EVFTA, EVIPA và cơ chế giải quyết tranh chấp
Cơ chế giải quyết tranh chấp mới đã được Việt Nam và EU tách ra khỏi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để đưa vào Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA).
Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư (ISDS) mang yếu tố đặc thù bởi chủ thể tham gia tranh chấp không chỉ các quốc gia ký kết hiệp định mà nhà đầu tư mang quốc tịch của nước ký kết được trao quyền khởi kiện chính phủ nước tiếp nhận khoản đầu tư của họ.
IPA không sử dụng cơ chế trọng tài đầu tư quốc tế
EU đã hiện thực hóa các ý tưởng nêu trên của mình vào các hiệp định đầu tư với các nước đối tác như Canada, Singapore và Việt Nam với một mô hình ISDS tương đồng.
Khác với cơ chế giải quyết tranh chấp truyền thống, IPA không sử dụng cơ chế trọng tài đầu tư quốc tế mà thiết lập một thiết chế cố định để giải quyết tranh chấp đầu tư; xây dựng khung thời hạn tố tụng nhằm giải quyết tranh chấp nhanh chóng, kịp thời và bổ sung quy định cụ thể về tính minh bạch; nâng cao hiệu quả của biện pháp thi hành phán quyết; các quy định hạn chế khiếu kiện, bên thứ ba tài trợ cho vụ kiện; biện pháp bảo đảm chi phí tố tụng.
Bên cạnh đó, IPA cũng hướng tới việc đảm bảo hiệu quả các biện pháp giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng như đàm phán và hòa giải.
IPA thiết lập một hệ thống hội đồng tài phán cố định (hay thường được các học giả gọi là Tòa án đầu tư) gồm hai cấp xét xử là Hội đồng tài phán (sơ thẩm) và Hội đồng tài phán phúc thẩm. Các thành viên của hai Hội đồng tài phán sẽ đảm nhiệm vai trò như các thẩm phán trong nhiệm kỳ 04 năm và có thể được tái bổ nhiệm 01 lần; 5 trên tổng số 9 thành viên được bổ nhiệm từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực sẽ có nhiệm kỳ 6 năm. Trong số đó, ba thành viên mang quốc tịch một trong các nước thành viên EU, ba thành viên mang quốc tịch Việt Nam và ba thành viên mang quốc tịch của nước thứ ba, một trong số các thành viên được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng tài phán và một trong số các thành viên được bổ nhiệm là Phó chủ tịch Hội đồng tài phán, thông qua bắt thăm ngẫu nhiên bởi Chủ tịch Uỷ ban đầu tư.
Trong mỗi vụ tranh chấp, “Chủ tịch của Hội đồng tài phán được quyền bổ nhiệm các thành viên cho đơn vị xét xử thuộc hội đồng tài phán để tiến hành luân phiên xét xử các vụ kiện và đảm bảo thành phần tham gia vào các đơn vị xét xử này phải được lựa chọn một cách ngẫu nhiên và không được biết trước nhằm tạo cơ hội công bằng cho tất cả các thành viên có thể tham gia”.
Các thành viên Hội đồng tài phán được nhận khoản lương hàng tháng để đảm bảo sự sẵn sàng phục vụ của họ cho Hội đồng (retainer free), khoản chi phí này do các Bên đóng góp dựa trên trình độ phát triển và được quản lý bởi ban thư ký Trung tâm giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư thuộc Ngân hàng thế giới (viết tắt là Ban Thư ký ICSID).
Do đó, các bên tranh chấp sẽ không thể can thiệp trực tiếp vào quá trình thành lập hội đồng xét xử, từ đó giúp đảm bảo quyền được xét xử công bằng và bình đẳng giữa các bên tranh chấp.
Ngoài ra, IPA cũng quy định Hội đồng tài phán phúc thẩm xem xét lại các Phán quyết tạm thời của Hội đồng tài phán thông qua thủ tục phúc thẩm. Theo đó sẽ có sáu trọng tài viên, 2 có quốc tịch một trong số nước thành viên EU, hai có quốc tịch Việt Nam và hai có quốc tịch nước thứ ba.
