Fed nâng lãi suất sẽ ảnh hưởng ra sao đến các dòng vốn ngắn và dài hạn vào Việt Nam?
Gần đây đã xuất hiện không ít lo lắng về khả năng dòng vốn bị rút ra khi Fed điều chỉnh nâng lãi suất cơ bản đồng USD, tuy nhiên các chuyên gia khẳng định không quá lo ngại về vốn ngắn hạn.
Tại cuộc họp diễn ra vào ngày 20-21/9/2022 (giờ Mỹ), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 75 điểm cơ bản lên biên độ mới từ 3% đến 3,25%.
Ngay sau quyết định tăng lãi suất của Fed, cuối giờ chiều 22/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố quyết định điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành với mức tăng lên tới 1 điểm % so với trước đó. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn tăng từ mức 4% lên 5%, lãi suất tái chiết khấu tăng từ mức 2,5% lên 3,5%, trần lãi suất cho vay qua đêm và thanh toán bù trừ tăng từ 5% lên 6%.
Việc Fed và sau đó đến NHNN nâng các loại lãi suất sẽ ảnh hưởng ra sao đến các dòng vốn ngắn và dài hạn vào Việt Nam là những nội dung đã được chúng tôi trao đổi với các chuyên gia kinh tế mới đây.
Đánh giá động thái của NHNN là kịp thời, phù hợp, ông Phạm Thế Anh, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, sau động thái nâng lãi suất mới đây của Fed, dòng vốn tài chính đương nhiên sẽ ảnh hưởng ngay, bởi lãi suất ở Mỹ cao hơn một cách tương đối so với lãi suất ở Việt Nam, như vậy việc Fed điều chỉnh lãi suất sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến các dòng vốn ngắn hạn nếu Việt Nam không phản ứng gì.
"Tuy nhiên vừa rồi Fed nâng lãi suất và Việt Nam cũng tăng theo và thậm chí tăng nhiều hơn thì chưa chắc dòng vốn đã “tháo chạy” khỏi Việt Nam. Hoặc nếu có khả năng trên xảy ra thì nó cũng ít hơn rất nhiều so với trường hợp mà Việt Nam không phản ứng gì. Như vậy, lo ngại rút vốn khỏi thị trường tài chính Việt Nam ít đi rất nhiều”, ông Thế Anh nói.
Cũng theo ông Thế Anh, khi SBV nâng lãi suất, tỷ giá hối đoái chắc chắn sẽ ổn định hơn so với trường hợp không tăng, vì vậy lo ngại về khả năng rút vốn trong ngắn hạn sẽ bớt đi nhiều.
Còn đối với dòng vốn dài hạn như FDI, việc FDI vào Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố ngắn hạn mà còn tùy thuộc vào nền tảng của kinh tế Việt Nam, lợi thế của kinh tế Việt Nam so với thế giới ví như lao động giá rẻ, lợi thế về các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia và cam kết ổn định tỷ giá. Dòng vốn FDI có thể chậm lại trong ngắn hạn khi mà thế giới đang gặp khó khăn, nhiều rủi ro trên thế giới đang tăng cao. Khi khó khăn toàn cầu qua đi, Việt Nam cũng có thể thu hút được FDI quay trở lại, ông Thế Anh dự báo.
Còn theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), FDI của Việt Nam năm nay vẫn tăng trưởng không cao như kỳ vọng, chỉ tương đương mức tăng trưởng của năm ngoái, do ảnh hưởng của nhiều vấn đề. Thứ nhất là rủi ro địa chính trị trên thế giới; thứ hai do chính sách zero COVID của Trung Quốc; thứ ba do giá cả nguyên vật liệu, hàng hóa tăng quá cao, ảnh hưởng các kế hoạch dịch chuyển của các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu.
Nhưng lo ngại dòng vốn FDI rút khỏi Việt Nam do biến động tỷ giá thì không quá đáng lo ngại bởi thực tế tỷ giá VNĐ/USD vẫn ở mức dưới 3%, cả năm nay dự kiến dưới 4%, là mức biến động thấp hơn rất nhiều so với những đồng tiền khác trên thế giới như EUR, Yen, hay hầu hết đồng tiền khác mất giá rất nhiều so với USD.
“Việt Nam biến động tỷ giá hẹp hơn do nỗ lực kiểm soát cung tiền, ổn định tỷ giá của NHNN liên tục bán ra ngoại tệ để ổn định tỷ giá, giữ giá được đồng nội tệ. Đây là một trong những thành công vĩ mô của Việt Nam. Do đó không quá lo ngại việc nhà đầu tư sẽ lo sợ tỷ giá mà rút khỏi Việt Nam. Thực tế họ đang nhìn thấy đồng tiền Việt Nam đang ít mất giá nhất so với rất nhiều đồng tiền khác trên thế giới”, ông Ngọc phân tích.
Trong buổi họp báo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Giám đốc quốc gia của ADB, ông Andrew Jeffries cũng đã đưa ra nhận định về dòng vốn FDI sau quyết định lãi suất của Fed.
Theo ông Jeffries, nói đến rủi ro liên quan đến FDI, việt Nam cần quan tâm đến áp lực trong dài hạn. Còn liên quan đến tỷ giá, Việt Nam luôn cần phải đảm bảo tỷ giá ổn định. Khi đầu tư vào một quốc gia, nhà đầu tư thường quan tâm đến tính dễ đoán của môi trường đầu tư.
Nếu nhìn vào Việt Nam so sánh với các quốc gia khác trong khu vực, một số quốc gia khác đang gặp phải vấn đề như nợ công cao hay tỷ giá cao do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Có thể sẽ có những cú sốc trên toàn cầu ảnh hưởng đến FDI nói chung, Việt Nam không đương đầu với rủi ro đặc thù nào kiểu như vậy vì thế không nên quá lo sợ về kịch bản FDI suy giảm, ít nhất trong ngắn hạn, ông Jeffries dự báo.