Mỹ: Đồng USD sẽ đi về đâu?
Theo các con số thống kê mới đây, đồng USD của Mỹ đang ở trong giai đoạn tăng mạnh nhất kể từ năm 1984. Tuy nhiên, khác với thời điểm đó, hiện nay, chưa một ai hay chuyên gia nào có thể dự đoán ai và bằng cách nào có thể đảo ngược được chiều hướng này.
Cách đây tròn 30 năm, cũng vào tháng 10, nước Mỹ cũng đứng trước tình trạng khủng hoảng khi cán cân thương mại bị thâm hụt. Khi đó, nước Mỹ đủ quyền lực để thuyết phục các quốc gia như Nhật, Đức, Pháp và Anh cùng ngồi vào bàn đàm phán và cùng thỏa thuận sẽ làm suy yếu đồng USD so với đồng Yên Nhật và đồng Mark Đức như trong hiệp ước Plaza đề cập sau đó. Trong vòng 2 năm kể từ khi hiệp ước này có hiệu lực, tỷ giá hối đoái giữa USD và Yên Nhật đã giảm tới 51%, còn giữa USD và đồng Mark là 30%.
Đà tăng ngày càng được củng cố
Hiện nay, việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ hiện có thể tăng lãi suất trong tháng 9 này và việc các ngân hàng trung ương khác duy trì gói kích thích tiền tệ sẽ khiến cho đà tăng giá của đồng USD ngày càng được củng cố. Theo thống kê từ Fed, đồng USD đang nằm trong giới hạn tăng nhanh kỷ lục và nguy hiểm hơn là một chính sách thắt chặt tiền tệ có thể sẽ khiến cho nó tăng nhanh hơn.
"Fed hoàn toàn có thể tăng lãi suất nhưng họ phải thực hiện hành động này một cách rất thận trọng, vì tác động của nó sẽ rất đáng kể. Xu hướng thay đổi của đồng USD sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà xuất khẩu Mỹ, cũng như các khoản thu về từ nước ngoài", ông Makoto Utsumi, 81 tuổi, từng là Đại sứ Nhật Bản ở Washington vào thời điểm ký kết hiệp ước Plaza cho biết. Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng tư vấn toàn cầu cho tập đoàn Tokai Tokyo Financial Holdings.
"Rõ ràng, việc đi đến một thỏa thuận thống nhất như hồi hiệp ước Plaza giờ đây không thể thực hiện một cách dễ dàng được nữa. Bản thân các lãnh đạo của từng quốc gia hiện nay cũng không mang tính bền vững mà có thể thay đổi bất kỳ lúc nào" , ông Makoto nói.
Đồng USD đã tăng 20% so với đồng Yên trong 2 năm qua và 17% so với đồng Euro do chính sách lãi suất của Mỹ trái ngược hẳn với chính sách nới lỏng tiền tệ tại Nhật Bản và châu Âu. Chỉ số tương quan giữa USD và 26 đồng tiền khác trên thế giới do FED lập nên đã tăng trung bình hơn 18% kể từ cuối năm 2013 và giờ đây đang tiệm cận với mức kỷ lục hồi tháng 2/2002.
Lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ
Tháng 7 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng phát hành một bản báo cáo, trong đó nói rằng sự mất cân bằng trong giao dịch toàn cầu hiện là một trở ngại rất lớn cho tăng trưởng thế giới và đồng USD đang được giao dịch "một cách khiêm tốn".
Tuy nhiên, hội nghị G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa kết thúc trong tháng này đã không đi đến một thỏa thuận cụ thể nào giữa các lãnh đạo của các quốc gia lớn trên thế giới để khắc phục tình hình này. Đặc biệt là vấn đề tiền tệ khi mà cách đây không lâu, Trung Quốc đã làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ sau khi họ bất ngờ giảm giá đồng Nhân dân tệ liên tiếp.
Theo cựu quan chức hàng đầu về tiền tệ của Nhật Bản - ông Toyoo Gyohten, người đã tham gia vào các cuộc đàm phán dẫn đến hiệp ước Plaza, kết quả của hội nghị G20 cho thấy các mối quan hệ giữa các quốc gia đã không được duy trì một cách chặt chẽ và bền vững.
"Điều đáng lo ngại hiện nay là các quốc gia đang không có cùng quan điểm về khủng hoảng. Đây là điều cực kỳ quan trọng và là điểm cơ bản. Bất kỳ một sự không hợp tác nào cũng có thể biến khủng hoảng từ một quốc gia thành khủng hoảng toàn cầu", ông Toyoo Gyohten nói.
Trong khi đó, chuyên gia Mansoor Mohi-uddin từ ngân hàng Royal Bank của Scotland cho hay G20 là một tập hợp gồm quá nhiều nước và như vậy sẽ dẫn đến rất khó đạt được thỏa thuận.
Cũng theo chuyên gia này, một cuộc họp giữa các nước G7 sẽ là diễn đàn có hiệu quả hơn trong việc định hướng thị trường tiền tệ thế giới. Hội nghị G7 đã từng đề ra các quyết sách để hỗ trợ đồng Euro vào năm 2000 cũng như thỏa thuận làm suy yếu đồng Yên sau khi Nhật Bản phải chịu các thảm họa thiên nhiên hồi năm 2011.
Rõ ràng, xu hướng của đồng USD sẽ vẫn là một câu hỏi và với tình hình thế giới ngày một phức tạp như hiện nay, chỉ có thời gian mới có thể trả lời được câu hỏi này.