinh tế “anh cả” của Eurozone, Đức sẽ gánh 28% trong tổng số tiền mà EU đóng góp vào kế hoạch giải cứu.

Giới phân tích nhận định, việc cứu Athens có thể sẽ đặt ra một tiền lệ cứu trợ ở châu Âu. Những quốc gia ngấp nghé khủng hoảng như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng có thể sẽ đòi được cấp vốn vay nhưng khả năng của EU không phải là vô tận. Tuy vậy, các quan chức của EU nhấn mạnh rằng, Hy Lạp là “trường hợp đặc biệt” và các nước trong khu vực không nên xem đây là một tiền lệ để đòi các khoản cứu trợ tương tự.

Thời gian sắp tới được dự báo sẽ là một quãng thời gian khó khăn đối với Hy Lạp, khi các biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh tay hơn được thực thi. Athens đã cam kết sẽ cắt giảm tiền lương trong 3 năm và tăng thuế tiêu thụ từ 21% lên 23%. Trước đó, các nỗ lực giảm bội chi của Chính phủ Hy Lạp đã bị người dân nước này phản đối quyết liệt.