FTA Việt Nam - EU: Đôi bên đều trông ngóng
(Tài chính) Nhìn nhận về Thông tư số 119 của Bộ Tài chính trong việc giúp các doanh nghiệp giảm được 201,5 giờ tính và khai thuế (có hiệu lực từ 1/9/2014), bà Nicola Connolly - Chủ tịch EuroCham cho rằng: “Thông tư này là một nỗ lực để cải thiện về thủ tục thuế cho doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu hoan nghênh quyết định này và bất kỳ nỗ lực nào khác trong tương lai để đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục thu thuế”.
Bà Nicola Connolly cũng nêu một số ý kiến tâm huyết trong khi trao đổi với phóng viên về hiệp định FTA Việt Nam - EU và công tác chuẩn bị của các doanh nghiệp 2 bên.
Bà Nicola Connolly
Bà Nicola Connolly: Chúng tôi không có nhiều thông tin mới để chia sẻ, bởi các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, như nhiều người đã nói, cuối năm nay có thể là thời điểm “đẹp” để đạt được các thỏa thuận cuối cùng và chúng ta đều mong chờ điều này. Một cơ sở để chúng ta tin vào khả năng trên là chuyến thăm Việt Nam mới đây của Chủ tịch Ủy ban châu Âu - ông Barroso vào ngày 25-26/8 vừa qua. Trong đó, ngài Barroso có đề cập rất nhiều đến Hiệp định FTA này.
Từ triển vọng FTA tới đây, dự cảm của bà về chỉ số “Niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam – BCI” quý III/2014 sẽ thế nào?
Hiện chúng tôi đang tiến hành thu thập các dữ liệu khảo sát cho BCI quý III và chúng tôi cũng đang rất tò mò như bất cứ ai muốn biết về triển vọng kinh tế mà các thành viên EuroCham cảm nhận trong quý này sẽ thế nào. Vì FTA là một chủ đề “nóng” lúc này, nên trong khảo sát quý III EuroCham đặt nhiều câu hỏi cụ thể để các đối tượng tham gia khảo sát cho biết quan điểm của mình. Chúng tôi kỳ vọng, kết quả khảo sát lần này sẽ cho thấy được những góc nhìn sâu, những kỳ vọng cụ thể của các thành viên liên quan đến FTA này.Nhìn chung tôi cho rằng, niềm tin về những lợi ích sẽ mang lại của một FTA mạnh mẽ và sắp thành hiện thực sẽ có những tác động tới BCI quý III cũng như trong những quý tiếp theo. Tất nhiên, nó cũng còn phụ thuộc vào các nội dung cuối cùng của FTA này như thế nào nữa.
Trên góc độ chuỗi sản xuất toàn cầu, bà nhìn nhận thế nào về khả năng doanh nghiệp 2 bên có thể và nên làm gì để hợp tác, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, đặc biệt khi FTA có hiệu lực?
FTA Việt Nam - EU được thiết kế nhằm giải quyết các vấn đề như các rào cản thuế quan và phi thuế quan; vấn đề về pháp lý, dịch vụ, mua sắm công, quyền sở hữu trí tuệ và phát triển bền vững. Việc thông qua FTA sẽ gửi một tín hiệu tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp EU, rằng họ sẽ được chào đón. Đây cũng sẽ là một trong những hiệp định và sự kiện mà các doanh nghiệp Việt Nam muốn tận dụng.
Vì chúng ta chưa biết các nội dung chi tiết và cuối cùng của hiệp định là gì nên cũng chưa thể nói trước mỗi doanh nghiệp, mỗi lĩnh vực cần chuẩn bị gì cho FTA này. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi có thể nói ở đây là, chúng ta đều muốn có hiệp định này và chúng ta đều tin tưởng mạnh mẽ rằng, FTA này sẽ mang lại lợi ích cho cả các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam.
Khi FTA có hiệu lực, lợi thế cạnh tranh Việt Nam sẽ không còn chỉ là giá cả, mà phải cả chất lượng. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu vào các nước thành viên EU chắc chắn sẽ tăng. Vậy thì các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu cần xem xét lại các chiến lược phù hợp để kịp thời thích ứng với những thay đổi đó. Đấy chính là điều mà các doanh nghiệp 2 bên có thể hợp tác và bổ sung cho nhau.
Còn về ví dụ cụ thể, điều có thể nói là tiêu chuẩn chất lượng và an toàn sẽ khuyến khích chuyển giao công nghệ và kỹ năng. FTA cũng có khả năng tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân Việt Nam. Vậy thì chúng tôi kỳ vọng tới đây sẽ có thêm nhiều hơn nữa các doanh nghiệp châu Âu như Piaggio hay Robert Bosch – những doanh nghiệp đều đã triển khai các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam và xuất khẩu đi từ thị trường này - sẽ xuất hiện tại Việt Nam.
Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của Việt Nam theo đánh giá của EuroCham
|
Một sự gia tăng trong xuất khẩu nông sản từ EU sang các thị trường khác, bao gồm cả Việt Nam không phải là không thể, nhưng sẽ phụ thuộc vào vô số các yếu tố, như giá cả, các quy định pháp lý và nhu cầu thị trường. Bởi thế, chúng ta có thể chứng kiến sự gia tăng nhập khẩu từ EU hoặc cũng có thể không.
Chúng ta cũng nên nhớ thương mại luôn mang tính 2 chiều. Nếu FTA giúp thiết lập nên một hệ thống toàn diện về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thông qua một quy định khung ổn định thì nó cũng tạo ra tiềm năng lớn cho xuất khẩu thực phẩm từ Việt Nam sang châu Âu.
Nhu cầu và quy mô của thị trường Việt Nam chắc chắn đủ hấp dẫn cho các doanh nghiệp châu Âu. Riêng EuroCham chúng tôi đã quy tụ hơn 800 các doanh nghiệp châu Âu. Đấy chính là một minh chứng cho sự quan tâm của chúng tôi tại thị trường Việt Nam. Thương mại hiện nay giữa các thị trường 2 bên đã có tiềm năng lớn và khi FTA giúp giải quyết các khó khăn thì thị trường Việt Nam sẽ càng hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp FDI cũng như giúp gia tăng xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước thành viên EU.
Xin cảm ơn bà!