Euro tăng giá, ai được lợi?
Đồng euro liên tục tăng giá trong cả năm 2017 và tăng rất mạnh suốt 3 tuần đầu năm 2018. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng “lộc” tỷ giá này, dù quy mô xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) xấp xỉ 40 tỷ USD/năm.
Mất lợi thế vì chuộng USD
Tỷ giá euro tăng khiến doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ EU và vay nợ bằng euro lo lắng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ châu Âu đã lấy lý do tỷ giá tăng để tăng giá hàng hóa. Trong khi đó, các doanh nghiệp vay nợ bằng euro như Nhơn Trạch 2, Xi măng Bỉm Sơn (BCC), Xi măng Hà Tiên 1… lại lo ngay ngáy vì tỷ giá tăng khiến chi phí trả lãi của khoản vay hàng chục triệu euro bị “đội” lên tiền tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng.
Ngược với nhập khẩu, euro tăng dường như đang giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta vào thị trường EU thu lợi. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2017, xuất khẩu của nước ta vào khu vực EU đạt hơn 38 tỷ USD, chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tuy nhiên, thực tế không hẳn vậy. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, năm 2017, xuất khẩu gỗ Việt Nam sang EU đạt khoảng 700 triệu USD và dự kiến sẽ tăng lên 800 triệu USD trong năm nay, song doanh nghiệp hầu như không được lợi gì từ việc tỷ giá euro tăng.
“Hầu hết hợp đồng xuất khẩu sang EU đều nhận thanh toán bằng USD, số hợp đồng thanh toán bằng euro rất ít. Chính vì vậy, tỷ giá euro tăng hầu như không tác động đến doanh nghiệp xuất khẩu gỗ”, ông Quyền nói.
Tương tự, xuất khẩu thủy sản sang EU cũng chiếm doanh số rất lớn (khoảng 1,3 tỷ USD, dẫn đầu trong số các thị trường). Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng chục triệu USD sang thị trường này, như Vĩnh Hoàn, Sao Ta, Hùng Vương…
Trưởng phòng kinh doanh một công ty xuất khẩu thủy sản lớn cho hay, euro tăng giá nhìn chung thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản sang thị trường này do hàng hóa trở nên rẻ hơn, nhờ đó tiêu thụ tốt hơn, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa sẽ nhiều. Dù vậy, đơn hàng nhận thanh toán bằng euro chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh số xuất khẩu của công ty này.
Euro đang tăng giá chóng mặt trên thị trường thế giới: tăng 2% chỉ trong vòng 3 tuần đầu năm 2018, sau khi tăng 14% năm 2017. Tại thị trường Việt Nam, đồng tiền chung châu Âu này cũng đã tăng tới 16% trong năm 2017. Riêng nửa tháng qua, euro đã tăng tới 5%. Theo khảo sát của một số chuyên gia, hiện có dưới 30% doanh nghiệp sử dụng euro trong giao dịch thương mại với thị trường EU, số còn lại giao dịch bằng USD. Trong số 30% doanh nghiệp sử dụng euro để giao dịch thì euro cũng chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong tổng giao dịch của doanh nghiệp. Điều này khiến biến động tỷ giá euro ít tác động đến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Xuất khẩu sang EU vẫn chủ yếu dựa vào trung gian
Trả lời lý do không lựa chọn thanh toán bằng euro khi xuất khẩu sang EU, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ chọn thanh toán bằng USD vì đây là ngoại tệ ít biến động, ít rủi ro nhất trong nhiều năm qua. Hơn nữa, dù tham gia Cộng đồng chung châu Âu (EC), song thực tế, không phải quốc gia nào ở EU cũng nhận thanh toán bằng euro, mà chỉ nhận thanh toán bằng đồng bản địa hoặc USD.
Ngoài lý do trên, tâm lý “chuộng” USD vẫn diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp xuất khẩu. Tâm lý này, cộng với việc thiếu kiến thức, kỹ thuật quản lý rủi ro tỷ giá là nguyên nhân khiến doanh nghiệp chọn phương án an toàn nhất là thanh toán bằng USD.
Hơn nữa, theo các chuyên gia kinh tế, dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU lớn, nhất là hàng dệt may, da giày, nông sản…, song thực chất, doanh nghiệp nước ta vẫn chủ yếu xuất khẩu qua các đối tác trung gian. Các đối tác trung gian này thường là các nhà nhập khẩu, phân phối đa quốc gia và thông thường chọn thanh toán bằng USD. Đây là các lý do khiến việc thanh toán bằng euro chưa trở nên phổ biến ở nước ta.
Chính vì vậy, bên cạnh việc tích cực xúc tiến, mở rộng các kênh đưa hàng trực tiếp vào EU, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần linh hoạt hơn trong việc sử dụng các loại ngoại tệ để thanh toán, cân nhắc sử dụng một số loại ngoại tệ mới như euro, yên Nhật, nhân dân tệ khi xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Trung Quốc.