Gần 7.000 tỉ đồng “chảy” về bảo hiểm tiền gửi năm 2018
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTG), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh vai trò củng cố niềm tin của người gửi tiền và tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém của tổ chức này.
Vai trò là tổ chức tài chính nhà nước
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Văn Long, Phó tổng giám đốc BHTG Việt Nam đã trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Theo đó, năm 2018, tổng số phí BHTG thu được là 6.628 tỉ đồng, đạt 100,7% kế hoạch; số tiền đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi là 12.291 tỉ đồng, đạt 102,3% kế hoạch; doanh thu từ hoạt động đầu tư năm 2018 là 2.583 tỉ đồng, đạt 101,7% kế hoạch.
Tổng doanh thu đạt 2.595 tỉ đồng, bằng 101,7% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 121,7 tỉ đồng, bằng 127,5 kế hoạch; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 2,08%, tăng 0,49% so với kế hoạch; không phát sinh nợ phải trả quá hạn, khả năng thanh toán quá hạn năm 2018.
Hoàn thành kiểm tra tại chỗ 354 tổ chức tham gia BHTG gồm 25 ngân hàng, 329 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) , đạt 100,6% kế hoạch đề ra. Trong đó, kiểm tra đột xuất 02 đơn vị ngoài kế hoạch theo yêu cầu thực tế phát sinh;
Thực hiện kịp thời việc giám sát, theo dõi, kiểm tra các QTDND có vấn đề, chủ động chuẩn bị các phương án chi trả khi phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm.
Đánh giá về hoạt động BHTG năm 2018, ông Đào MinhTú cho biết, với vai trò là tổ chức tài chính nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, trong năm 2018, BHTGVN đã góp phần quan trọng duy trì sự ổn định, an toàn và thúc đẩy quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là đối với hệ thống QTDND khi hệ thống này đang bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế tại nhiều địa phương.
BHTG tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém
Một số hoạt động cụ thể của BHTG năm 2018 được NHNN đánh giá cao như: Nâng cao vai trò, vị thế và trách nhiệm của tổ chức BHTG đối với quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD tại Việt Nam theo quy định mới. BHTGVN đã ban hành Quy chế cho vay đặc biệt và Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm để áp dụng đối với tất cả các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, minh bạch khi tham gia cơ cấu lại các TCTD; Thực hiện tốt vai trò giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và tham gia xử lý các QTDND yếu kém.
Năm 2019 với ngành ngân hàng, nhiệm vụ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, đặc biệt là hệ thống QTDND còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng nói chung và của BHTG từ nay đến năm 2020 còn rất nặng nề.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú
Phó Thống đốc đề nghị, BHTGVN nỗ lực thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, góp phần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD với một số nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, tích cực đề xuất, tham mưu với các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BHTG, đặc biệt là các quy định hướng dẫn luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật các TCTD về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, mua trái phiếu của ngân hàng hỗ trợ, tham gia thẩm định đề án phục hồi TCTD yếu kém, tăng vốn điều lệ...
Hai là, tích cực tham gia vào quá trình cơ cấu lại xử lý các TCTD nói chung và hệ thống QTDND nói riêng theo đúng tinh thần chỉ đạo của NHNN: Tăng cường vai trò của BHTGVN trong việc xử lý, tham gia hỗ trợ các QTDND yếu kém được đặt vào kiểm soát đặc biệt; Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách BHTG nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và thành viên của QTDND ; Phát huy vai trò giám sát, cảnh báo an toàn hệ thống đối với hệ thống QTDND, nhất là an toàn về tiền gửi và cho vay.
Hoàn thành quá trình tổng kết thi hành Luật BHTG để nghiên cứu, để xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG phù hợp với tình hình mới nhằm tham gia có hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD và tiến gần hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.