Gạo của Chính phủ sẽ hỗ trợ kịp thời cho học sinh vào đầu năm học mới
(Tài chính) Thông tin trên được TS. Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết khi trao đổi về những kết quả, những khó khăn, hạn chế sau một năm triển khai thực hiện việc cấp phát gạo dự trữ quốc gia (DTQG) cho học sinh theo quyết định 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phóng viên: Thưa Tổng cục trưởng, tuy là năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ mới song ngành Dự trữ quốc gia đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Xin Tổng cục trưởng cho biết một chút về những kết quả này?
TS. Phạm Phan Dũng
Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước
Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh là một chủ trương, chính sách lớn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ tới sự nghiệp phát triển giáo dục nói chung, giải quyết các khó khăn cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước chủ động phối hợp với các bộ, ngành địa phương có liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện.
Việc xuất cấp gạo DTQG của Tổng cục Dự trữ Nhà nước được triển khai khẩn trương từ khâu, bố trí kế hoạch, đảm bảo đủ nguồn gạo sẵn sàng để xuất cấp; các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực phối hợp chặt chẽ với các địa phương kịp thời rà soát, phê duyệt số học sinh được hỗ trợ gạo nên việc tổ chức giao nhận gạo được diễn ra thuận lợi, các tỉnh: Lai Châu, Phú Thọ, Cao Bằng, Hòa Bình, Tuyên Quang, Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Bình, Lâm Đồng, Kon Tum, Tây Ninh, Bạc Liêu, Kiên Giang hoàn thành xuất cấp trong tháng 03/2014.
Việc Bộ Tài chính đồng ý cho phép thí điểm đóng bao 15 kg/bao để xuất cấp cho tỉnh Điện Biện được các cơ quan thuộc tỉnh đánh giá cao, phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của học sinh, tạo thuận lợi cho quá trình giao nhận, bảo quản và sử dụng của học sinh. Đặc biệt, công tác chỉ đạo điều hành, phối kết hợp giữa Bộ Tài chính với Bộ Giáo dục đào tạo, Ủy ban dân tộc rất chặt chẽ; Thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm, tập trung giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc phát sinh.
Phóng viên: Thực tiễn cho thấy, không chỉ riêng các trường, các em học sinh, phụ huynh học sinh, chính quyền các xã, huyện mà cán bộ ngành Giáo dục, Ủy ban dân tộc, ngành Tài chính đều rất phấn khởi về chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ. Cảm tưởng của Tổng cục Trưởng ra sao về việc làm này?
Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: Tại các tỉnh miền núi, nhiều trường sử dụng gạo được hỗ trợ để tổ chức nấu ăn cho các em, thông qua đó quản lý chặt chẽ số gạo được cấp phát, sử dụng đúng mục đích. Với khoản kinh phí hỗ trợ 40% mức lương tối thiểu theo quyết định số 85, cùng với chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh theo quyết định 36 đã tạo điều kiện để các nhà trường cải thiện bữa ăn cho học sinh, bảo đảm cuộc sống để các em yên tâm học tập.
Đối với các trường không tổ chức nấu ăn cho các em thì các thầy cô đã tích cực tham gia tiếp nhận, phân bổ gạo cho các em học sinh, phối hợp với phụ huynh học sinh để giao gạo về tận nhà cho các em, đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích cũng góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình các em học sinh.
Nhờ gạo của Chính phủ hỗ trợ, các em học sinh yên học tập, không bỏ lớp, bỏ trường; các gia đình học sinh đã bớt khó khăn hơn nên nhà trường đã vận động được các gia đình cho con đến trường, không giữ con ở nhà làm nương, làm rẫy.Qua quá trình triển khai chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh năm học vừa qua, nhân dân các địa phương đều đánh giá và ghi nhận chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh là chính sách chính sách an sinh xã hội rất hợp lòng dân, nhất là các địa phương còn khó khăn về ngân sách.
Phóng viên: Được biết, trong quá trình triển khai Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã gặp không ít những khó khăn, vướng mắc, Tổng cục trưởng có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: Do năm đầu tiên triển khai Quyết định 36/2013/QĐ-TTg nên công tác rà soát, phê duyệt đối tượng học sinh được hỗ trợ gạo tại một số địa phương làm chậm, thay đổi nhiều lần, số lượng học sinh được hỗ trợ gạo tăng, giảm lớn giữa các học kỳ tạo ra sự không thống nhất về mặt số liệu làm ảnh hưởng tới thời gian, tiến độ cấp gạo cho học sinh.
Mặc dù đã triển khai việc cấp gạo cho học sinh được 1 năm nhưng đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính nên các địa phương cũng chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để tổ chức thực hiện; việc cấp phát học kỳ I năm học vừa qua có chậm 3 tháng kể từ khi khai giảng năm học mới
Thời gian qua chi phí cước vận chuyển hàng hóa tăng cao, địa bàn được hỗ trợ gạo là vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, miền núi, phải vận chuyển gạo trên các phương tiện nhỏ (xe có trọng tải dưới 10 tấn), nên việc giao nhận gạo gặp rất nhiều khó khăn, chi phí tăng cao...
Phóng viên: Để việc tổ chức thực hiện cấp phát gạo trong năm học 2014 – 2015 thuận lợi và đạt được kết quả tốt hơn, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có cần hỗ trợ gì không, thưa Tổng cục trưởng?
Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: Do đặc điểm từng vùng, miền nên thời điểm khai giảng của các địa phương khác nhau, có một số vùng núi cao hoặc vùng đồng bằng sông Cửu Long phải học chạy lũ sẽ khai giảng từ tháng 8. Vì vậy, để xác định chính xác số lượng học sinh thuộc đối tượng hỗ trợ gạo, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép: i) Các địa phương phê duyệt danh sách, báo cáo nhu cầu gạo hỗ trợ học sinh gửi Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và đào tạo trước ngày 30/9 hàng năm; ii) Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước cấp tạm ứng tối đa 02 tháng gạo theo số học sinh dự tính. Sau khi địa phương xác định chính xác số học sinh và số gạo cần hỗ trợ, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh việc cấp phát trong năm học đảm bảo đúng đối tượng, đúng định mức; iii) Tiếp tục thí điểm việc đóng bao gạo 15 kg/bao để giao cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa tiếp nhận được thuận lợi; iv) Thực hiện cấp phát, giao nhận gạo tối đa là 02 lần/học kỳ (04 lần/năm học) cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương
