OECD ngăn chặn vấn nạn trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia
Hơn 30 quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ngày 27/1 đã ký một thỏa thuận sẽ chia sẻ thông tin về các tập đoàn đa quốc gia nhằm thúc đẩy sự minh bạch hóa sau khi công luận tỏ thái độ bất bình trước việc các công ty lớn né tránh việc nộp thuế.
Theo luật lệ mới, các doanh nghiệp hay tập đoàn đa quốc gia sẽ phải báo cáo cho từng quốc gia cả doanh thu lẫn khoản thuế phải đóng.
Quy định này được đưa ra là để ngăn chặn tình trạng các công ty lợi dụng các lỗ hổng về pháp lý hoặc chuyển tiền qua biên giới nhằm trốn thuế hoặc bớt tiền nộp thuế.
Ông Angel Gurria, Tổng Thư ký của OECD, cho biết thỏa thuận trên là nhằm đảm bảo các công ty trả đúng mức thuế họ phải nộp.
Việc báo cáo cho từng quốc gia sẽ có tác động tức thời tới việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về vấn đề thuế, tăng cường sự minh bạch trong hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia.
Theo ông Gurria, việc trao đổi thông tin sẽ được bắt đầu từ năm 2017 và thỏa thuận này sẽ giúp các cơ quan thuế có được một bức tranh chung về hoạt động của các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu.
Thỏa thuận có sự tham gia ký kết của Australia, Anh, Chile, Pháp, Nhật Bản, Luxembour, Mexico và Thụy Sỹ. Mặc dù Mỹ vẫn chưa tham gia ký vào thỏa thuận này, song OECD cho biết Washington sẽ tham gia trong tương lai gần.
Thỏa thuận chia sẻ thông tin cũng là một phần trong chương trình 15 điểm của OECD đã được các nhà lãnh đạo nhất trí tại Hội nghị G20 hồi tháng 11/2015 ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.
OECD tính toán rằng hàng năm chính phủ các nước đã thất thu 100-240 tỷ USD, tương đương 4-10% nguồn thu thuế toàn cầu, do hành vi trốn thuế của các "đại gia" xuyên quốc gia như Apple, Facebook và Amazon. Gần đây, Google đã chấp thuận trả 185 triệu USD tiền thuế cho Chính phủ nước Anh.