EuroCham Công bố sách Trắng 2018: Lạc quan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam
Ngày 15/3, Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố ấn phẩm lần thứ 10 của Sách Trắng có chủ đề về Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam.
Sự kiện được tổ chức với chủ đề: “Kỳ vọng EVFTA 2018, 30 năm FDI/ 20 năm thành lập EuroCham/10 năm ra mắt Sách Trắng”. Phát biểu tại lễ ra mắt ấn bản sách trắng, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet nhấn mạnh, xét về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, Việt Nam đã trải qua một năm đầy lạc quan. Với tốc độ tăng trưởng GDP 6,8%, Việt Nam thuộc nhóm những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực. Không những vậy, đã thu hút thành công gần 30 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2017, tăng 44,2% so với năm trước đó.
Để có được kết quả này, EuruCham ghi nhận, những nỗ lực của Chính phủ đã có nhiều chuyển biến trong việc tiếp cận và đề cao vai trò thiết yếu của doanh nghiệp FDI, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, theo sách trắng vẫn chỉ ra những lĩnh vực Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hơn nữa, trong đó đáng kể là các rào cản về thương mại, vấn đề tiếp cận vốn, lao động thiếu kỹ năng, tham nhũng, cơ sở hạ tầng không đầy đủ, mức thuế, lạm phát cao, chính sách ngoại tệ, quy định về lao động hạn chế... đang được cho là thách thức đối với doanh nghiệp FDI hiện nay.
Ghi nhận những kiến nghị từ phía doanh nghiệp FDI, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong 10 năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị cao nhất. Có những kiến nghị trong sách trắng nêu, Việt Nam đã giải quyết cần thời gian để bàn luận thêm và có những kiến nghị đã được đưa vào các cam kết trong khuôn Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA). Khi Hiệp định này được thông qua, thì những vướng mắc này cũng được giải quyết.
Liên quan đến triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm nay, đa số các doanh nghiệp châu Âu đều tin tưởng rằng, sự ổn định kinh tế vĩ mô có khả năng tiếp tục, với 46,4% số lượng phản hồi là ổn định và cải thiện.