FDI toàn cầu giảm mạnh và cú sốc MNEs
Giá trị của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn cầu năm 2020 dự kiến giảm 60% so với mức đỉnh điểm (2.000 tỷ USD) đã từng đạt được, và giảm 40% so với giá trị hiện tại (1.500 tỷ USD). Đây là mức sụt giảm kỷ lục kể từ năm 2005 trở lại đây, nói lên cú sốc và những triển vọng thay đổi của các tập đoàn đa quốc gia (MNEs).
FDI toàn cầu đã, đang và sẽ còn giảm
Trong báo cáo mới nhất vừa phát hành ngày 16-6, Liên hiệp quốc đưa ra dự báo rất tiêu cực về dòng vốn FDI toàn cầu. Cụ thể dòng vốn FDI năm 2019 đạt giá trị 1.540 tỷ USD, gần 500 tỷ USD sụt giảm có liên quan tới sức ép của cuộc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.
Trung Quốc là điểm đến của dòng vốn FDI, động lực cho sự phát triển tột bậc vừa qua của quốc gia này. Đơn cử, thành phố Thâm Quyến là “sân nhà” của hơn 167 công ty thuộc top 500 công ty lớn nhất thế giới. Nhưng dòng vốn FDI khiến Thâm Quyến có thời kỳ thay đổi chóng mặt, đến mức nó được mô tả là "Mỗi ngày 1 cao ốc, 3 ngày 1 đại lộ".
Chiến tranh thương mại nổ ra khiến quy mô dòng chảy vốn vào Trung Quốc đảo chiều xu hướng, từ đó ảnh hưởng lên FDI toàn cầu, bởi Trung Quốc là công trường của thế giới.
Trong khi những vấn đề ở làn sóng thứ nhất chưa giải quyết xong, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo nguy cơ về làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19 có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ quốc gia nào. Khi các chuyên gia kinh tế bắt đầu xác nhận chiến tranh thương mại sẽ diễn ra trong dài hạn, không phải ngắn hạn như dự đoán và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 bồi thêm, đưa sự xáo trộn kinh tế toàn cầu lên tầm cao mới.
Dự báo sự sụt giảm FDI không dừng lại mà tiếp tục kéo sang năm 2021, với mức giảm dự kiến khoảng 5-10%. Tình hình được kỳ vọng khả quan hơn và phục hồi nhẹ vào năm 2022, nhưng vẫn duy trì thấp hơn mức đáy cuộc khủng hoảng toàn cầu gần nhất.
Thực ra, nhìn vào tăng trưởng GDP toàn cầu đã thấy được chân dung của sự suy thoái kinh tế, khi chỉ số này sụt giảm từ mức 3% năm 2018 xuống còn 2,4% năm 2019, mức tăng trưởng yếu nhất trong 10 năm trở lại đây. Nói về nguyên nhân suy thoái, bên cạnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, còn do Brexit, sự bất đồng trong quan điểm của khối G20, sự khó khăn của WTO trong điều chỉnh thương mại đa phương.
Dòng vốn FDI từ đó chịu tác động của những biện pháp bảo hộ thương mại có xu hướng ngày càng phổ biến. Chỉ riêng năm 2019, thống kê của Global Trade Alert (GTA), cho thấy tự do và công bằng thương mại có sự thay đổi lớn, số biện pháp can thiệp thương mại theo hướng phân biệt đối xử cao gấp 4 lần so với theo hướng tự do hóa. So với thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh thương mại, sự phân biệt đối xử này đã gia tăng báo động ở mức xấp xỉ 70%.
MNEs tái cấu trúc địa điểm và cách thức đầu tư
FDI không chỉ là việc quốc gia được nhận đầu tư nhiều hay ít như một bảng xếp hạng thi đua. Nó thực chất là câu chuyện về các MNEs. Nếu thế giới thường hay kể về đế chế Apple, Microsoft, Tesla, Facebook… tại Việt Nam chúng ta sẽ nói những cái tên quen thuộc như Samsung, Formosa, Nike, Cocacola…
Trước và trong tranh chấp thương mại, thế giới hay bàn về sự dịch chuyển dòng vốn, nghĩa là các công ty đa quốc gia này chỉ chuyển địa điểm thay vì đầu tư vào quốc gia này chọn điểm đến mới. Điều bất ngờ ở chỗ, trong năm 2020 sự dịch chuyển này có phần thiếu con số ủng hộ, trong khi kịch bản chỉ đơn giản là ngưng gia tăng đầu tư ra nước ngoài hợp lý hơn.
