Toàn cảnh kinh tế thế giới tháng 8/2015

Theo ncseif.gov.vn

Kinh tế thế giới 8 tháng đầu năm 2015 đã cho thấy những dấu hiệu khả quan hơn (tình hình tại Mỹ, châu Âu có nhiều khởi sắc). Tuy nhiên, các nền kinh tế đang phát triển tiếp tục vật lộn với nhiều khó khăn, tình hình tài chính tiền tệ có nhiều biến động do việc phá giá liên tiếp đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, giá cả hàng hóa có xu hướng giảm do giá dầu giảm mạnh.

Kinh tế thế giới 8 tháng đầu năm 2015 đã cho thấy những dấu hiệu khả quan hơn. Nguồn: internet
Kinh tế thế giới 8 tháng đầu năm 2015 đã cho thấy những dấu hiệu khả quan hơn. Nguồn: internet

Kinh tế Mỹ đã hồi phục trong quý II/2015. Theo Bộ Thương mại Mỹ (31/7/2015), kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,3% trong quý II/2015. Bộ này cũng đảo ngược một ước tính trước đó, kết luận rằng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 0,6% trong 3 tháng đầu năm 2015, chứ không phải suy giảm 0,2%. Chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tác của Mỹ tháng 7/2015 đã tăng nhẹ lên 53,8 so với mức 53,6 trong tháng 6/2015. Chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ tăng nhẹ từ mức 54,8 điểm trong tháng 6/2015 lên mức 55,2 điểm trong tháng 6/2015. Thị trường lao động Mỹ tiếp tục có nhiều cải thiện. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống chỉ còn 5,3% trong tháng 7/2015, bằng với mức của tháng 6/2015 và là mức thấp nhất kể từ đầu năm.

Kinh tế khu vực châu Âu 8 tháng đầu năm 2015 cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan. Sản lượng của khu vực kinh tế Eurozone vẫn tiếp tục tăng mạnh với chỉ số PMI tổng hợp đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm qua, cụ thể PMI luôn ở mức 53 điểm trong suốt thời gian qua: mức 53,9 điểm trong tháng 7/2015, sau khi đã ở mức 54,2; 53,6; 53,9; 54 điểm trong tháng 6, 5, 4, 3/2015, báo hiệu một sự mở rộng tăng trưởng kinh tế bền vững hơn.

Thương mại ngoại khối của khu vực EU28 tiếp tục tăng trưởng mạnh khi ghi nhận mức thặng dư là 12,3 tỷ EUR trong tháng 6, so với mức 13,3 tỷ EUR trong tháng 5 và mức -2,4 tỷ EUR so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, thương mại ngoại khối của khu vực Eurozone cũng ghi nhận mức thặng dư 26,4 tỷ EUR, so với mức chỉ 16 tỷ EUR cùng kỳ năm ngoái; thương mại nội khối của khu vực Eurozone đạt 151,2 tỷ EUR vào tháng 6/2015; tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, tình trạng thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát cũng chưa cho thấy tín hiệu cải thiện đáng kể. Tỷ lệ lạm phát theo năm của khu vực Eurozone đạt 0,2% trong tháng 7/2015, không thay đổi so với mức của tháng 6, trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp thống kê được trong tháng 6 vẫn ở mức 11,1%, không đổi so với tháng 5/2015.

Kinh tế Nhật Bản trong 8 tháng đầu năm 2015 đón nhận thông tin không mấy khả quan mặc dù đã có đôi chút cải thiện. GDP nước này giảm 0,4% trong quý II/2015 so với quý I/2015 do tiêu thụ nội địa sụt giảm và kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng chậm. Tiêu dùng nội địa quý II/2015 giảm 0,8% so với quý trước. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu cũng giảm 4,4% so với quý I năm nay. Tổng nợ công của Nhật Bản đạt mức kỷ lục 1,057 nghìn tỷ Yen vào cuối tháng 6/2015, tương đương 230% GDP do tăng trưởng chi tiêu an sinh xã hội.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng đón một số tín hiệu tích cực như chỉ số giá tiêu dùng lõi tháng 6/2015 tăng 0,1% so với cùng kỳ. Chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tác của Nhật Bản đang tăng trở lại khi mà chỉ số này đạt mức 51,2 điểm trong tháng 7/2015 so với mức 50,1 điểm trong tháng 6/2015. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại Nhật Bản, chỉ số sản lượng công nghiệp liên tục giảm trong năm tháng 2015 và bất ngờ tăng 2,3% vào tháng 6/2015 so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư tài khoản vãng lai của nước này đạt mức 7,81 nghìn tỷ Yen (gần 65,2 tỷ USD) trong tài khóa 2014 (tính đến tháng 3/2015), tăng gấp gần 5 lần so với tài khóa trước. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã hạ mức dự đoán tăng trưởng trong năm nay từ 2% xuống còn 1,7%, cũng như hạ dự đoán lạm phát từ 0,8% xuống 0,7%.

