Fintech Việt dần đi vào “hơi thở” cuộc sống

Theo Nguyễn Dũng/sgtiepthi.vn

Thống kê của Viện Chiến lược Ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước) cho thấy dự kiến doanh thu từ các Fintech năm 2019 có thể đạt con số 9 tỉ đô la Mỹ, nhờ vào số lượng và giải pháp cung cấp từ các fintech ngày càng nhiều hơn.

Ngày nay, các ứng dụng công nghệ của sản phẩm tài chính đang dần đi vào cuộc sống người Việt như một “hơi thở” tự nhiên.
Ngày nay, các ứng dụng công nghệ của sản phẩm tài chính đang dần đi vào cuộc sống người Việt như một “hơi thở” tự nhiên.

Ngày nay, các ứng dụng công nghệ của sản phẩm tài chính đang dần đi vào cuộc sống người Việt như một “hơi thở” tự nhiên. Ra đường thì chúng ta dùng ứng dụng gọi xe, đến quán uống nước thì “quét” mã QR để trả tiền. Đa phần chúng ta ngày nay cũng đều thanh toán hóa đơn bằng những hình thức thanh toán mới. Nếu không trả tự động qua tài khoản ngân hàng, thì cũng có thể dùng thẻ tín dụng, hay các ví điện tử. Các dịch vụ công như học phí, viện phí, nộp thuế, hành chính công… đã được Chính phủ lên kế hoạch trong đề án không sử dụng tiền mặt để dần thay đổi thói quen của người dân.

Thanh toán mới chỉ là phần nổi

Fintech ngày càng phổ biến trên thị trường Việt nhờ vào nhiều ứng dụng năng động, góp phần làm thay đổi thói quen người dùng như Grab (Malaysia) hay ví điện tử nội địa MoMo.

Riêng về MoMo, báo cáo Fintech100 của KPMG và H2 Ventures mới đây cho biết tốc độ tăng trưởng người dùng và giá trị giao dịch của MoMo lên đến 15% mỗi tháng. Trong khi đó, tính đến đầu tháng 11 năm nay, MoMo có 13 triệu tài khoản trên cả hai hệ điều hành (iOS và Android), đủ cho thấy sự hấp dẫn của phương thức thanh toán mới mẻ.

Tuy nhiên, lĩnh vực thanh toán mới chỉ là phần nổi trong Fintech. Theo thống kê của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), năm 2016 mới chỉ có khoảng 40 công ty Fintech thì đến cuối tháng 6 vừa qua, số lượng đã lên đến hơn 150 công ty. Trong số này, lĩnh vực trung gian thanh toán chỉ chiếm khoảng 60,5%, còn lại là những fintech với mô hình khác như gọi vốn cộng đồng (10,5%), Bitcoin – Blockchain (7,89%), quản lý POS và mPOS (khoảng 5,26%).

Chẳng hạn, ngoài ví MoMo, một Fintech khác của Việt Nam là Finhay (ứng dụng quản lý tài sản) cũng lần đầu tiên có mặt trong danh sách 50 công ty mới nổi của Fintech100, theo báo cáo KPMG ở trên. Ứng dụng này cho phép người dùng góp tiền theo định kỳ, sau đó phân bổ vào nhiều loại tài sản khác nhau để sinh lời với kỳ vọng sẽ cao hơn là lãi suất tiết kiệm ngân hàng.

Nhiều ứng dụng năng động

Một ví dụ khác cho thấy Fintech sẽ dần đi vào cuộc sống vì nhu cầu hiện hữu cao của người Việt, đó là lĩnh vực cho vay ngang hàng, đang được kỳ vọng sẽ thay thế dần cho “tín dụng đen”. Theo ông Trần Đại Dương, Giám đốc Điều hành Interloan, nền tảng này đã kết nối hơn 1.000 khoản vay ứng lương của nhân viên (thuộc các công ty đối tác) và các nhà đầu tư. Theo đó, các nhà đầu tư cho vay qua nền tảng này sẽ nhận được khoản sinh lời lên đến 15%, cao hơn so với lãi suất tiết kiệm với số tiền đầu tư tối thiểu 1 triệu đồng. Còn người vay chịu lãi suất trong khoảng 16,5-19%, với các khoản vay lên đến 70 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng.

Bên cạnh đó, còn có những fintech khác “âm thầm” nhưng rất tiềm năng vì giải quyết được những bài toán khó của thị trường tài chính, chẳng hạn như Trusting Social. Thành lập từ năm 2013, hệ thống này sử dụng công nghệ khoa học dữ liệu và trí tuệ nhận nhân tạo để đánh giá điểm tín dụng cá nhân.

Trên thực tế, Trusting Social và Interloan mới đây đã vượt qua hơn 208 hồ sơ dự tuyển từ 28 công ty quốc gia, lần lượt xếp giải nhất và giải ba trong nhóm các công ty Fintech đã phát triển giải pháp và cung ứng sản phẩm ra thị trường (Mature Fintech company), trong cuộc thi Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam 2019 (Fintech Challenge Vietnam – FCV 2019) do Ngân hàng Nhà nước tổ chức.

Cơ hội mới từ sự hợp tác với ngân hàng

Nhìn chung, các fintech sẽ cung cấp những giải pháp công nghệ từ hoạt động thanh toán, cho vay, cho đến chấm điểm tín nhiệm nhưng họ cũng sẽ bắt tay với ngân hàng để tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho người dùng. Khảo sát của Viện chiến lược Ngân hàng cho biết có tới 72% số công ty fintech nói sẽ hợp tác với ngân hàng. Tương tự, có đến 84% số nhà lãnh đạo nhà băng cho biết sẽ lựa chọn hợp tác với fintech để triển khai kênh tiếp cận hiện đại đến khách hàng.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước), dữ liệu “màu mỡ” của các tổ chức tín dụng (gồm bốn Ngân hàng Thương mại Nhà nước, 28 ngân hàng thương mại cổ phần, 1.183 Quỹ tín dụng nhân dân, bốn tổ chức vi mô) sẽ là cơ sở dữ liệu khách hàng lớn đối với fintech. “Fintech thúc đẩy diện mạo mới của các ngân hàng Việt Nam trong phát triển mô hình ngân hàng số, gia tăng kênh tiếp cận tài chính cho người dân bằng công nghệ số”, ông Hòe nhận định.

Lý do có sự tăng tốc dịch vụ tài chính công nghệ số ở Việt Nam là nhờ số lượng người dùng thuê bao di động và Internet. Theo đó, trong tổng số 143,3 triệu hồ sơ thuê bao của người Việt, có tới 45% số hồ sơ đăng ký dữ liệu 3G và 4G. Thống kê cũng cho thấy có đến 2,7 tỉ lượt tải ứng dụng và chi ra khoảng trên 161 triệu đô la trong năm để sử dụng.

Thêm nữa, riêng về mảng công nghệ, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể tự hào về chất lượng nguồn nhân lực không thua kém nước ngoài. Đồng thời, một điểm may mắn là vì đi sau các nước khác, nên các công nghệ mới trên thế giới đều có thể đưa về áp dụng và có mặt tại Việt Nam.

Vì vậy, thị trường giải pháp các công nghệ tài chính sẽ còn đặc biệt hấp dẫn ở Việt Nam khi dòng vốn và công nghệ ngoại đổ vào nhiều hơn, nhân lực và tài năng người Việt không kém cạnh với thế giới, và trên hết là thị trường được đánh giá là cực kỳ “màu mỡ”.