Các MNEs này chuyển hướng đầu tư nội địa hay đang thu hẹp quy mô sản xuất, thế giới chưa có câu trả lời chi tiết. Nhưng tương quan giữa tăng trưởng toàn cầu sụt giảm năm 2019 và sụt giảm quy mô đầu tư FDI toàn cầu, cho thấy kịch bản thu hẹp sản xuất có vẻ được ủng hộ.
Cho đến thời điểm này, chúng ta có thể thấy đối tượng đang bị ảnh hưởng và đang chịu những cú sốc, chính là các MNEs. Bởi chỉ số khác cũng phản ảnh về tình hình của các MNEs là chỉ số mua bán và sáp nhập (M&A) liên quốc gia, cũng đã ghi nhận sụt giảm hơn 50% trong những tháng đầu năm 2020 so với năm ngoái.
Quy mô FDI toàn cầu chủ yếu dựa trên đầu tư của 5.000 doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất thế giới, trong khi các doanh nghiệp này đã điều chỉnh giảm trung bình 40% đối với lợi nhuận dự kiến, một số ngành đã bắt đầu thua lỗ. Dễ thấy, khi lợi nhuận các MNEs thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập tái đầu tư, từ đó ảnh hưởng lên mức đầu tư tương lai của dòng vốn FDI.
Năm 2022, dự kiến thế giới có sự phục hồi của dòng vốn FDI đi kèm với quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ. Sự thay đổi này không chỉ ở địa điểm đầu tư là quốc gia này hay quốc gia kia, còn cả ở hình thức. Rút kinh nghiệm từ bài học Trung Quốc, các MNEs có thể sẽ chuyển hướng để “vô hình” nhất có thể dựa vào sự phát triển của công nghệ 4.0.
Nghĩa là, sự tái cấu trúc của MNEs có thể sẽ đi kèm với việc hạn chế tối đa phụ thuộc vào một quốc gia, địa điểm kinh doanh nào đó, nhằm gia tăng sự linh hoạt để đối phó với những cú sốc. Cái gì thực sự cần đầu tư trực tiếp ở nước ngoài mới đầu tư, cái gì có thể triển khai online “vô hình” hóa, hoặc ở trong nước cũng được ưu tiên cân nhắc. Hoặc cũng có thể là xu hướng mới trong đầu tư của các MNEs theo hướng đa dạng hóa quốc gia đầu tư để phân tán rủi ro địa chính trị.
Thách thức FDI Việt Nam
Tại Việt Nam, Hàn Quốc đang dẫn đầu về tổng vốn FDI, theo sau là Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore và Nhật Bản. FDI tại Việt Nam đăng ký mới sụt giảm, trong khi giải ngân thực hiện gia tăng, chủ yếu nhờ vào dư âm của dòng vốn đăng ký các năm trước, nay đến giai đoạn thực hiện. Năm 2019, tổng vốn giải ngân đạt 20,4 tỷ USD, tăng 6,7% so với 2018. FDI liên tục gia tăng qua nhiều năm cũng nhờ vào chính sách của Việt Nam khá cởi mở, hệ thống thuế có nhiều ưu đãi cho các MNEs, nhất là các doanh nghiệp nằm đúng trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.
Các hình thức ưu đãi phổ biến để thu hút FDI của Việt Nam là miễn thuế đối với một số loại thu nhập; ưu đãi suất thuế; ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế; chuyển lỗ; khấu hao nhanh. Với định hướng là nền kinh tế mở, Việt Nam đặt kỳ vọng nhiều ở dòng vốn FDI cho sự tăng trưởng sắp tới.
Tuy nhiên, cần lưu ý quy mô dòng vốn này đang rơi mạnh kỷ lục, và sắp có chuyển biến cả quy mô, quy cách đầu tư trong tương lai gần. Điều đó đặt ra thách thức cho cách thức để thu hút dòng vốn đầu tư, cũng như có biện pháp mới để quản lý và thu thuế.