F0 tấn công chợ, siêu thị và kịch bản cung ứng của Hà Nội
Chuỗi cung ứng thực phẩm của Hà Nội đang bị đe dọa khi nhiều chợ và siêu thị phải đóng cửa. Sở Công Thương cho biết có thể kích hoạt mở 2.000 điểm bán lưu động nếu cần.
Với 10,3 triệu dân, bao gồm cả những người ngoại tỉnh ở lại, Hà Nội đang gặp nhiều thách thức lớn khi hệ thống cung ứng thực phẩm bị đe dọa bởi dịch bệnh. Hiện tại, nhiều chợ bị phong tỏa do có ca F0, nhiều loại thực phẩm đã có dấu hiệu khan hiếm, tăng giá. Bảo vệ chuỗi cung ứng thực phẩm đang là bài toán quan trọng với Hà Nội lúc này để duy trì giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16.
Chợ đầu mối Long Biên, chợ lớn nhất khu vực Hoàn Kiếm, Ba Đình của Hà Nội đã phải đóng cửa từ ngày 3/8 do phát hiện một số ca F0. Đây là chợ đầu mối cung ứng phần lớn lượng hoa quả cho Hà Nội. Ngoài ra, chợ còn cung cấp thực phẩm cho các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, một phần Tây Hồ và Hai Bà Trưng.
Trước đó, chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) cũng đã đóng cửa. Tương tự 2 chợ đầu mối ở quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm là Phùng Khoang và Minh Khai cùng phải dừng hoạt động vì có ca nghi nhiễm.
Trong nội thành, cũng đã có chợ truyền thống phải đóng cửa để giảm nguy cơ dịch bệnh như chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy), chợ Linh Lang (quận Ba Đình).
Ở chuỗi cung ứng hiện đại, nguy cơ thiếu hụt hàng hóa cũng đến sau khi phát hiện chùm ca bệnh liên quan đến Công ty Thanh Nga - một doanh nghiệp cung ứng thịt bò cho nhiều hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trước diễn biến tình hình Covid-19 còn nhiều phức tạp, TP. Hà Nội đã chỉ đạo các biện pháp để đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân.
Theo đó, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, TP. Hà Nội chỉ đạo theo hai hướng: thứ nhất rà soát lại các vùng trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố để cơ cấu tổ chức lại sản xuất, chăn nuôi (nhất là mặt hàng rau ăn lá, củ, quả, trứng gia cầm…)
Thứ hai là tiếp tục kết nối với các tỉnh, thành phố cung cấp hàng hóa cho Hà Nội qua các kênh phân phối nhằm cân đối cung cầu, đảm bảo đủ nhu cầu phục vụ nhân dân trên địa bàn.
Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết đã rà soát nguồn hàng các tỉnh đang cung cấp trọng tâm với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc trong Ban điều phối chuỗi cung ứng rau, thịt, thực phẩm an toàn cho TP. Hà Nội, tập trung khai thác nguồn hàng gần 800 chuỗi, các doanh nghiệp chế biến lớn, các doanh nghiệp, hộ sản xuất, các HTX … của các tỉnh, thành phố để đưa về Hà Nội và tiếp tục làm việc với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh khác để đảm bảo nguồn hàng thay thế.
Theo Sở Công Thương, thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng phương án huy động và điều động phương tiện phục vụ vận chuyển lưu thông hàng hóa, kịp thời để chỉ đạo các lực lượng chức năng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong vận chuyển, lưu thông, đến nay hàng hóa của các doanh nghiệp được lưu thông bình thường; chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải cấp mã QR code đăng ký "luồng xanh" cho xe ô tô của các doanh nghiệp.
Theo bà Lan, Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hoá theo 3 cấp độ. Khi dịch bệnh tăng cao, nhiều siêu thị và chợ phải đóng cửa do có yếu tố dịch tễ, khi đó hàng hoá có khả năng thiếu cục bộ hoặc khó khăn trong vấn đề lưu thông, TP. Hà Nội sẽ tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 lần.
Đồng thời, huy động tổng lực trong việc vận chuyển hàng hoá từ các kho hàng ngoài thành phố vào trong thành phố; sẵn sàng nhân lực chở xuyên đêm hàng hoá vào trong các kho nội thành, sẵn sàng tăng giờ mở cửa. Nếu cần biện pháp cao hơn nữa sẽ kích hoạt gần 2.000 điểm bán hàng lưu động.
Ông Trần Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho rằng nếu các hệ thống đầu mối bị “đóng băng”, phải chuẩn bị những điểm tập kết và bố trí hàng trung chuyển ở ven khu vực nội đô. Ngoài ra, cũng phải làm việc với từng chuỗi siêu thị bởi đây là khâu quan trọng trong việc phân phối bán lẻ hiện nay.
Ông cũng lưu ý cần rà soát lại sản xuất nông nghiệp của từng huyện cung ứng lương thực, thực phẩm cho khu vực nội đô. Với nguồn cung tại chỗ, hiện nay có 113 kho lạnh để dự trữ, trong điều kiện dịch diễn biến xấu hơn thì việc tập kết nông sản vào các kho này là kịch bản đầu tiên phải quan tâm.