Càng nhiều FTA, càng cảnh giác sự cố môi trường
Đây chính là mối quan ngại lớn hiện nay của Việt Nam trước những rủi ro phát sinh, song vẫn còn nhiều khoảng trống và thiếu hiệu quả. Vì vậy, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tiến hành xây dựng Đề án về các cơ chế phối hợp trong nước giải quyết những vấn đề về môi trường trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Theo số liệu của Bộ TN&MT, hàng năm có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Trong khi đó, với 283 khu công nghiệp đang hoạt động, mới chỉ có 212 khu công nghiệp đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 15%.
Lo rủi ro phát sinh
Một vài ví dụ thực tế mà Bộ TN&MT đang lo lắng, chẳng hạn một số dự án FDI vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường như công ty Vedan, Miwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 hoặc nguy cơ như nhà máy giấy Lee&Men... dẫn đến phát sinh ô nhiễm biển, ô nhiễm nước mặt (sông, hồ).
Chính vì vậy, trong bản dự thảo của đề án được đưa ra tham vấn tại TP. Hồ Chí Minh hôm 7/9, Bộ TN&MT có nêu rõ mục tiêu của đề án là nhằm thiết lập các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề môi trường trong các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết.
Điều đó sẽ giúp làm rõ được các cam kết, nghĩa vụ về môi trường được quy định trong các FTA và tổ chức thực thi các cam kết, nghĩa vụ này. Hơn nữa, nó sẽ giúp tăng cường năng lực của các cơ quan liên quan trong việc phối hợp giải quyết những vấn đề môi trường trong các FTA.
Tuy nhiên, Bộ TN&MT lưu ý việc thực thi, giám sát và đánh giá hiệu quả thực thi các cam kết, nghĩa vụ về môi trường được quy định trong các FTA còn rất mới mẻ tại Việt Nam.
Theo TS. Mai Thanh Dung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, với 12 FTA mà Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán 3 FTA, trong đó TPP, FTA Việt Nam - EU là hai FTA thế hệ mới có nội dung quy định về môi trường sẽ tác động mạnh mẽ tới thể chế của các bên liên quan.
Riêng với TPP, TS. Dung cho biết, có dành một chương riêng (chương 20) để nói về vấn đề môi trường, quy định các điều khoản, tập trung vào các lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và thương mại, sinh vật ngoại lai xâm nhập, bảo vệ tầng ô zôn, đánh bắt thủy sản, thương mại và đầu tư đối với hàng hóa dịch vụ môi trường và giải quyết các vấn đề tranh chấp…
Trước những nội dung mới trong các cam kết, nghĩa vụ về môi trường trong các FTA, theo TS. Mai Thanh Dung, đang đặt ra cho phía Việt Nam những nguy cơ, thách thức lớn trong bối cảnh gia tăng ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên do phát triển kinh tế. Đó là chưa kể các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng phức tạp, tinh vi, theo chiều hướng gia tăng.
“Trong khi đó, hệ thống chính sách pháp luật ở trong nước vẫn chưa hoàn thiện kịp thời để đáp ứng nhu cầu thực tế của vấn đề môi trường cũng như nguồn nhân lực, vật lực cho bảo vệ môi trường vẫn còn hạn chế”, TS. Dung chia sẻ.
Còn nhiều khoảng trống
Trước vấn đề thách thức lớn hiện nay khi triển khai thực thi chương Môi trường trong TPP, theo ông Hoàng Xuân Huy (Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT), cần có quy định pháp luật cụ thể việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần thực thi bảo tồn, chống khai thác, buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã xuyên biên giới…
Ông Huy cũng nhấn mạnh, việc chấm dứt các loại trợ cấp thủy sản sẽ có tác động tiêu cực tới các đàn cá đang trong tình trạng bị khai thác quá mức. Nhất là khi loại trợ cấp thuỷ sản sẽ bị cấm khi hiệp định có hiệu lực.
Còn theo ông Nguyễn Thi (Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT), khi Việt Nam gia nhập TPP, yêu cầu bảo vệ môi trường trong thời gian tới là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường theo hướng tạo điều kiện và cơ sở để phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển các loại hình sản xuất kinh doanh ít phát thải, bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Cũng cần nhắc thêm, trong dự thảo bản đề án của Bộ TN&MT cũng nhấn mạnh TPP và các FTA thế hệ mới yêu cầu cao về trách nhiệm xã hội của DN. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy trách nhiệm của các DN trong vấn đề bảo vệ môi trường vẫn còn yếu, do nhận thức và năng lực của DN còn thấp.
Bản đề án nêu rõ: Mặc dù chính sách Việt Nam đã có những quy định tăng cường sự giám sát của cộng đồng cũng như khuyến khích đầu tư bảo vệ môi trường, song vẫn còn nhiều khoảng trống và thiếu hiệu quả.
Theo giới chuyên gia, các FTA cho phép các quốc gia xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế tác động môi trường do hoạt động nhập khẩu/chuyển giao các sản phẩm là vô cùng quan trọng. Các FTA đều cho phép các quốc gia tự xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ lợi ích về TN&MT nội địa.
Tuy nhiên, như lưu ý của bản đề án này, việc xây dựng các quy định phải đáp ứng nguyên tắc không phân biệt đối xử, minh bạch và tiêu chuẩn công nhận lẫn nhau. Các cam kết trong TPP có cơ chế bảo đảm thực thi cao hơn so với các cam kết trong WTO, vì vậy nguy cơ các quy định về bảo vệ môi trường của Việt Nam bị vi phạm sẽ cao hơn.