FED sẽ “cứu rỗi” kinh tế toàn cầu?
Tình trạng giá dầu giảm và triển vọng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc sẽ là những nội dung được thể hiện tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong hai ngày 27 - 28.1.
Tăng lãi suất không còn khả thi?
Những lo ngại về sự tăng trưởng yếu kém của nền kinh tế toàn cầu đang làm dấy lên nghi ngờ về lộ trình tăng lãi suất của FED sau thời điểm cuối tháng 12.2015 khi cơ quan này lần đầu tiên tăng lãi suất trong gần một thập kỷ qua. Nhiều người cho rằng kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 3 tới đang dần bớt khả thi, trong khi đó một số nhà kinh tế tham gia các cuộc thăm dò ý kiến của Reuters đều dự đoán, trong năm 2016 FED sẽ chỉ tiến hành 3 thay vì 4 lộ trình tăng lãi suất như đã công bố trước đó. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu thiếu ổn định, những tuần qua giới chức FED liên tục phủ nhận tác động của thị trường tài chính đối với các quyết định của mình.
FED hy vọng vẫn có thể duy trì lãi suất ở mức từ 0,25 - 0,5% sau cuộc họp ngày 28.1. Tuy nhiên, những nhận định về tình trạng giảm phát và sự bất ổn của thị trường có thể sẽ buộc giới chức FED phải nêu lên những quan ngại sâu sắc về viễn cảnh nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế toàn cầu. Một chuyên gia phân tích tài chính thuộc Ngân hàng BNP Paribas nhận định: “Nếu tuyên bố sau cuộc họp (của FOMC) cho thấy những rủi ro ngày một gia tăng mà không hề đề cập tới những kỳ vọng về sự phục hồi trong trung hạn thì chúng ta có thể coi đó là dấu hiệu cho thấy (giới chức FED) sẽ không có ý định nâng lãi suất (trong ngắn hạn)”. Các số liệu càng khiến bức tranh kinh tế nội địa Mỹ thêm ảm đạm khi đồng USD có mức giá cao đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Giá tiêu dùng trong tháng 12.2015 đã giảm ngoài sức tưởng tượng.
Kết quả một cuộc thăm dò gần đây của Reuters ước tính nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1,3% trong quý II.2016 và 2% trong quý III.2016. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng mức tăng trưởng ảm đạm trong quý IV cũng sẽ không kéo dài. Các nhà phân tích của Ngân hàng HSBC nhận định: “Sự giảm tốc trong quý IV ít khả năng làm chệch hướng mức tăng trưởng kinh tế khỏi mục tiêu 2,2% của năm 2016”.
Trọng tâm tăng trưởng toàn cầu
Người ta cho rằng FED sẽ công bố các quyết định cụ thể sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 3 tới. Giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh càng tác động tiêu cực tới triển vọng đưa lạm phát tới mức 2%, buộc ECB phải có những hành động cụ thể sau khi giảm tỷ lệ tiền gửi và mở rộng chương trình mua trái phiếu Chính phủ vào tháng 12 năm ngoái. Báo cáo sơ bộ về giá tiêu dùng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu tính tới ngày 29.1 sẽ đem đến cái nhìn toàn diện hơn. Giá cả các mặt hàng dự kiến sẽ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù giới chuyên gia kinh tế cho rằng giá tiêu dùng sẽ sớm giảm trở lại.
Ngày 22.1, Chủ tịch ECB Mario Draghi nhấn mạnh, triển vọng về một cuộc phục hồi kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn giữ nguyên, song lo ngại ngày càng gia tăng trước ảnh hưởng từ sự tăng trưởng yếu kém ở nhiều khu vực khác, nhất là sau khi Trung Quốc xác nhận tốc độ tăng trưởng của nước này năm 2015 thấp nhất trong 25 năm trở lại đây và sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải giảm bớt hàng loạt dự báo tăng trưởng trước tình trạng dư thừa nguồn cung.
Ngân hàng Trung ương Nga cảnh báo, chính quyền đang đứng trước “các lựa chọn khó khăn” bởi giá dầu, ngành xuất khẩu chủ lực, giảm mạnh. Đồng nội tệ ruble đã hạ xuống mức thấp nhất những ngày gần đây và giới chức Nga dự đoán nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục suy thoái trong năm 2016. Các thị trường cũng đang chuẩn bị tinh thần cho diễn biến sau quyết định tỷ giá mới của Nhật Bản vào ngày 28 - 29.1. Nhiều người cho rằng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ mở rộng chương trình kích thích kinh tế và thậm chí giới chuyên gia kinh tế còn dự đoán Chính quyền Nhật Bản sẽ cắt giảm dự báo về lạm phát hoặc sẽ có những diễn biến bất ngờ xảy ra.