FED nâng lãi suất cơ bản: Động thái được mong chờ
Triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất cơ bản là động thái được giới đầu tư chờ đợi từ nhiều năm qua. Một số nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới đang hối thúc Mỹ chấm dứt chính sách lãi suất gần bằng 0%, áp dụng kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008 - 2009.
Hy vọng của các nền kinh tế mới nổi
Trong bối cảnh chịu tác động từ tình hình giá hàng hóa thế giới sụt giảm mạnh do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản được coi là cứu tinh của một số nền kinh tế mới nổi một thời từng dẫn đầu thế giới về tăng trưởng.
Bị cám dỗ bởi các khoản lợi nhuận được hứa hẹn sẽ tăng lên khi FED bắt đầu tăng lãi suất trở lại, nhiều nhà đầu tư đang dồn tiền vào các kênh đầu tư ở Mỹ, vẫn được xem là an toàn và hiệu quả hơn. Theo Viện Tài chính quốc tế, chỉ riêng trong tháng 8, giới đầu tư đã ồ ạt rút vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi với tổng số tiền lên tới 8,7 tỷ USD, trong khi giá USD không ngừng tăng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo về nguy cơ phản tác dụng nếu FED tăng lãi suất vào thời điểm chưa chín muồi, khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại và kéo theo giá hàng hóa thế giới rớt thảm hại, nhất là tại các nền kinh tế mới nổi.
Tuy nhiên, theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Peru Julio Valarde, việc FED tăng lãi suất sẽ là một trong những động thái được mong chờ nhất hiện nay. Cùng quan điểm này, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Raghuram Rajan cho rằng, Ngân hàng Trung ương Mỹ cần sớm hành động. Với Indonesia, sự hoài nghi là quan ngại lớn nhất. Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Mirza Adityaswara cho rằng, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ dường như đang ở ngã ba đường và tình trạng này kéo dài sẽ gây ra những bất ổn trên thị trường tài chính. Theo ông, tình hình sẽ sớm cải thiện khi FED đưa ra quyết định tăng lãi suất và tiếp đó mang lại những hy vọng cho thị trường rằng Mỹ sẽ tăng thêm 1 - 2 lần nữa rồi mới dừng lại.
Thận trọng không thừa
Trên thực tế, mặc dù đang hướng tới việc tăng lãi suất trong năm nay, song FED vẫn phát tín hiệu rằng họ muốn chờ nền kinh tế đạt thêm nhiều tiến triển trước khi tiến hành lộ trình này. Trong lần họp gần đây nhất vào trung tuần tháng 7 vừa qua, cả 10 thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang của FED (FOMC) đã nhất trí giữ lãi suất gần mức 0% và không nêu rõ thời gian cụ thể của kế hoạch tăng lãi suất. Chủ tịch Yellen nhấn mạnh, quyết định sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế. Theo thông báo mới nhất, FED đánh giá thị trường việc làm, nhà ở và chi tiêu cá nhân đều đã có những tiến triển nhất định. Tuy nhiên, thể chế này vẫn muốn chỉ số lạm phát tăng dần đều tới mục tiêu 2%.
Chủ tịch Yellen cũng tuyên bố rằng, khi FED bắt đầu tăng lãi suất, họ sẽ triển khai từng bước, nhằm tránh gây cú sốc đối với nền kinh tế vốn đang hưởng lợi từ mức lãi suất đi vay thấp theo chính sách của FED. Bà Yellen cho biết, việc tăng lãi suất từ từ, đi cùng với những quãng nghỉ cố định sẽ giúp thể chế tài chính này đánh giá được các tác động kéo theo.
Sau khi tăng lãi suất ngắn hạn, các loại lãi suất khác - như vay thế chấp, vay nợ tự động và vay nợ doanh nghiệp - có thể sẽ tăng theo. Giáo sư kinh tế Brian Bethune, thuộc Đại học Tufts ở Boston, nói: “FED sẽ cảm thấy thoải mái nếu tiến hành nâng lãi suất với một nhịp độ chậm và thận trọng. Họ không muốn tạo ra những cú sốc trên thị trường, có nguy cơ gây thêm rắc rối cho nền kinh tế toàn cầu, cho dù là ở Trung Quốc hay châu Âu”.
Hồi đầu tháng, trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, bà Yellen cho rằng nền kinh tế sẽ phục hồi và tăng lãi suất là việc làm cần thiết. Khi đó, một số nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ đã hối thúc FED cân nhắc trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất, nhất là trong bối cảnh lạm phát vẫn chưa đạt mục tiêu 2%. Về cơ bản, FED thường tăng lãi suất khi đã đến lúc cần có biện pháp kiểm soát lạm phát.
Theo giới quan sát, FED đang tiến gần tới mục tiêu chính là đạt giới hạn về tỷ lệ việc làm. Hiện tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây, và trong vòng ba tháng qua tại Mỹ, trung bình mỗi tháng có thêm 221.000 việc làm được tạo ra. Những nhà kinh tế học từng dự đoán FED sẽ tăng lãi suất vào tháng 9 đã lấy dẫn chứng cho nhận định của mình từ tỷ lệ thất nghiệp giảm và sức bật của các lĩnh vực khác như nhà ở và tiêu dùng. Hiện, có không ít người lo ngại rằng việc duy trì lãi suất thấp quá lâu có thể tạo ra bong bóng lớn trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu và nhiều tài sản khác.
Các chuyên gia tin rằng, việc FED nâng lãi suất chỉ là chuyện một sớm một chiều trong năm nay, khi cảm nhận được sự ổn định trong guồng quay tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các thị trường tài chính sẽ không thể quên sự kiện xảy ra giữa năm 2013 khi Chủ tịch FED lúc đó là Ben Bernanke công bố khả năng tăng lãi suất trong tương lai, kéo theo làn sóng chuyển vốn từ các nền kinh tế mới nổi sang Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những số liệu lẫn lộn về tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ và tín hiệu xấu từ nền kinh tế Trung Quốc buộc Chủ tịch FED đương nhiệm Janet Yellen thận trọng hơn trong các quyết sách của mình.
Ngày 15.9, các quan chức FED bắt đầu nhóm họp tại Thủ đô Washington của Mỹ, nhằm thảo luận về quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần 7 năm. Cuộc họp kéo dài 2 ngày này thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên khắp thế giới theo dõi, bởi nếu được FED đưa ra, quyết định tăng lãi suất sẽ có tác động không nhỏ tới kinh tế toàn cầu. Trước đó, FED đã trì hoãn việc tăng lãi suất do lo ngại những bất ổn gần đây trong nền kinh tế và trên thị trường toàn cầu.