Thu hút vốn ngoại cho các dự án BOT và BT

Theo thoibaonganhang.vn

Giải pháp bền vững để hạn chế rủi ro tín dụng trong nước cho các dự án BOT, BT giai đoạn tới là làm sao có được những dự án BOT thực sự có chất lượng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó có thêm nguồn tín dụng mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một điều không thể phủ nhận là tín dụng ngân hàng đóng góp không nhỏ vào sự thay đổi hạ tầng giao thông Việt Nam. Thay đổi này đã có tác động rất tích cực đến phát triển kinh tế, kết nối các vùng kinh tế, thúc đẩy giao thương, du lịch...

Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2011-2015, với các dự án BOT, BT, thì nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ và vốn vay ưu đãi chỉ cân đối được khoảng 37% nhu cầu. Để có đủ vốn đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã đẩy mạnh hình thức xã hội hóa đầu tư, thu hút vốn đầu tư tư nhân.

Thống kê của Bộ Giao thông vận tải, tính chung các dự án đã vận hành và đang đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011 - 2015, các ngân hàng đã cho vay tổng số 171.520 tỷ đồng, chiếm trên 87% phần vốn của các dự án này.

Như vậy có thể nói, ngân hàng đã đầu tư không nhỏ vào các dự án giao thông BOT, BT và đã phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, trước hết là về mặt pháp lý. Chẳng hạn như các thay đổi chính sách, như trước đây cho phép thu phí BOT, nhưng sau thì không; hay trước cho tăng phí, nhưng sau không cho tăng mà còn có thể giảm…

Bên cạnh đó, còn là rủi ro về năng lực của chủ đầu tư, không có vốn đối ứng; rủi ro về chi phí thực tế thường cao hơn dự toán (thường đến trên 50%); hay rủi ro về giải phóng mặt bằng chậm tiến độ, mất cân đối kỳ hạn…

Để đảm bảo an toàn cho hoạt động của các ngân hàng thương mại, ngân hàng Nhà nước đã liên tục cảnh báo các tổ chức tín dụng phải thận trọng khi đầu tư vào lĩnh vực này; thẩm định chặt chẽ các dự án BOT, BT khi cho vay; lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn cao, các dự án thực hiện tốt các quy định của pháp luật về đấu thầu; theo dõi chặt chẽ sự thay đổi chính sách thu phí các dự án BOT để có biện pháp thu hồi vốn kịp thời.

Một thực tế đặt ra là tính bền vững của tín dụng chỉ được bảo đảm khi xác định rõ được giới hạn và chất lượng đầu tư, nhất là các dự án BOT, BT trong lĩnh vực giao thông, bởi nếu đầu tư quá mức, các ngân hàng thương mại sẽ khó kiểm soát được rủi ro. Vì vậy trong giai đoạn tiếp theo, mặc dù vẫn cần một nguồn vốn rất lớn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, song nếu vẫn huy động vốn tín dụng như giai đoạn trước, thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn hệ thống ngân hàng.

Có lẽ, giải pháp bền vững để hạn chế rủi ro tín dụng trong nước cho các dự án BOT, BT giai đoạn tới, là làm sao có được những dự án BOT thực sự có chất lượng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó có thêm nguồn tín dụng mới.