Việt Nam nằm trong 8 nền kinh tế mới nổi giàu triển vọng nhất 2016

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn/CNNMoney / Tradingeconomics

Năm 2016 nhiều thị trường lớn “hứa hẹn” sẽ tiếp đà suy thoái hoặc giảm phát. Tuy vậy, ở chiều ngược lại, nhiều nền kinh tế mới nổi vẫn sẽ xuất sắc giữ vững đà tăng trưởng, thậm chí ở một số quốc gia GDP còn có thể tăng cao hơn năm ngoái.

Theo các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ), 8 quốc gia dưới đây sẽ là những thị trường mới nổi hứa hẹn có nhiều thành công nhất về kinh tế trong năm nay.

1- Ấn Độ

Việt Nam nằm trong 8 nền kinh tế mới nổi giàu triển vọng nhất 2016 - Ảnh 1

Quốc gia rộng lớn vùng Nam Á này có dân số 1,27 tỷ người, đứng thứ nhì thế giới chỉ sau Trung Quốc. GDP sức mua tương đương của cả nước trong năm 2015 là 8 nghìn tỷ USD, xếp hạng 3 toàn cầu. GDP thu nhập bình quân đầu người là 6.200 USD.

9 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ là hết sức ổn định, với mức tăng 3 quý lần lượt là 7,5%, 7,1% và 7,4%. Các hoạt động chính của họ là ngành dịch vụ, tài chính, bất động sản, bảo hiểm và sản xuất chế tạo. Đây đang là nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững nhất thế giới. Dự kiến trong năm 2016 đất nước này vẫn sẽ duy trì đà tăng 7%, và thậm chí còn nhỉnh hơn so với 2015. Đây cũng là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ việc sụp đổ giá dầu, bởi 80% lượng dầu tiêu thụ tại đây hoàn toàn được nhập khẩu.

2- Việt Nam

Việt Nam nằm trong 8 nền kinh tế mới nổi giàu triển vọng nhất 2016 - Ảnh 2

Việt Nam có diện tích 333.000 km2, dân số 91,7 triệu người xếp thứ 13 thế giới. Tổng GDP sức mua tương đương của quốc gia là 593,5 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 6.414 USD.

Trong năm 2015, tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam là 6,5%. Riêng quý IV cuối năm, con số này đạt đến 7%. Dự kiến trong 2016, mức tăng GDP tại đây đạt khoảng 6,8%. Đất nước được hưởng lợi từ lực lượng lao động hết sức đông đảo và chăm chỉ - xấp xỉ 60% dân số hiện dưới 35 tuổi. Sắp tới đây, nhiều khả năng Việt Nam còn tiếp tục được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP làmột hiệp định mang tính bước ngoặt, sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong nền thương mại Việt Nam với Hoa Kỳ và 11 đối tác khác bên bờ Thái Bình Dương.

3- Kenya

Việt Nam nằm trong 8 nền kinh tế mới nổi giàu triển vọng nhất 2016 - Ảnh 3

Diện tích quốc gia châu Phi này là 581.300 km2, dân số 45 triệu người. GDP sức mua tương đương năm ngoái tại đây là 142,74 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người 3.238 USD. Đất nước này là thành viên sáng lập khối Cộng đồng Đông Phi (EAC), cũng là quốc gia có GDP lớn nhất ở khu vực Đông và Trung Phi.

Năm 2015 kinh tế Kenya tăng trưởng 6,5%, và được dự đoán sẽ đạt 6,8% trong năm 2016. Quốc gia này đang đà bùng nổ mạnh mẽ công nghệ thông tin, và được hưởng lợi từ việc giá dầu thế giới tụt dốc không phanh thời gian qua. Ngoài ra, không giống như nhiều nền kinh tế mới nổi khác, Kenya không cần phải lo lắng nhiều về sự giảm tốc ở Trung Quốc, do họ chỉ tiếp xúc, giao thương rất hạn chế với đất nước đông dân nhất hành tinh này.

4- Chile

Việt Nam nằm trong 8 nền kinh tế mới nổi giàu triển vọng nhất 2016 - Ảnh 4

Đất nước Nam Mỹ rộng 756,1 triệu km2, dân số 18 triệu người. GDP sức mua tương đương của cả nước là 410,27 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người là 23.165 USD. Quốc gia này dẫn đầu châu Mỹ Latin về GDP đầu người cũng như sự ổn địnhvà tự do kinh tế.

