Tư duy mới đón đầu dòng vốn FDI hậu COVID-19
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA).
Hai văn kiện này được coi như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, mở ra triển vọng thu hút đầu tư của cộng đồng kinh tế hàng đầu trên thế giới.
Những năm qua, Việt Nam được thế giới ghi nhận là quốc gia có mức tăng trưởng GDP cao nhờ huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; trong đó có những thành công trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 nên giới đầu tư quốc tế đang đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, phân bố lại mạng lưới cơ sở sản xuất trên phạm vi toàn cầu; trong đó, Việt Nam được xác định là ứng viên sáng giá khi nằm ở khu vực phát triển năng động nhất thế giới.
Không đổi mới sẽ khó thành công
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài ứng phó với các thách thức toàn cầu do COVID-19 gây ra mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định: "Nếu Việt Nam không đầu tư phát triển, kể cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thì không bao giờ thành công. Chúng ta chống dịch COVID-19 bước đầu thành công nhưng phải lo phát triển đất nước thì mới đạt thắng lợi kép".
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định: "Cứ bình bình, theo cách làm cũ, trì trệ và không đổi mới thì khó thành công. Vì vậy, cần có tư duy "mới" để đón đầu và đón bắt được dòng đầu tư mới này".
Tăng niềm tin của các nhà đầu tư
Sau hơn 30 năm mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã gặt hái những thành quả đáng khích lệ. Đến nay, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm, thu ngân sách cũng như thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam…
Đến nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 370 tỷ USD; trong đó lượng vốn đã giải ngân đạt khoảng 58%. Riêng năm 2019 vừa qua, Việt Nam thu hút hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm liên tiếp, tăng 7,2% so với năm 2018. Vốn FDI giải ngân cũng đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% và lập kỷ lục mới.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 5 tháng đầu năm 2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 6,7 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bình luận kết quả trên, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, kết quả trên là hoàn toàn chấp nhận được trong bối cảnh hoạt động đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh; một số nền kinh tế rơi vào tăng trưởng âm. Điều đó còn cho thấy niềm tin, mục tiêu hiện diện, làm ăn lâu dài tại Việt Nam là rất mạnh mẽ và đó chỉ là sự sụt giảm tạm thời trong “bão” COVID-19.
Đáng lưu ý, ngày càng xuất hiện những dự án có công nghệ hiện đại, tập trung vào hoạt động nghiên cứu và chế tạo để tạo ra sản phẩm chất lượng, có tác dụng lan tỏa, tham gia đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế.
Đơn cử, Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Tập đoàn UAC (Hoa Kỳ) trị giá 170 triệu USD tại Đà Nẵng vừa khánh thành, đi vào hoạt động hay dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu-Phát triển của Tập đoàn Samsung tại Hà Nội với số vốn 200 triệu USD là minh chứng cho sự quyết tâm, hướng tới mục tiêu tăng trưởng theo chiều sâu của giới đầu tư nước ngoài.
Đây cũng là kết quả tích cực, hiện thực hóa quan điểm thu hút dòng vốn quốc tế theo hướng gia tăng chất lượng, lựa chọn dự án thân thiện với môi trường, nhất là có công nghệ cao của Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khu vực đầu tư nước ngoài là tác nhân chủ yếu trong việc gia tăng xuất khẩu, đưa nền kinh tế Việt Nam đứng trong nhóm 30 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Nhận xét về tầm quan trọng của khu vực đầu tư nước ngoài, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, có thể lấy Tập đoàn Samsung làm ví dụ cho sự đóng góp của khu vực này.
Đến nay, Tập đoàn này đã đầu tư 17 tỷ USD vào Việt Nam và thường xuyên chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước thông qua mặt hàng chính điện thoại cao cấp và linh kiện điện tử. Hiện Samsung thu hút hơn 170 nghìn lao động làm việc trong các nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh, Thái Nguyên…
Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, Samsung luôn đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam, sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng; từ đó giúp công nghiệp phụ trợ Việt Nam ngày càng phát triển.
Đặc biệt, từ góc nhìn quốc tế, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong phòng, chống đại dịch COVID-19. “Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam.”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Xuất hiện sóng dịch chuyển đầu tư
Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, thời cơ thu hút đầu tư nước ngoài là rất lớn và đang xuất hiện rõ ràng. Đây là xu hướng mới của các nhà đầu tư sau bài học phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung và khi có bất lợi xảy ra thì không có cách nào thay thế.
