“Găm” vốn khủng tại các dự án BOT: Ngân hàng phải “vạ” thanh khoản?
Từ đầu năm 2016 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp ban hành các văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát rủi ro đối với cho vay BOT giao thông. Những cảnh báo dồn dập từ phía Ngân hàng Nhà nước là tín hiệu cho thấy thị trường đang chứa đựng những rủi ro rất lớn.
Cho vay BOT giao thông tăng mạnh
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ năm 2014 đến nay, cam kết cấp tín dụng, dự nợ tín dụng của các ngân hàng đối với các dự án BOT có mức tăng trưởng cao.
Tính đến ngày 30/6, tổng mức cam kết cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại với các dự án BOT, BT giao thông là 159.200 tỷ đồng, tổng số dư cấp tín dụng là hơn 83.600 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cuối năm 2015.
Chỉ tính riêng 3 ngân hàng là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã có tổng hạn mức cấp tín dụng chiếm gần 86%, dư nợ chiếm 85% so với toàn ngành.
Báo cáo của các tổ chức tín dụng cho thấy, trong tổng số 150 dự án BOT, BT giao thông ngân hàng tài trợ vốn, hiện nay có 22 dự án bị chậm tiến độ (với tổng hạn mức cấp tín dụng là 20.347 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là 11.122,6 tỷ đồng).
Thực tế, việc tăng trưởng nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư nhưng vẫn còn điều khó khăn, vướng mắc và rủi ro tiềm ẩn.
Đại diện NHNN cho biết, các dự án BOT hiện nay nhiều dự án bị chậm tiến độ do năng lực thi công của nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Bên cạnh đó, nhiều dự án trong quá trình thực hiện bị tăng tổng mức đầu tư, làm ảnh hưởng đến hiệu quả dự án và dòng vốn của ngân hàng.
Tiềm ẩn rủi ro thanh khoản?
Theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ ngân hàng mạnh tay rót vốn như vậy là do trong các năm qua, các dự án BOT được xem như “con gà đẻ trứng vàng”. Với mức phí cao, thời gian thu phí kéo dài, đầu tư một dự án BOT giao thông có thể mang về lợi nhuận siêu khủng.
Nhưng điều đáng lo ngại là có khá nhiều ngân hàng rót vốn cho cả những doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính. Giả sử chỉ một vài dự án BOT đổ vỡ sẽ kéo theo sự rủi ro cho những khoản tín dụng nghìn tỷ, không loại trừ cả nguy cơ ngân hàng bị lao đao.
Đặc điểm của các dự án thuộc lĩnh vực giao thông thường có tổng mức đầu tư rất lớn, có nhu cầu nguồn vốn dài hạn và thời gian thu vốn dài (khoảng 20-25 năm), trong khi nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.
“Việc cho vay với lượng vốn lớn, dài hạn sẽ khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối nguồn vốn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản. Tài sản bảo đảm cho dự án BOT, BT chủ yếu tài sản hình thành từ vốn vay nên rất khó định giá, tiềm ẩn rủi ro cao nếu lưu lượng xe, doanh thu không đạt như dự kiến, gây nhiều khó khăn cho tổ chức tín dụng trong việc thu hồi vốn và xử lý tài sản đảm bảo” – Ngân hàng Nhà nước phân tích cụ thể trong một cuộc hội thảo gần đây.
Vậy, khi cho vay các dự án hạ tầng giao thông, các ngân hàng sẽ phải đối mặt những rủi ro nào?
Thứ nhất, là sự sai lệch cơ cấu kỳ hạn. Bởi vì, các ngân hàng thương mại chủ yếu là huy động ngắn hạn, nhưng cho vay các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, ngoài vốn lớn thì thời hạn cho vay rất dài.
Thông thường thời gian vay ngắn nhất là khoảng 15-18 năm và dài nhất là 25-30 năm. Không những vậy, dòng tiền thu được từ khoản đầu tư này qua phí, lệ phí phải mất một thời gian, có thể lên tới 5-7 năm chủ đầu tư mới có dòng tiền trả nợ. Nếu không đánh giá, nghiên cứu, giám sát tốt dự án thì các ngân hàng có thể gặp rủi ro về thanh khoản.
Thứ hai, khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác cũng dựa rất nhiều vào vốn ngân hàng. Vì vậy, nếu các ngân hàng không cân đối tốt mà lại tập trung quá mức vào lĩnh vực cho vay này có thể hạn chế dòng tín dụng của ngân hàng thương mại vào khu vực sản xuất, kinh doanh khác đang rất cần vốn như doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp nông thôn…
Thứ ba, nếu dự án triển khai không hiệu quả do năng lực nhà thầu yếu, quản lý vận hành không tốt… các ngân hàng sẽ có nguy cơ đối mặt với việc nợ xấu gia tăng.
“Nắn” dòng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2016 – 2020, mỗi năm cần từ 16 – 17 tỷ USD cho phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó vốn nhà nước chỉ đáp ứng 50%. Như vậy, cần một nguồn lực rất lớn từ khu vực ngoài nhà nước vào lĩnh vực này.
Trong lĩnh vực giao thông, PPP nói chung, BOT nói riêng được xác định là hình thức quan trọng để thu hút vốn tư nhân. Vốn tín dụng sẽ vẫn là nguồn vốn quan trọng để hiện thực hóa những dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức BOT tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, liệu các tổ chức tín dụng trong nước có thể tiếp tục đổ lượng vốn khổng lồ vào các dự án BOT giao thông nữa hay không, nhất là khi nhiều dự án còn chậm tiến độ, năng lực kém? Nhưng để thu hút được giới đầu tư nước ngoài rót tiền vào các dự án BOT giao thông tại Việt Nam rất cần những dự án có chất lượng và một cơ chế thực hiện minh bạch.
Ngoài hướng đến vốn tín dụng nước ngoài, Việt Nam cần phát triển đa dạng các kênh huy động vốn dài hạn và chuyên biệt phục vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn của các tổ chức tín dụng.
Trong đó, cần tập trung phát triển các quỹ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và từng bước phát triển thị trường trái phiếu bổ sung vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông….
Về phía ngân hàng, khi cho vay các dự án này có thể phải chịu cả rủi ro từ chủ đầu tư, cộng thêm rủi ro nội tại của mình. Để quản trị rủi ro tốt, các ngân hàng phải chọn lọc chủ đầu tư, chọn dự án có khả năng thu hồi vốn tốt và ngân hàng có thể giám sát tiến độ dự án đó.
“Vì vậy, các tổ chức tín dụng cần theo dõi chặt chẽ để nắm bắt việc thay đổi chính sách thu phí các dự án BOT của Chính phủ và các bộ có liên quan, đánh giá lại hiệu quả các dự án BOT khi mức phí thay đổi để có biện pháp quản lý rủi ro và tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn thu phí để thu nợ kịp thời, đầy đủ, đúng hạn” – Ngân hàng Nhà nước lưu ý.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông và có chỉ đạo kịp thời đối với các tổ chức tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro. Song song với đó, thời gian tới các ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng định hướng và các biện pháp kiểm soát tín dụng theo chỉ đạo của ngân hàng Nhà nước.
Đáp ứng nhu cầu vốn hợp lý cho phát triển kinh tế; ưu tiên tập trung vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động và những dự án, phương án có hiệu quả.
Đồng thời, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân duy trì phát triển sản xuất – kinh doanh.