Tín dụng năm 2019 tăng thấp nhưng hiệu quả cao
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2019 tiếp tục giảm so với năm 2018, song dòng vốn được hướng mạnh vào nền kinh tế thực nên vẫn đủ sức để hỗ trợ nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao.
Báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2019 vừa được CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố đã đưa ra dự báo, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam trong 3 – 5 năm tới sẽ duy trì ở mức khoảng 14%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 2015 – 2017 (trung bình 18,1%).
Tăng trưởng dần chậm lại
Hầu hết các đánh giá gần đây đều cho rằng sau một giai đoạn dài tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao từ 18% trở lên, hoạt động cho vay của các ngân hàng đã có dấu hiệu chậm lại trong năm 2018 và được dự báo sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm 2019.
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2019, BVSC dự báo, tăng trưởng tín dụng trong 3 – 5 năm tới sẽ duy trì ở mặt bằng khoảng 14%/ năm, thấp hơn so với giai đoạn 2015 – 2017 (trung bình 18,1%) xuất phát từ cả cung và cầu tín dụng.
Trong báo cáo, BVSC dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 chậm lại ở mức 6,4 – 6,5%. Kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ đi đôi với nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh từ phía doanh nghiệp có thể giảm tốc. Lãi suất được dự báo tăng 0,25% – 0,5% trong năm 2019 cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Mặt khác, nguồn cung tín dụng cũng chậm lại do tác động từ chính sách mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành, như việc "siết" tín dụng bất động sản thông qua quy định nâng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản lên 200% vào đầu năm 2018 và 250% vào đầu năm 2019, đồng thời giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% từ đầu năm 2019.
Từ những dự báo trên, BVSC cho rằng nhu cầu vốn ước tính để đáp ứng được mức tăng trưởng tín dụng 14 – 15%/năm ở các ngân hàng niêm yết trong giai đoạn 2018 – 2019 là khoảng 237.000 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn lớn nhất tập trung ở các ngân hàng: VietinBank, LienVietPostBank và Sacombank với mức tăng vốn bình quân mỗi năm lần lượt là 22%, 16% và 13%/năm.
Bên cạnh đó, BVSC dự báo năm 2019, ngành ngân hàng có thể đạt tỷ lệ thu nhập lãi cận biên ở mức 3,2% bởi tỷ lệ Chỉ số huy động/cho vay tại hầu hết các ngân hàng vẫn đang ở dưới mức quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-NHNN và quyền thương lượng của ngân hàng vẫn tốt hơn so với khách hàng. Theo đó, các ngân hàng có thể thay đổi lãi suất đầu ra theo biến động lãi suất đầu vào, duy trì chênh lệch hợp lý.
Giới chuyên gia đánh giá, tăng trưởng tín dụng năm 2019 chậm lại ngoài nguyên nhân do nhu cầu vốn của nền kinh tế chậm lại, còn nguyên nhân quan trọng nữa là mục tiêu điều hành của cơ quan quản lý.
Kiểm soát chất lượng khoản vay
Có thể thấy, trong năm 2018, nhiều yếu tố bên ngoài đã tác động tới việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Đó là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất USD tác động tới đồng nội tệ của Việt Nam, so với thời điểm đầu năm đã mất giá gần 3%.
Chưa hết, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung leo thang càng khiến cho diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu tăng, kéo theo đó là lạm phát thêm khó lường. Trong khi đó, ở trong nước, giá xăng tăng nhanh theo đà tăng của giá xăng dầu thế giới, cộng thêm việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý theo lộ trình cũng tạo sức ép lớn đến lạm phát. Vì vậy, NHNN điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt hơn so với những năm trước.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng: "NHNN đã và đang điều hành tín dụng thận trọng nhằm hạn chế áp lực lạm phát và tạo dư địa ứng phó trước rủi ro suy giảm kinh tế, nhờ đó các chỉ tiêu kinh tế có thể sẽ chạm đích".
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2019, những yếu tố trên vẫn còn tiếp diễn, mục tiêu ưu tiên ổn định vĩ mô sẽ tiếp tục là trọng tâm, nên kiểm soát chặt chẽ tín dụng là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Với tỷ lệ dư nợ tín dụng/ GDP đã ở mức cao là 130%, khiến NHNN càng phải thận trọng hơn trong việc cung tín dụng cho nền kinh tế.
Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng các ngân hàng sẽ phải kiểm soát chất lượng các khoản vay. Điều này có thể thấy trong phần lớn báo cáo tài chính của các ngân hàng 9 tháng đầu năm 2018 đều thể hiện tốc độ vòng quay vốn tín dụng cao, chứng tỏ nguồn vốn vay ngân hàng đã tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất và lưu thông hàng hóa.
"Do đó, tăng trưởng tín dụng được siết chặt hơn một chút, nhưng vẫn đảm bảo đủ nguồn vốn cho nền kinh tế thực để hỗ trợ đà tăng trưởng", ông Hiếu nói.