FDI đổ về, giá thuê đất các khu công nghiệp trở nên đắt đỏ

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Báo cáo mới nhất từ Savills Việt Nam cho thấy, trong nửa đầu năm 2016, nhờ việc kí kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã thu hút mạnh các nhà đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp.

Các khu công nghiệp hưởng lợi lớn nhờ các TPP&FTAs.
Các khu công nghiệp hưởng lợi lớn nhờ các TPP&FTAs.

Cụ thể, sau khi kết thúc đàm phán các hiệp định TPP và EVFTA vào cuối năm 2015, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đã tăng đột biến.

Nửa đầu 2016, Việt Nam tiếp nhận 1,145 dự án mới với tổng số vốn đăng ký đạt 7,5 tỉ USD, tăng 95% theo năm. Trong đó, ngành chế biến chế tạo nhận được quan tâm lớn nhất với 71% số vốn FDI đăng ký.

Về mặt địa lý, Hải Phòng và Hà Nội có hoạt động tốt nhất với tổng vốn FDI đăng ký của 2 thành phố chiếm 30%, theo sau là Bình Dương với 9% và Đồng Nai với 8%.

Những khoản đầu tư nổi bật nhất đến từ các nhà sản xuất công nghệ cao của Hàn Quốc, như LG đầu tư 1,5 tỉ USD vào nhà máy màn hình OLED ở Hải Phòng. Các khoản đầu tư từ Hàn Quốc chiếm 35% tổng vốn FDI đăng ký với 4 tỉ USD. Nhật Bản và Singapore theo sau với 1,2 tỉ USD và 1,1 tỉ USD vốn FDI đăng ký, tương đương với 11% và 10% dòng vốn.

Theo đánh giá của Savills, trước làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ chảy mạnh khi Việt Nam tham gia vào nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) cả song phương và đa phương, các doanh nghiệp đã mạnh dạn đổ vốn vào đầu tư xây dựng các khu công nghiệp.

Nửa đầu 2016, sáu khu công nghiệp (KCN) mới cung cấp 700 ha diện tích cho thuê, nâng tổng số KCN lên 218 với tổng diện tích 59.700 ha và diện tích cho thuê xấp xỉ 41.000 ha.

Tổng diện tích cho thuê của nửa đầu 2016 đạt 28.500 ha, tăng 5% so với nửa cuối 2015. Mặc dù nguồn cung tăng, công suất cho thuê tăng đến 70% nhờ dòng vốn FDI, cao hơn 3 điểm phần trăm so với đầu năm.

Có 16 KCN khác đang trong giai đoạn lên kế hoạch, dự kiến cung cấp thêm 18.600 ha diện tích cho thuê.

Ở khu vực miền Nam, nhờ vào lợi thế về hệ thống cảng hàng không và cảng biển quốc tế, các khu công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh được phát triển khá sớm và đặt tại các quận huyện vùng ven. Dù vậy trọng tâm đầu tư đang dịch chuyển dần sang các ngành công nghệ cao, trong khi các ngành công nghiệp thâm dụng nhân công và đất đai ít được khuyến khích tại TP. Hồ Chí Minh.

Các khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh có vị trí đắc địa nhất, và do đó có giá thuê cao nhất trong các tỉnh phía Nam. Dù vậy do mặt bằng giá nhân công khá cao, các KCN mới phát triển gặp khó khăn trong việc tăng công suất cho thuê. Ngành chế biến chế tạo chỉ nhận được 66 triệu USD từ vốn FDI đăng ký trong nửa đầu 2016.

Đối với các tỉnh lân cận, do gần với các cảng quốc tế của TP. Hồ Chí Minh và quỹ đất lớn, Bình Dương và Đồng Nai giữ vị thế là trung tâm công nghiệp của miền Nam Việt Nam, trong đó mỗi tình thu hút được xấp xỉ 1 tỉ USD cho ngành chế biến chế tạo trong nửa đầu năm 2016.

Mặc dù đi sau trong việc phát triển các khu công nghiệp, Long An tăng tốc đáng kể trong thời gian gần đây với 16 khu công nghiệp đã và đang đi vào hoạt động, cung ứng khoảng 3.000 ha diện tích cho thuê.

Trong nửa đầu 2016, Long An tiếp nhận 350 triệu USD vốn FDI đăng ký, mức cao nhất so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, với giá thuê tương đối cao, công suất cho thuê trung bình của Long An hiện vẫn ở mức khá thấp, dưới 60 phần trăm.

Còn tại miền Bắc, với lợi thế cảng biển quốc tế, Hải Phòng là tỉnh tiên phong trong phát triển khu công nghiệp ở phía Bắc. Nomura và Nam Cầu Kiên là những khu công nghiệp thành công tiêu biểu với công suất cho thuê đạt từ 90-100%.

Tuy nhiên, giá thuê trung bình ở các khu công nghiệp Hải Phòng tương đối cao do thiếu những ưu đãi dành cho các nhà phát triển khu công nghiệp. Điều này gián tiếp làm giảm sút công suất cho thuê trung bình trong các khu công nghiệp Hải Phòng.

Tuy nhiên, những cải thiện gần đây về môi trường kinh doanh đã có tác động đáng kể. Trong nửa đầu 2016, Hải Phòng dẫn đầu về thu hút vốn FDI với 1,8 tỉ USD vốn đăng ký.

Khu công nghiệp Tràng Duệ đang có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nhờ cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Trong nửa đầu 2016, khu công nghiệp này là điểm đến của những dự án đầu tư lớn như khoản đầu tư 1,5 tỉ USD của LG và dự án 425 triệu USD của SL Electronics.

Cũng theo báo cáo, mặc dù Hà Nội và các tỉnh lân cận có được lợi thế từ sân bay quốc tế Nội Bài, tuy nhiên do không nằm gần các cảng biển ảnh hưởng bất lợi đến nhiều ngành công nghiệp.

Các chính sách ưu đãi hấp dẫn được áp dụng cho các ngành công nghiệp có sản phẩm giá trị cao. Điều đó đưa lại kết quả tích cực, đưa công suất cho thuê trung bình các khu công nghiệp trong vùng vượt 70%.

Sức cạnh tranh của khu vực này đang được củng cố đáng kể thông qua hệ thống đường cao tốc kết nối đến Trung Quốc và các cảng biển của Hải Phòng.

Trong nửa đầu 2016, các tỉnh trong khu vực duy trì thu hút đầu tư ở mức cao, trong đó các Bắc Ninh thu hút được 563 triệu USD vốn FDI đăng ký mới và Vĩnh Phúc tiếp nhận 563 triệu USD.

Các khu công nghiệp ở Hà Nội tỏ ra ít hấp dẫn hơn so với các khu vực lân cận do giá thuê cao và chi phí lao động đắt đỏ. Thành phố này gần đây tập trung nhiều hơn vào thu hút các dự án công nghệ cao, ví dụ dự án R&D quy mô 300 triệu USD của Sam Sung.