Quý III năm 2015, đất nước này tăng trưởng 2,2%, so với 1,9% của quý trước đó. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang rất lạc quan về triển vọng ở Chile, do trong những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách tại nước này đã khuyến khích đa dạng hóa và tự do kinh tế. Chile cũng là 1 trong số những quốc gia bỏ phiếu tán thành Hiệp định TPP, hứa hẹn sẽ bùng nổ mậu dịch thương mại quốc tế trong thời gian tới đây.

5- Colombia

Việt Nam nằm trong 8 nền kinh tế mới nổi giàu triển vọng nhất 2016 - Ảnh 5

Diện tích quốc gia Nam Mỹ này là 1,141 triệu km2, số dân là 48,4 triệu người. Tổng GDP sức mua tương đương cả nước năm 2015 đạt 682,9 tỷ USD, thu nhập trung bình của người dân là 14.164 USD.

Trong khi 2 “người láng giềng” ở phía đông của Colombia là Venezuela và Brazil đều đang gặp khủng hoảng và suy thoái kinh tế hết sức nặng nề, quốc gia này vẫn giữ vững nhịp tăng trưởng ổn định 2,5% trong năm 2015, đồng thời dự kiến sẽ tiếp tục tăng 2,7% năm 2016. Chính phủ Colombia cam kết sẽ cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm ngân sách đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế rót vốn vào quốc gia này.

6- Mexico

Việt Nam nằm trong 8 nền kinh tế mới nổi giàu triển vọng nhất 2016 - Ảnh 6

Mexico có diện tích gần 2 triệu km2, dân số 125,235 triệu người. GDP sức mua tương đương cả nước là 2,224 nghìn tỷ USD, đứng thứ 11 thế giới. Thu nhập bình quân là 18.857 USD/người. Quốc gia Trung Mỹ này là nền kinh tế lớn thứ nhì châu Mỹ Latin, chỉ xếp sau Brazil. Tuy nhiên do Brazil thời gian gần đây đang suy thoái hết sức nặng nề, khoảng cách đang dần thu hẹp lại một cách nhanh chóng.

Năm qua, tỷ lệ thất nghiệp ở Mexico là 4,3%, và đang tiếp tục giảm xuống. Sau khi chính phủ nhà nước này thông qua các biện pháp cải cách kinh tế quan trọng, khuyến khích trao đổi mậu dịch và đầu tư nước ngoài, tình hình những khoản nợ và thâm hụt ngân sách của Mexico đang được cải thiện với tốc độ đáng kể.

7- Indonesia

Việt Nam nằm trong 8 nền kinh tế mới nổi giàu triển vọng nhất 2016 - Ảnh 7

Quốc gia Đông Nam Á rộng 1,9 triệu km2, số dân 255,46 triệu người. Đây là quốc đảo lớn nhất toàn cầu nếu tính theo số lượng hòn đảo: hơn 14.000. GDP cả nước năm qua là 2,84 nghìn tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 11.135 USD.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, Indonesia đã tập trung vào việc cải thiện cơ cấu kinh tế, cải cách hành chính, áp đặt giới hạn về thâm hụt ngân sách. Quốc gia này đã bước đầu thành công trong việc cắt giảm nợ quốc tế, nên rất ít bị ảnh hưởng bởi vụ tăng lãi suất USD của Cục dự trữ Liên bang Mỹ. Theo thống kê, quý III năm 2015 GDP của Indonesia đã tăng trưởng 4,73%, tăng so với 2 quý đầu năm là 4,72% và 4,67%.

8- Peru

Việt Nam nằm trong 8 nền kinh tế mới nổi giàu triển vọng nhất 2016 - Ảnh 8

Quốc gia nằm ở bờ Tây của Nam Mỹ rộng 1,28 triệu km2, dân số 31,15 triệu người. GDP sức mua tương đương của cả nước năm 2015 đạt 403,32 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người là 12.638 USD.

Haiquý gần đây nhất quốc gia này đạt tốc độ tăng trưởng là 2,9% và 3%. Dự kiến con số này trong năm 2016 sẽ đạt 3,3%. Khai thác khoáng sản được dự đoán sẽ tiếp tục là nguồn thu chính cho Peru. Ngoài ra, những chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài của chính phủ được kỳ vọng sẽ giúp quốc gia này tiếp tục tăng trưởng ổn định thời gian tới.