Gần Tết, một số ngân hàng được nới room tín dụng
Mới đây, một số ngân hàng có nhu cầu tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên đã được Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng tín dụng, nới trần (room) cho vay.
Còn chưa đầy một tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2018, tuy nhiên mùa cao điểm trong hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng sẽ kéo dài đến sát Tết Nguyên đán, nghĩa là còn khoảng hơn một tháng nữa. Trước tình trạng room tín dụng của nhiều ngân hàng đã cạn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã linh hoạt nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay cho một số đơn vị.
Nhà băng muốn thêm room
Ngay từ đầu năm, trước biểu hiện áp lực lạm phát, NHNN đã chủ động kiểm soát hạn mức tăng trưởng tín dụng, với các chỉ tiêu giao cụ thể cho từng thành viên ở mức thấp, khoảng 14-16%.
Tuy nhiên, cuối năm là thời điểm kinh doanh vốn sôi động của ngành ngân hàng, nhất là hai tháng trước Tết Nguyên đán, nhiều nhà băng đã đưa ra những gói tín dụng ưu đãi lãi suất tập trung chủ yếu vào 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên.
Chẳng hạn, PVcomBank tung ra gói "Sẵn vốn ngay" dành cho khối doanh nghiệp nhỏ và các hộ tiểu thương, với cơ chế vô cùng linh hoạt cùng nhiều ưu đãi phù hợp như: Thời gian phê duyệt và giải ngân chỉ trong vòng 24 giờ, lãi suất ưu đãi 7,99%/ năm, không cần có giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế khi vay không quá 1 tỷ đồng… Hay "Gói vay tiếp sức – Đồng hành cùng doanh nghiệp SME" gồm 5 sản phẩm: PV Ready, PV Car, PV Support, PV Flux, PV Fix cho phép doanh nghiệp lựa chọn hình thức vay phù hợp nhất với đặc thù kinh doanh và nhu cầu hiện hữu.
"Đây là lý do khiến ngân hàng nào cũng muốn xin thêm chỉ tiêu tín dụng để cho vay", lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết.
Sau khi Techcombank được phê duyệt tăng trưởng tín dụng lên 20% vào thời điểm cuối tháng 10, thông tin từ Báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Bản Việt (BVSC) cho biết, một số ngân hàng mới đây đã được nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, MB đã được NHNN nới room tín dụng từ 15% lên 17%. Trong khi đó, một số ngân hàng khác cũng đang chờ cái "gật đầu" của cơ quan quản lý như trường hợp của HDBank đã nộp đơn xin điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng lên 22% vào cuối năm nay do đang trong quá trình hoàn tất sáp nhập PGBank nên cần có thêm chỉ tiêu.
Báo cáo tài chính của ngân hàng mẹ HDBank trong quý III cho thấy, dư nợ cho vay chỉ tăng 0,4% so với quý trước vì tăng trưởng tín dụng đã chạm mức trần được giao.
Một lãnh đạo cao cấp chi nhánh VPBank cho biết vừa qua, ngân hàng đã thực hiện điều chỉnh lại một số cân đối trong hoạt động, theo định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống là 17% thay vì 15% được NHNN giao hồi đầu năm. Phần tín dụng được tăng thêm tương ứng khoảng 3.000 tỷ đồng.
Dư địa tăng tín dụng vẫn còn
Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, room tín dụng còn lại của năm 2018 không còn nhiều, nhiều nhà băng đang ngóng room tín dụng mới của năm 2019 để đẩy mạnh giải ngân vốn, đáp ứng cầu khách hàng trong dịp cao điểm.
Trước kiến nghị nới room của một số ngân hàng, đại diện NHNN cho biết từ giữa năm, NHNN có chủ trương sẽ không nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, ngoại trừ một số trường hợp được linh hoạt xem xét theo hướng có tham gia tái cơ cấu ngành, có nâng cao vốn điều lệ và kiểm soát tốt nợ xấu…
Tuy nhiên, dư địa để tăng tín dụng hiện vẫn còn, nên một số ngân hàng có nhu cầu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp nông thôn đã được NHNN xem xét. Từng trường hợp ngân hàng muốn tăng chỉ tiêu tín dụng sẽ được cơ quan quản lý cân nhắc để phù hợp thực tế nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, thị trường.
Trước động thái nới room của NHNN, các chuyên gia BVSC đánh giá, một phần nguyên nhân do áp lực về lạm phát đã giảm bớt và giá dầu thời gian qua liên tục giảm nên đã giảm bớt áp lực lạm phát, giúp NHNN có thể ra thêm quyết định nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng.
"Rõ ràng, đây là một cơ hội để cải thiện kết quả kinh doanh của nhóm ngành ngân hàng. Về mặt vĩ mô sẽ giảm bớt áp lực về thanh khoản và lãi suất bị đẩy lên cao như hiện nay", nhóm nghiên cứu BVSC đánh giá.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng chỉ các ngân hàng hoạt động lành mạnh, tỷ lệ nợ xấu thấp, lợi nhuận cao, có mạng lưới mở rộng, có khả năng tài chính, không có sai phạm trong quá khứ thì mới có cơ hội được NHNN xem xét để nới room tín dụng.