FDI góp phần nâng cao vị thế việt namtrong chuỗi giá trị toàn cầu

Nguyễn Hoài Phương Anh - Công ty bảo hiểm PJICO Thăng Long

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giữ vai trò quan trọng, thực hiện nhiệm vụ tiên phong và chính yếu kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. Sự gia tăng gần đây của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, bán lẻ và trung gian tài chính... có thể mang lại cơ hội cho Việt Nam khi tham gia vào các nấc giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, cần có sự chuyển hướng để đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực này. Trên cơ sở đánh giá thực trạng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bài viết đề xuất giải pháp để dòng vốn này góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chuỗi giá trị toàn cầu và vai trò của vốn đầu tư nước ngoài trong nâng cao vị thế chuỗi giá trị toàn cầu

Chuỗi giá trị toàn cầu

Theo Dahlby (2011), chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) mô tả đầy đủ các hoạt động cần thiết để đưa một sản phẩm từ nhận thức, ý tưởng, sản xuất tới tay người tiêu dùng và cuối cùng là tái sử dụng. Chuỗi giá trị này bao gồm các công việc như: thiết kế, sản xuất, marketing, phân phối và dịch vụ khách hàng. Tuy nhiên, Kommerskollegium (2014) cho rằng, các mạng GVC vận hành rất phức tạp, liên kết rất nhiều hoạt động để tạo thành chuỗi sản xuất. GVC liên quan đến sản xuất, hậu cần, vận chuyển và các công ty dịch vụ khác, cũng như các đại lý hải quan và các cơ quan công quyền khác (Hình 1).

Hình 1: mạng lưới cung ứng toàn cầu, chuỗi giá trị toàn cầu và liên kết ngược

Nguồn: A. Bhanich Supapol (1995)
Nguồn: A. Bhanich Supapol (1995)

Vai trò của FDI trong nâng cao vị thế chuỗi giá trị toàn cầu

Sau 30 năm Việt Nam mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp FDI đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Vai trò của FDI được thể hiện ở các khía cạnh cụ thể như:

Thứ nhất, tạo đòn bẩy để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là trong xuất khẩu. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI không những là mắt xích quan trọng mà còn tạo đòn bẩy để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là những đóng góp lớn trong xuất khẩu.

Thứ hai, trong các quy trình sản xuất truyền thống, các đầu vào được tổ chức và kết hợp để tạo đầu ra cuối cùng ở cùng một vị trí. Khi có nhiều đầu vào, sự phối hợp thường là cần thiết và sự gần gũi giúp giảm chi phí phối hợp và vận chuyển, nhưng nếu các công ty có thể tách quy trình sản xuất thành các khối sản xuất khác nhau và di dời chúng đến những nơi có giá thấp hơn, tổng chi phí sản xuất có thể giảm hơn nữa. Do đó, các công ty sẽ giải quyết các quy trình sản xuất của họ, miễn là việc giảm chi phí sản xuất sẽ bù đắp nhiều hơn cho các chi phí bổ sung trong việc điều phối các khối sản xuất ở xa và di chuyển các khối sản xuất này (Helpman, 1984; Helpman & Krugman, 1985). Đây chính là điều lý giải thích rằng FDI đã kéo sự tham gia của chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ ba, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải trải qua các quy trình và tiêu chuẩn khác nhau để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi chi phí cố định cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua nhiều cách linh hoạt và hiệu quả như hợp tác với các doanh nghiệp hạ nguồn. Có thể phân chia các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi giá trị toàn cầu thành 2 loại: chuỗi người mua và chuỗi hướng đến nhà sản xuất (Kaplinsky và Readma, 2001). Trong chuỗi hướng đến người mua, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thực hiện FDI với các tập đoàn hoặc với các doanh nghiệp địa phương để xây dựng các tập đoàn giao dịch; trong chuỗi định hướng sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia các cụm công nghiệp hoặc chuỗi giá trị dọc để đạt được sự hợp tác lẫn nhau và nâng cao hiệu quả tập thể, có thể khắc phục một cách hiệu quả những thiếu sót về quy mô, vốn... Với kinh nghiệm quốc tế tích lũy được, hầu hết vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã dần chuyển từ các quy trình sản xuất có giá trị gia tăng thấp sang tỷ lệ hoàn vốn cao, có kiến thức và tỷ lệ hoàn vốn cao của nhà sản xuất thiết kế gốc. Xu hướng các FDI đã nâng các hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành quốc tế hóa hơn.

Thứ tư, nhiều nghiên cứu đã tính đến việc giảm thiểu chi phí và nhu cầu hoạt động tại các địa điểm cạnh tranh về chi phí đã thúc đẩy các công ty xuyên quốc gia thành lập các cơ sở sản xuất ở các nước kém phát triển (ASEAN Secretariat, 2014). Nhật Bản đã đầu tư vào ASEAN bởi những lý do nói trên. Ngoài ra, sự hấp dẫn của một thị trường khu vực cũng đang khuyến khích các công ty mở rộng hoạt động và đầu tư vào khu vực gần đây. Cơ hội khai thác lợi thế vị trí bổ sung và quy mô kinh tế để đạt được hiệu quả sản xuất là những động lực và yếu tố quyết định hơn nữa của FDI Nhật Bản trong ASEAN. Nhìn chung, vai trò của FDI đã tăng do lợi ích của nó trong việc tăng giá trị gia tăng trong một chuỗi cung ứng.