Trái với thẩm quyền hạn chế trong thủ tục huỷ bỏ phán quyết trọng tài, Hội đồng tài phán phúc thẩm trong IPA có thể thay đổi hoặc đảo ngược phán quyết ban đầu nếu thấy rằng sự thay đổi đó là cần thiết và phù hợp.
Về thời gian của quy trình tố tụng, IPA đã quy định thời hạn xét xử cụ thể tại cả hai cấp xét xử. Theo đó, nếu tranh chấp không thể giải quyết bằng cách giải quyết tranh chấp thay thế ngoài tài phán (đàm phán, hòa giải) trong vòng 06 tháng kể từ ngày nguyên đơn yêu cầu tiến hành các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp hoặc trong vòng 03 tháng kể từ ngày họ gửi thông báo dự định nộp hồ sơ khiếu kiện, Hội đồng tài phán sẽ được thành lập trong vòng 90 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ khiếu kiện và sẽ tiến hành tố tụng theo một thủ tục rất chặt chẽ về thời gian. Hội đồng tài phán sẽ ban hành phán quyết tạm thời trong vòng 18 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ khiếu kiện và thời hạn giải quyết khiếu nại dựa trên yêu cầu của bên tranh chấp sẽ không vượt quá 06 tháng.
Như vậy, thời hạn thủ tục tố tụng thuộc thiết chế ISDS trong IPA chỉ kéo dài khoảng 02 năm và không cho phép bất cứ sự trì hoãn nào đối với quá trình tố tụng nói trên.
Bên thua kiện sẽ phải gánh chịu chi phí
Trong khi tinh thần chung của Hiệp định, cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư trong IPA nhằm bảo vệ quyền của các nhà đầu tư hai Bên, Hiệp định cũng quy định các biện pháp để hạn chế việc lạm dụng các quy định về giải quyết tranh chấp, cụ thể hiệp định nghiêm cấm việc lựa chọn các cơ chế tài phán cùng một lúc, hạn chế khởi kiện song song giữa tòa trong nước và trọng tài quốc tế, cũng như cơ chế sàng lọc các khiếu kiện để từ chối tiếp nhận những đơn kiện vô căn cứ. Nguyên tắc bên thua kiện sẽ phải gánh chịu chi phí tố cụng cũng được ghi nhận.
Điều 3.48 Hiệp định IPA quy định về biện pháp bảo đảm chi phí dành cho tố tụng. Cụ thể, Hội đồng tài phán có thể dựa trên yêu cầu của một Bên trong tranh chấp yêu cầu nguyên đơn cung cấp khoản bảo đảm chi phí cho tất cả hoặc một bên nếu có lý do để tin rằng nguyên đơn có nguy cơ không thể đảm bảo chi phí. Nếu khoản bảo đảm chi phí không được đóng trong vòng 30 ngày sau khi có lệnh của Hội đồng tài phán, hoặc theo một khoảng thời gian nhất định mà Hội đồng tài phán xét thấy phù hợp, Hội đồng tài phán sẽ thông báo đến các bên. Hội đồng tài phán có thể ra lệnh hoãn hoặc hủy bỏ quy trình tố tụng.
Đây được coi là một bước tiến mới của ISDS trong bối cảnh rất nhiều nhà đầu tư lạm dụng cơ chế giải quyết tranh chấp cho những mục đích khác của quá trình giải quyết mâu thuẫn với chính sách hoặc biện pháp của quốc gia nơi họ đến đầu tư. Do vậy, nhằm hạn chế sự lạm dụng khiếu kiện, đây được coi là biện pháp cần thiết.
Ngoài ra, Điều 3.4, 3.29 và 3.31 Hiệp định IPA quy định về phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải và khuyến khích việc đạt được thỏa thuận ngoài tố tụng. Cụ thể hơn, Phụ lục 10, Hiệp định IPA để quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài thông qua trung gian hòa giải.
Theo đó, Điều 2, 3, 4 và 5 trong mục A và B Phụ lục 10 của Hiệp định IPA quy định chi tiết cả về các nguyên tắc cơ bản, cách thức thành lập và vận hành cũng như thời hạn giải quyết tranh chấp bằng trung gian hòa giải nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả của cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế ngoài tài phán.
Là một trong những quốc gia tiên phong trong việc thực thi cơ chế mới này Việt Nam sẽ đối diện với rất nhiều cơ hội và thách thức.