Tình hình kinh tế Trung Quốc trong tháng 8 và 8 tháng năm 2015 tăng trưởng chậm lại và có nhiều biến động mạnh. GDP được công bố chỉ ở mức 7% trong hai quý đầu năm 2015 và thấp hơn so với mức 7,4% của quý IV/2014. Kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này cũng giảm mạnh so với năm 2014. Tháng 7/2015, xuất khẩu giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2014 và chỉ đạt 195 tỷ USD, nhập khẩu cũng giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 152 tỷ USD do giá cả hàng hóa giảm. Tính trung bình 7 tháng năm 2015, xuất khẩu giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, chỉ số PMI trong tháng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ đạt 50 điểm, giảm từ mức 50,2 điểm trong tháng 6/2015 - điều này cho thấy ngành sản xuất của Trung Quốc không mở rộng và không tạo ra công ăn việc làm mới. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán của nước này tiếp tục giảm và gây ra tâm lý lo lắng cho các nhà đầu tư. Chỉ số Shanghai Composite mất tới 32% giá trị chỉ trong 18 phiên giao dịch, gần 4.000 tỷ đô la Mỹ vốn hóa bốc hơi khỏi thị trường.

Tại Nga, chỉ số PMI của nước này trong tháng 7/2015 đạt 48,3 điểm, giảm so với 46,7 điểm của tháng 6/2015. Trong đó, sản lượng đầu ra, lao động và các đơn đặt hàng mới đều giảm, giá cả hàng hóa vẫn tiếp tục tăng.

Tại Ấn Độ, tình hình sản xuất của nước này đã có cải thiện so với tháng 6/2015, sản lượng đầu ra có dấu hiệu tăng trở lại, đơn đặt hàng xuất khẩu đã tăng trở lại trong 2 tháng trở lại đây. Chỉ số PMI tháng 7/2015 đạt 52,7 điểm, giảm so với 51,3 điểm trong tháng 6/2015.

Tại Braxin, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục suy thoái trong tháng 7. Số lượng việc làm tiếp tục bị cắt giảm, sản lượng đầu ra và đơn đặt hàng giảm liên tục trong nhiều tháng mặc dù trong tháng 7 tốc độ có giảm đi đôi chút. Chỉ số PMI của nước này đạt 47,2 điểm trong tháng 7/2015, tăng so với mức 46,5 điểm của tháng 6/2015, tuy nhiên, chỉ số này dưới 50 điểm cho thấy sự thu hẹp sản xuất.

Đối với các lĩnh vực cụ thể, tăng trưởng sản lượng toàn cầu trong 8 tháng đầu năm 2015 vẫn tiếp tục tăng trưởng mặc dù có dấu hiệu chững lại trong tháng 6 và tháng 7 do sản lượng ở các nền kinh tế đang nổi giảm sút. Tốc độ tăng trưởng của cả 2 ngành dịch vụ và sản xuất đều giữ được nhịp độ tăng. Chỉ số PMI toàn cầu tổng hợp của JP Morgan cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2015, chỉ số này đạt mức trung bình trên 53 điểm. Cụ thể, PMI tổng hợp toàn cầu đạt 53,4 điểm trong tháng 7/2015 và 53,1 điểm trong tháng 6/2015.

Trong đó, điểm sáng của 7 tháng đầu năm 2015 là sản lượng đầu ra vẫn có tốc độ tăng ổn định. Mỹ và Anh tiếp tục dẫn đầu về tăng trưởng sản lượng toàn cầu trong 8 tháng đầu năm. Khu vực đồng Euro đang trên đà phục hồi tăng trưởng sản lượng trong 3 tháng gần đây. Trong khi đó, tăng trưởng sản lượng khu vực châu Á lại chứng kiến tốc độ sụt giảm. Tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu giảm sút tại Trung Quốc, Braxin tiếp tục chìm trong suy giảm tăng trưởng khi mà tốc độ suy giảm sản lượng đang ở mức thấp nhất kể từ 2009 đến nay.