Gánh nặng cho nền kinh tế Thái Lan
Dù do đảng nào thành lập, chính phủ mới ở Thái Lan được dự báo sẽ phải đối mặt với những vấn đề gây ra bởi bất ổn chính trị và sẽ phải vật lộn để theo đuổi chương trình kinh tế.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) ngày 28/3 công bố kết quả kiểm phiếu của cuộc tổng tuyển cử ngày 24/3 vừa qua. Theo EC, đảng Palang Pracha Rath (Quyền lực Nhà nước Nhân dân - PPRP) ủng hộ chính quyền quân sự giành 8.433.060 phiếu, đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) thân Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra dẫn đầu giành 7.920.561 phiếu, đảng Tương lai mới giành 6.265.918 phiếu, đảng Dân chủ giành 3.947.702, đảng Niềm tự hào Thái (BJT) 3.732.940.
Tỷ lệ cử tri đi bầu là 74,69%, tỷ lệ phiếu hỏng là 5,57%, tương đương cuộc bầu cử năm 2011. Tỷ lệ phiếu "Không" là 1,58%. Hiện đảng Palang Pracha Rath đã có 97 ghế hạ nghị sỹ theo khu vực tranh cử và Pheu Thai được 138 ghế. Đây là kết quả toàn phần đầu tiên của cuộc bầu cử được công bố. Tuy nhiên, theo EC, kết quả cuộc bầu cử sẽ chưa được phê chuẩn tới ngày 9/5 vì cơ quan bầu cử cần thời gian xử lý các khiếu kiện liên quan.
Theo nhận định của tờ “Bưu điện Bangkok”, những nỗ lực của cả Palang Pracharat và Pheu Thai nhằm thành lập chính phủ liên minh sau bầu cử có thể sẽ kéo dài và đầy rắc rối. Cả hai phía sẽ phải mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, nỗ lực lôi kéo các đảng nhỏ hơn về phía họ để có thể thành lập chính phủ mới.
Dù do đảng nào thành lập, chính phủ mới ở Thái Lan được dự báo sẽ phải đối mặt với những vấn đề gây ra bởi bất ổn chính trị và sẽ phải vật lộn để theo đuổi chương trình kinh tế.
Thái Lan vừa đi qua một “thập niên mất mát”với kinh tế trì trệ, cùng các hệ quả tiêu cực đến chính sách kinh tế và xã hội. Năm 2017, chính quyền đương nhiệm đã chi 2 tỷ USD cho các khoản trợ cấp nông nghiệp và gần đây đã chi khoản tiền mặt đến 2,7 tỷ USD cho những người có thu nhập thấp – với thông điệp “chúng tôi cũng có thể làm điều này”.
Nguyện vọng của người dân Thái Lan về một xã hội ổn định về chính trị để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế cũng đã được thể hiện qua kết quả cuộc bầu cử này, với việc họ bỏ phiếu cho Palang Pracharat, đảng luôn đề cao việc giữ gìn ổn định trật tự, xem đó là thành công của giới cầm quyền hiện nay.
Kết quả sơ bộ cho thấy, cử tri vẫn đánh giá cao những gì mà chính quyền quân sự đã làm được trong 5 năm qua, đó là ổn định lại tình hình chính trị sau nhiều năm bất ổn liên tục. Đây có thể coi là một thắng lợi lớn của phe quân sự, bất chấp họ phải đối mặt với rất nhiều lời chỉ trích từ các phe đối lập.
Phó Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) Kriengkrai Thiennukul nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ “The Nation” rằng nếu Phalang Pracharat thành lập chính phủ tiếp theo thì những dự án gần đây có thể được thúc đẩy với một nhịp độ chậm hơn do có sự phản đối mạnh mẽ trong Quốc hội. Ông Kriengkrai cũng chỉ ra rằng vấn đề bất ổn chính trị đang gây lo lắng cho cả giới kinh doanh trong nước lẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức thị trường vốn Thái Lan (Fetco) cũng đồng tình với quan điểm trên, đồng thời nói rằng sự đối kháng sít sao giữa Phalang Pracharat vàg Pheu Thai có thể sẽ dẫn đến sự bất ổn chính trị cho chính phủ sắp tới.
Có thể nói, chính trường Thái Lan sau cuộc bầu cử này được dự báo là vẫn tiềm ẩn nguy cơ không ổn định. Viễn cảnh phải tổ chức một cuộc bầu cử khác trong vòng một hoặc hai năm tới, các cuộc biểu tình trên đường phố hoặc thậm chí một cuộc đảo chính quân sự khác, cũng đã “lấp ló” phía chân trời.
Mặt khác, có một thực tế là các chính phủ ở Thái Lan thường giành được tính hợp pháp và sự ủng hộ từ những gì họ có thể thực hiện. Nhiều thập niên qua, các chính phủ tại Bangkok thường kết hợp một cách thực tế giữa chính sách dài hạn và các biện pháp mang tính dân túy tạm thời, cũng như các ràng buộc mang tính giá trị truyền thống nào đó để giành lấy sự ủng hộ lâu dài của cử tri.
“Đơn thuốc” này có thể sẽ giúp chính phủ sắp tới tiếp tục cầm quyền và chính trường Thái Lan có thể có được trạng thái ổn định trong những năm tới hay không? Câu trả lời vẫn còn để ngỏ.