EVN: Đề xuất tăng tỷ lệ tổn thất điện năng!

Theo SGTT

Từ những năm 2005, 2006, do nhận thấy tỷ lệ tổn thất điện năng (TTĐN) còn quá cao, Chính phủ liên tục có yêu cầu tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải tìm giải pháp để giảm tỷ lệ này xuống chỉ còn một con số. Cụ thể là tại quyết định số 276/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2006 đã ấn định một tỷ lệ TTĐN cho năm 2010 là 8% để EVN phải cố gắng thực hiện để đảm bảo nguồn điện sản xuất ra không bị hao hụt quá cao.

Thế nhưng, thật lạ, theo thông tin từ bộ Công thương tuần trước, EVN mới đây đã có một bản báo cáo về kế hoạch giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2009 – 2012. Trong đó, EVN lại đề xuất tăng tỷ lệ TTĐN tăng lên mức 9% vào năm 2010. Tức là cao hơn 1% so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng công suất các nguồn điện hiện có của Việt Nam hiện nay vào khoảng 14.500MW. Dù đã là khá lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong những thời điểm căng thẳng về cung ứng điện nhất là vào các tháng mùa khô. Thường xuyên có tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên, trong khi đó, tỷ lệ TTĐN như năm 2008, còn tới 9,8% là một mức tổn thất quá cao, gần bằng 10% tổng lượng điện cung ứng hàng năm, lớn hơn rất nhiều lượng điện phát ra mỗi năm của nhà máy thuỷ điện Hoà Bình (công suất 1.200MW).

Cho nên, việc giảm được mỗi một tỷ lệ % TTĐN có ý nghĩa rất to lớn cho cả nền kinh tế.

Mặc dù lãnh đạo EVN thường nói rằng, ngành điện đã luôn cố gắng giảm tỷ lệ tổn thất này qua các năm. Bằng chứng là năm 2000, tỷ lệ TTĐN lên tới 14,5% thì đến nay, tỷ lệ đó đã chỉ còn dưới 10%. Nhưng so với nhiều nước trong khu vực, tổn thất điện (chủ yếu trong khâu truyền tải, phân phối) của Việt Nam còn quá cao: Malaysia và Thái Lan tổn thất khoảng 6%, Singapore chỉ mất khoảng 3%... Điều đó cho thấy sự kém hiệu quả trong công tác quản lý của ngành điện.

Mặc dù nhận ra là có nguyên nhân khách quan trong việc EVN đề nghị nâng tỷ lệ TTĐN nhưng cục Điều tiết điện lực, bộ Công thương – cơ quan thẩm định bản báo cáo về quản lý TTĐN của EVN cho rằng, EVN đã báo cáo còn sơ sài và thiếu những cơ sở, lập luận cho việc đề xuất một tỷ lệ TTĐN cao hơn quy định của Thủ tướng. Bà Đào Minh Hiền, trưởng phòng quy hoạch, giám sát cân bằng cung – cầu điện của cục Điều tiết điện lực cho biết, cục này đã phải yêu cầu EVN xây dựng một đề án chi tiết hơn để bổ sung các thông tin cần thiết như phân tích TTĐN trên lưới điện truyền tải, phân phối theo từng cấp điện áp, các giải pháp để giảm TTĐN, các căn cứ tính toán và chỉ tiêu tổn thất cụ thể ở từng khu vực… và nhất là giải trình kỹ vì sao lại đưa ra mức TTĐN năm 2010 cao hơn chỉ tiêu Thủ tướng đã yêu cầu. Theo bà Hiền thì nguyên nhân của việc EVN đề xuất tỷ lệ TTĐN cao lên là do trước đây, tỷ lệ TTĐN mới chủ yếu tính ở khâu bán buôn mà chưa tính chi tiết ở khâu bán lẻ – nơi thực tế có mức tổn thất cao hơn rất nhiều.

Thành tích “ảo”

Ông Lê Văn Chuyển, phó ban Kinh doanh và phát triển điện nông thôn của EVN thừa nhận, EVN buộc phải kiến nghị tỷ lệ TTĐN năm 2010 ở mức 9% do từ nay đến năm 2010, EVN phải tiếp nhận quản lý mạng lưới phân phối điện đến 5.000 xã với khoảng 7 triệu hộ gia đình từ các cơ sở kinh doanh điện nông thôn. “Tỷ lệ tổn thất ở khu vực này rất là cao, trung bình khoảng 25% nên khi hoà vào tỷ lệ tổn thất điện chung thì nó không thể giữ được ở mức 8% nữa”, ông Chuyển nói.

Từ đây mới vỡ lẽ ra, lâu nay, con số về tỷ lệ TTĐN mà EVN báo cáo là liên tục giảm hàng năm mới chỉ là con số tổn thất ở các khu vực truyền tải, phân phối mà EVN được phân giao chứ chưa phải là tỷ lệ TTĐN của cả nước, theo cách tính thông thường áp dụng ở nhiều nước. Như vậy, cho dù có một tỷ lệ thấp hơn đi nữa, 7 hay 8% thì cũng chỉ là con số thành tích ảo. Trong khi đó, ở cả khu vực nông thôn rộng lớn hơn rất nhiều, suốt bao nhiêu năm, không có giải pháp kỹ thuật nào, không có những nguồn vốn đầu tư đáng kể nào được rót vào đây để giảm lượng điện tổn thất. Hệ thống đường dây điện nối từ các trạm biến áp đến các hộ dân phần lớn đã rệu rã, kéo dài quá tiêu chuẩn cho phép; lại cộng thêm tình trạng ăn cắp điện, câu móc trộm diễn ra phổ biến ở nhiều nơi làm sao không dẫn đến việc tổn thất điện quá lớn? Là một tập đoàn độc quyền đến 100% về khâu truyền tải, phân phối điện, EVN rõ ràng là đã rất thiếu trách nhiệm trong việc nắm tình hình, đề xuất và áp dụng các giải pháp giảm TTĐN ở khu vực này. E rằng, với tỷ lệ tổn thất điện khu vực nông thôn 25% nếu hoà vào tỷ lệ tổn thất lâu nay ngành điện vẫn công bố, thì tỷ lệ tổn thất điện chung cả nước còn cao hơn cả mức 9% mà EVN đề xuất.