G20 "bật đèn xanh" cho đề xuất thuế doanh nghiệp toàn cầu

Theo Trần Võ/nhadautu.vn/CNBC

Theo thỏa thuận này, các công ty đa quốc gia có thể bị buộc phải trả mức thuế tối thiểu là 15% ở bất cứ nơi nào họ hoạt động, thay vì chỉ đóng thuế tại các quốc gia nơi họ đặt trụ sở chính.

  Ảnh: CGTN.
Ảnh: CGTN.

Các Bộ trưởng Tài chính từ nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) đã nối lại cuộc thảo luận tại Venice vào ngày 10/7 để "bật đèn xanh" cho một thỏa thuận lịch sử nhằm đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia một cách công bằng hơn.

Trong cuộc họp tại Venice, Ý, các Bộ trưởng Tài chính của G20 đã thống nhất "bật đèn xanh" về thỏa thuận đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia.

Thỏa thuận thuế được coi là sáng kiến ​​chính sách mới lớn nhất xuất hiện từ các cuộc đàm phán của họ. Đề xuất này sẽ được bàn luận lần cuối tại hội nghị thượng đỉnh G20 (tháng 10/2021) ở Rome.

Thỏa thuận này sẽ thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15% để ngăn chặn các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có thuế suất rất thấp hoặc có các ưu đãi khác. Nó cũng sẽ thay đổi cách thức đánh thuế các công ty đa quốc gia có lợi nhuận cao như Amazon và Google, dựa một phần vào nơi họ bán sản phẩm và dịch vụ, thay vì vị trí đặt trụ sở chính của họ.

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz xác nhận với các phóng viên rằng tất cả các nền kinh tế G20 đều sẽ tham gia hiệp định, trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết một số nước nhỏ hơn vẫn phản đối điều này, chẳng hạn như Ireland và Hungary.

"Chúng tôi sẽ cố gắng làm điều đó, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng thoả thuận này không cần sự chấp thuận và tham gia của tất cả quốc gia. Nó cũng bao gồm cơ chế thực thi có thể được sử dụng để đảm bảo rằng các quốc gia khác không thể phá hoại - sử dụng các thiên đường thuế để làm suy yếu hoạt động của thỏa thuận toàn cầu này", bà Yellen nói.

Các thành viên G20 hiện chiếm hơn 80% tổng sản phẩm quốc nội thế giới, 75% thương mại toàn cầu và 60% dân số, bao gồm các ông lớn như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức và Ấn Độ.

Ngoài các quốc gia đang phản đối trong EU như Ireland, Estonia và Hungary, các quốc gia khác cũng đang chưa đồng ý tham gia bao gồm Kenya, Nigeria, Sri Lanka, Barbados và St. Vincent và Grenadines.

Trong số các điểm mấu chốt khác, một cuộc đấu tranh tại Quốc hội Mỹ về kế hoạch tăng thuế của Tổng thống Joe Biden đối với các tập đoàn lớn và giới nhà giàu cũng có thể gây ra vấn đề, hay một kế hoạch riêng của EU về thuế kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ.

Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết kế hoạch của EU không phù hợp với thỏa thuận toàn cầu, ngay cả khi mức thuế này chủ yếu nhắm vào các công ty châu Âu. Khi G7 đồng ý với một mức thuế doanh nghiệp toàn cầu vào tháng trước, họ cũng đã quyết định rằng thuế đối với các dịch vụ kỹ thuật số sẽ được loại bỏ để tránh đánh thuế hai lần.