Thực trạng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam

Theo khảo sát về nguồn cung ứng toàn cầu của QIMA cho thấy, 43% số người được khảo sát tại Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam là quốc gia nằm trong 3 khu vực địa lý mua hàng hàng đầu của họ vào đầu năm 2021 và khoảng 1/3 số người mua trên toàn cầu. Sự gần gũi của Việt Nam với Trung Quốc cũng như các nước khác trong khu vực Đông Nam Á là một trong những lý do giúp Việt Nam duy trì khả năng cạnh tranh và kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, với chi phí lao động thấp, sự ổn định chính trị, các chính sách thân thiện với nhà đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng và những nỗ lực được nhà nước hậu thuẫn để thúc đẩy các công ty khởi nghiệp công nghệ làm cho Việt Nam dần trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư. Thêm vào đó, Việt Nam đang trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất khi là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA)… Đây là những yếu tố thúc đẩy bổ sung cho các doanh nghiệp toàn cầu tìm cách chuyển dịch chuỗi cung ứng đến Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu rất thấp so với các nền kinh tế có quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, chỉ có 36% doanh nghiệp Việt tham gia vào mạng lưới sản xuất, bao gồm cả việc xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp, trong khi tỷ lệ này ở Malaysia, Thái Lan là 60%. Các doanh nghiệp Việt Nam đang bị phân tán và ít khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng lực sản xuất.

Có thể thấy, Việt Nam gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các doanh nghiệp FDI đã mang lại những lợi ích đáng kể về tăng trưởng và việc làm từ hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI vẫn chưa kết nối mạnh mẽ với khu vực tư nhân trong nước. Doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung chủ yếu vào khâu gia công và lắp ráp, nên ngành Công nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong nước chỉ có thể tham gia khâu trung gian mang lại giá trị gia tăng thấp, chưa thể giành được phân khúc ở khâu thượng nguồn mang lại giá trị gia tăng cao, như: nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế sản phẩm, phân phối sản phẩm, chăm sóc khách hàng…

Bên cạnh đó, mặc dù số lượng doanh nghiệp cũng như tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, song hầu hết các doanh nghiệp này chỉ mới tham gia vào mạng lưới sản xuất quốc tế từ những sản phẩm có hàm lượng lao động lớn, như: dệt may, chế biến thực phẩm, công nghiệp nhẹ, sản xuất linh kiện máy móc… mà vẫn bỏ trống khoảng thị trường vốn là thế mạnh của Việt Nam trong nông nghiệp hiện đại…

Việt Nam chưa tham gia được vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình hơn là các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thấp và có xu hướng sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước ít hơn. Đơn cử như các doanh nghiệp Nhật Bản – một trong các nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam mua sắm khoảng 32,6% dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ nhà cung cấp địa phương. Con số này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI của Nhật tại các nước láng giềng như Trung Quốc (67,8%), Thái Lan (57,1%), Indonesia (40,5%).

Khuyến nghị giải pháp

Nhằm nâng cao vai trò của dòng vốn FDI trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng chiến lược cụ thể để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, có kế hoạch phân bổ nguồn lực hợp lý cho nâng cao năng lực, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là năng lực đổi mới sáng tạo và thích ứng. Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, cần tận dụng nhiều hơn các hỗ trợ từ các đối tác khác nhau như: doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dẫn dắt trong chuỗi cũng cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp khác về công nghệ, đào tạo lao động để giúp tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ hai, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong thời gian qua, mặc dù dòng vốn FDI gia tăng song điều này không đồng nghĩa với việc làm gia tăng sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, để tăng cường năng lực đón nhận dòng vốn FDI đang dịch chuyển, cũng như tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối cung ứng, Việt Nam cần có sự thay đổi chính sách. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cần phải được nâng cao để đáp ứng yêu cầu cung cấp đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp FDI. Quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước cần có sự phối hợp chặt chẽ, chung tay của các bên liên quan, bao gồm: Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc xác định các ưu tiên chiến lược, tạo ra các khung chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cùng với đó, vai trò của nhà đầu tư, doanh nghiệp cần được nâng cao trong việc đổi mới, nâng cao năng lực, tìm kiếm cơ hội từ xu thế mới.

Thứ ba, trong bối cảnh định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu sau đại dịch, các chính sách FDI cần phải thận trọng hơn, phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, bán lẻ và trung gian tài chính... Trong đó, Việt Nam cần tập trung củng cố khu vực doanh nghiệp trong nước nhằm tạo ra mối liên hệ chặt chẽ với khu vực FDI, từ đó tận dụng cơ hội để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tài liệu tham khảo

  1. Ngân hàng Thế giới (2017), Báo cáo Việt Nam: Tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp vừa và nhỏ - Bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế;
  2. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (2020), Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2020;
  3. Phan Thị Ngọc Hoa (2021), Doanh nghiệp FDI ở Việt Nam và chuỗi giá trị toàn cầu, Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 07 tháng 3/2021;
  4. Trần Lan Hương, (2018), Vai trò của Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong việc cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, Kỷ yếu hội thảo quốc gia, Đại học kinh tếquốc dân;
  5. Dahlby, B. (2011), Global Value Chains, Foreign Direct Investment, and Taxation. SSRN Electronic Journal, 241-288. http://doi.org/10.2139/ssr2179933;
  6. (2013), Global Value Chains and Developing Countries. National Boardof Trade;
  7. Kaplinsky, R. and Readman, J. (2001), Integrating SMEs in Global Value Chains: Towards Partnership for Develop- ment. Unido, Vienna;
  8. ASEAN Secretariat. (2014), ASEAN Investment Report 2013-2014: FDI Development and Regional Value Chains.

 

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2024