EVFTA: Biến lợi thế thành thực tế?
Theo dự báo nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam như rau quả, thủy sản, đồ gỗ, dệt may… sẽ được hưởng lợi khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Song từ lợi thế trên lý thuyết đến cơ hội thực tế vẫn còn khoảng cách không nhỏ vì nhiều ngành phải có sự chuẩn bị tốt.
Nguyên liệu phải đạt chuẩn
Một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực chính là rau quả. Theo đó, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả khi hiệp định có hiệu lực.
Trong đó, có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… Phần lớn dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%.
EVFTA sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 khóa 14 khai mạc ngày 20/5 tới để thảo thuận, biểu quyết thông qua. Vì thế, lúc này là khoảng thời gian để chúng ta nỗ lực biến những lợi ích xuất khẩu trên lý thuyết của EVFTA thành hiện thực.
Như vậy, mức cam kết này của EU sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có cùng ngành hàng về quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...
Hiện nay theo thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VinaFruit), tỷ trọng xuất khẩu sang EU mới chỉ chiếm khoảng 3-5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Với thuế suất giảm xuống 0% dự báo kim ngạch sẽ tăng trưởng mạnh.
Song, đó là tính toán về lý thuyết, còn thực tế để vào được thị trường châu Âu phải bước qua hàng rào kỹ thuật rất khắt khe. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam khẳng định các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật của châu Âu vô cùng nghiêm ngặt.
Hàng Việt Nam muốn thâm nhập trước hết phải đạt chứng nhận Global GAP. Hiện diện tích trồng rau quả theo chứng nhận Global GAP tại Việt Nam mới chỉ chiếm từ 5-10% tổng diện tích. “Thời gian qua có DN xuất khẩu dù có đơn hàng nhưng đã không tìm được nguồn hàng đạt chuẩn” - ông Nguyên chia sẻ.
Một mặt hàng khác cũng được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ EVFTA là thủy sản trong đó đáng quan tâm nhất là tôm. Cụ thể, tôm sú đông lạnh được giảm thuế từ mức 20% xuống 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác được giảm theo lộ trình từ 3-5 năm. Điều này sẽ góp phần tăng tính cạnh tranh mặt hàng tôm nước ta vào EU so với các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ không được hưởng thuế suất ưu đãi.
Theo đánh giá của ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Sao Ta, lợi thế vẫn trong lý thuyết vì chúng ta chưa giải quyết được nút thắt nội tại đó chính là nguyên liệu phải đạt chuẩn. Tôm vào EU phải có nguồn nguyên liệu đạt chuẩn ASC, trong khi diện tích nuôi tôm theo chuẩn ASC hiện nay còn rất khiêm tốn.
“Trại nuôi tôm theo chuẩn ASC đòi hỏi diện tích lớn, vốn đầu tư lớn nhưng đa phần nông dân nuôi tôm hiện nay có quy mô nhỏ lẻ nên khó tăng trưởng nhanh. Ngoài các tiêu chuẩn khắt khe về truy suất nguồn gốc, EU còn đặt ra nhiều quy định về điều kiện tổ chức sản xuất, môi trường… không phải DN nào cũng có thể đáp ứng được ngay” - ông Lực nhận định.
Những cơ hội cần nắm rõ
Ngay khi EVFTA có hiệu lực ngành gỗ được hưởng lợi khi thuế xuất vào EU giảm về 0% và thuế nhập khẩu máy móc thiết bị của EU vào Việt Nam cũng giảm mạnh. EU là khu vực có tiềm năng lâm nghiệp lớn nhất thế giới, công nghệ và thiết bị chế biến gỗ của EU đứng hàng đầu.
Nói về cơ hội cho doanh nghiệp gỗ Việt Nam, ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, cho rằng khi EVFTA có hiệu lực DN ngành gỗ cũng không hưởng lợi nhiều về thuế quan dù có giảm về 0%, bởi hiện nay các dòng thuế suất mà DN phải chịu cũng gần 0%. Về máy móc thiết bị hiện nay đang nhập khẩu với thuế khoảng 3%, nếu có giảm cũng không tác động quá nhiều.
“Hiện các DN trong ngành gỗ cũng đã chủ động được 60-70% nguyên liệu trong nước, nên việc nhập gỗ nguyên liệu từ thị trường châu Âu cũng không tăng đột biến dù giá có thể sẽ rẻ hơn. Còn về các tiêu chuẩn kỹ thuật đã có nhiều DN sang được thị trường này, nên không có gì khó khăn trong tương lai” – ông Phương nói.
Những cơ hội EVFTA mang lại chưa rõ nét còn được thể hiện trong ngành dệt may. Hiện châu Âu đang xếp thứ 2 trong những thị trường nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam, dự báo với EVFTA dệt may sẽ có những bứt phá trong những năm tới. Tuy nhiên, việc đáp ứng tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm ngành dệt may đến nay vẫn là bài toán khó giải.
Với EVFTA, các lợi ích suy đoán sẽ không đương nhiên trở thành hiện thực; các quyền và nghĩa vụ không tự nhiên phát huy tác dụng, nếu thiếu những nỗ lực lớn để thực thi các cam kết.
Thí dụ, trường hợp vải được DN sử dụng có xuất xứ từ nước có FTA với EU và cả Việt Nam (như Hàn Quốc) sản phẩm của doanh nghiệp cũng được coi là xuất xứ hợp lệ để được hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA. “Nhưng hiện nay chúng ta vẫn nhập nguyên liệu chủ yếu của Trung Quốc, Hàn Quốc nhập rất ít vì đây không phải là thị trường cung ứng nguyên liệu lớn” - ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết.
Việt Nam đã có khoảng thời gian rất dài từ khi bắt đầu đàm phán EVFTA, nhưng sự chuẩn bị của chúng ta cho đến thời điểm này vẫn còn quá nhiều vấn đề cần bàn tới. Thực tế, không riêng EVFTA mà với hầu hết FTA Việt Nam đã ký, có hiệu lực đến nay, khả năng tận dụng của DN Việt vẫn rất hạn chế. Có những FTA chúng ta nỗ lực để mở khóa thuế quan nhưng khả năng tận dụng chỉ khoảng 30-40%.
Có FTA thời gian đầu tận dụng tốt nhưng càng về sau tỷ lệ lại càng giảm dần. Dự kiến tháng 7 tới EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực. EVFTA cũng sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 khóa 14 khai mạc ngày 20/5 tới để thảo thuận, biểu quyết thông qua. Vì thế, lúc này là khoảng thời gian để chúng ta nỗ lực biến những lợi ích xuất khẩu trên lý thuyết của EVFTA thành hiện thực.