Ngành dệt may Việt Nam hướng tới sản xuất “xanh”
Thị trường dệt may quốc tế, đặc biệt là thị trường châu Âu đã áp dụng những tiêu chuẩn cho hàng dệt may nhập khẩu, buộc các nhà sản xuất Việt Nam phải thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp dệt may đang hướng tới quy trình sản xuất “xanh” do nhận thức của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm ngày càng tăng.
Để xuất khẩu sang EU, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn sản phẩm, tác động đến con người và môi trường trong chuỗi cung ứng của họ. Điều này đã buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải hành động và thích nghi.
Thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất "xanh" của ngành Dệt may
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 18,6 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân do sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu và gia tăng lạm phát giữa các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, sự suy giảm này đã phần nào tạo ra sự thay đổi đối với ngành Dệt may.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết, các doanh nghiệp đã thay đổi nhanh chóng để thích ứng với sự chuyển đổi từ sản xuất chuyên môn hóa cao, sang sản xuất các mặt hàng nhỏ, cạnh tranh. Các doanh nghiệp đã tổ chức lại dây chuyền sản xuất, công nghệ sử dụng và mô hình kinh doanh.
Sản xuất "xanh" đang trở nên quan trọng bên cạnh nhu cầu ngày càng tăng đối với hàng hóa bền và lâu dài. Một số thị trường xuất khẩu quan trọng của hàng dệt may Việt Nam, bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có luật điều chỉnh các hoạt động sản xuất có trách nhiệm với môi trường. Hơn nữa, các tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng sản phẩm được đưa vào nhiều hiệp định thương mại Việt Nam tham gia.
Tất cả những điều này đang thúc đẩy Việt Nam hướng tới sản xuất dệt may thân thiện với môi trường hơn.
Xu hướng sản xuất xanh tại Việt Nam
Tái chế
Với dự báo nhu cầu về vải tái chế của EU trong tương lai gần sẽ đạt 4.000 tấn, Tập đoàn Hansae (Hàn Quốc) và Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) gần đây đã hợp tác sản xuất hàng dệt may tái chế tại Việt Nam. Hai bên đề xuất xử lý xơ tái chế thành sợi và vải và các mặt hàng tái chế do nhà máy Hanosimex sản xuất sẽ được xuất khẩu. Bên cạnh đó, để đảm bảo vải đáp ứng các yêu cầu của khách hàng về quy trình sản xuất và hàm lượng tái chế, các công ty thường đạt được các chứng nhận, chẳng hạn như Tiêu chuẩn tái chế toàn cầu (GRS) hoặc Tiêu chuẩn yêu cầu tái chế (RCS). Điều này mang lại sự minh bạch và độ tin cậy cho các sản phẩm vải tái chế.
Năng lượng tái tạo
Ngành công nghiệp dệt sử dụng nhiều năng lượng, trong đó, năng lượng mặt trời là một lựa chọn sạch và tiết kiệm chi phí, giảm lượng khí thải carbon. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Việt Nam nằm trong top đầu về công suất điện mặt trời, chiếm trên 2% tổng công suất năng lượng mặt trời được lắp đặt trên thế giới.
Mới đây, Nhà máy May mặc Spectre có 100% vốn Đan Mạch đã được hoàn thành tại tỉnh An Giang với chi phí 17 triệu USD. Nhà máy tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về môi trường và được trao Chứng nhận vàng LEED về thiết kế xuất sắc trong quản lý năng lượng, môi trường. Khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ cắt giảm lượng khí thải khoảng 1.600 tấn CO2 hàng năm vì sử dụng một phần năng lượng mặt trời trong sản xuất.
Xử lý nước thải
Ngành Dệt may thường sử dụng một lượng lớn nước và hóa chất trong quá trình sản xuất, tạo ra nước thải có chứa chất ô nhiễm từ thuốc nhuộm và chất phụ gia. Tuy nhiên, chúng có thể được loại bỏ bằng cách sử dụng công nghệ và kỹ thuật phù hợp như sử dụng các tác nhân hóa học để trung hòa hoặc oxy hóa các hợp chất độc hại trong nước thải hoặc sử dụng vi sinh vật để phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải. Các quy trình này ngày càng trở nên phổ biến trong sản xuất hàng may mặc tại Việt Nam.
Tìm nguồn cung ứng nguyên liệu xanh
Đối với ngành Dệt may, việc tìm được nguồn nguyên liệu xanh luôn rất cần thiết để bảo vệ môi trường, giảm sử dụng hóa chất và bảo tồn tài nguyên. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã sử dụng nguyên liệu xanh trong sản xuất. Một số công ty đã thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh doanh của riêng mình để sản xuất ra các sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường.
Một số nhà cung cấp nguyên liệu, chẳng hạn như Faslink, đang đầu tư mạnh vào R&D và giới thiệu nhiều loại hàng dệt xanh làm từ hoa sen, cà phê, bạc hà và tre. Những loại vải này thường có thể có tác động môi trường thấp hơn nhiều so với hàng dệt truyền thống.
Chứng nhận
Các công ty dệt may cần một số chứng nhận nhằm đảm bảo với khách hàng sản phẩm của họ thân thiện với môi trường. Danh sách các chứng nhận rất phong phú, nhưng có hai chứng nhận chính thường được áp dụng là Bluesign và Nordic Swan.
Các quy định và tiêu chuẩn của Bluesign thúc đẩy sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường và an toàn bằng cách hỗ trợ loại bỏ các hợp chất nguy hiểm. Hệ thống tập trung vào việc quản lý các luồng đầu vào, bao gồm hóa chất, vật liệu và quy trình để giảm thiểu tác động của chúng đối với môi trường, người lao động và người tiêu dùng.
Nordic Swan lại có một số yêu cầu rất nghiêm ngặt đối với các nhà sản xuất dệt may như:
- Được thiết kế để tái chế: Để đảm bảo hàng dệt may được thiết kế để tái chế, có những yêu cầu nghiêm ngặt về các hóa chất không mong muốn cũng như nghiêm cấm sử dụng các bộ phận bằng nhựa và kim loại cho mục đích trang trí;
- Không đốt sản phẩm không tiêu thụ được: Để tránh sản xuất thừa, cấm đốt hoặc chôn sản phẩm không bán được;
- Yêu cầu ghi nhãn đối với sợi tự nhiên và sợi tổng hợp: Sợi dệt phải là sợi hữu cơ, tái chế hoặc là sản phẩm sinh học. Ngoài ra, bông được sử dụng trong quần áo không được làm từ các sản phẩm biến đổi gen và phải là 100% hữu cơ hoặc tái chế.
Triển vọng sản xuất dệt may xanh tại Việt Nam
Ngành dệt may là một trong những trụ cột của quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam, nhưng đang phải đối mặt với một số thách thức khi nền kinh tế toàn cầu trải qua suy thoái và người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm thay thế bền vững. Mặc dù có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận trong ngắn hạn, nhưng việc chuyển hướng sang sản xuất thân thiện với môi trường hơn sẽ vừa đáp ứng các yêu cầu quản lý của thị trường xuất khẩu, vừa tăng cường khả năng hành động vì khí hậu của Việt Nam.