Đa dạng hóa thị trường và nguồn cung đầu vào là lựa chọn phổ biến và sẽ diễn ra trên phạm vi rộng. Sự an toàn cho dòng vốn đầu tư là ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài thời gian tới.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Hong Sun khẳng định, với thành công trong phòng chống dịch COVID-19 và sự ổn định về môi trường đầu tư-kinh doanh đã nâng tầm Việt Nam lên một bước quan trọng, đầy ấn tượng. Không những thế, tiềm năng của Việt Nam còn rất lớn cũng như còn nhiều dư địa cho nhà đầu tư hợp tác, khai thác nhằm tới mục đích cùng có lợi của các bên.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định: Tác động từ dịch COVID-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; xuất hiện các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới và phát triển bứt phá. Đây thực sự là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi chiến lược.
Hơn nữa, các Hiệp định Thương mại tự do mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)… chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín trong và ngoài nước đã nhận định, đây là thời cơ quý báu, không dễ gì có được khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ. Chính vì vậy, ngay lúc này Việt Nam cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “vàng”, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng.
Chớp lấy thời cơ “vàng”
Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho biết, làn sóng đầu tư mới đã xuất hiện và Việt Nam đứng trước cơ hội mới, hứa hẹn sự gia tăng mạnh về kết quả thu hút dòng vốn này. Vấn đề là sự chuẩn bị kỹ càng, có giải pháp đồng bộ, phù hợp để biến cơ hội thành hiện thực, phục vụ mục tiêu lấy lại tốc độ tăng trưởng cao càng sớm càng tốt…
Trước những “cơ hội vàng” để thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư. Theo đó, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những tác động của dịch bệnh COVID-19.
Tiếp theo, cần chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam; đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: Mỹ, EU, Nhật Bản.
Cùng với đó, Việt Nam cần tập trung chuẩn bị mặt bằng, nhất là tại các khu công nghiệp để sẵn sàng đón dự án đầu tư nước ngoài bên cạnh sự đồng bộ về hạ tầng giao thông, khả năng cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc…
Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài, để đón dòng vốn nước ngoài nhanh chóng, Việt Nam cần tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua các cơ quan ngoại giao. Cùng với đó, tập trung giải quyết nhanh các thủ tục hành chính đối với các dự án có quy mô lớn đang đàm phán, xin cấp phép đầu tư, cũng như hỗ trợ tích cực giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình giải ngân của dự án đã cấp phép.
Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, Việt Nam cần đón được cơ hội từ sự dịch chuyển dòng vốn thì việc phục hồi kinh tế, xử lý hiệu quả những đại dự án yếu kém thua lỗ, khắc phục trần nợ công, tái cấu trúc nền kinh tế… cũng phải có giải pháp nhanh và cơ chế đặc biệt.
“Không phải ngẫu nhiên, Thủ tướng thành lập Tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI và giao các cơ quan chức năng xây dựng ngay đề án này nhằm đón làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sau đại dịch. Và nếu nhanh chúng ta mới “đón được đại bàng tới làm tổ”, còn đi chậm có thể chỉ “đón được chim sẻ”...”, ông Thành nhấn mạnh.
Để tăng cường thu hút FDI, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài ứng phó với các thách thức toàn cầu do COVID-19 vừa diễn ra cuối tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong thu hút phát triển ở đất nước còn nghèo, “nhân vô thập toàn”, không thể có một hạ tầng hoàn thiện, một cơ chế hoàn thiện, thì “chúng ta biết tạo nên một sức mạnh từ lợi thế của Việt Nam” và phải làm nhanh hơn, tốt hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh: Các ngành, các địa phương phải đón bắt, đón đầu dòng vốn đầu tư mới này. Chúng ta phải nghĩ xem nhà đầu tư cần gì để bàn bạc, hợp tác, đáp ứng đúng điều họ cần để phát triển thành công, mang lại lợi ích cho cả 2 phía. Các nước đang cạnh tranh quyết liệt, chúng ta phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh.
Đồng thời thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.
“Với những yêu cầu này, phải xây dựng ngay đề án để Thủ tướng có sự chỉ đạo chung trên tinh thần là nhanh và mạnh hơn; đặc biệt, đề án phải giải quyết các điểm nghẽn của nhà đầu tư như vấn đề mặt bằng, nguồn nhân lực…” Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ.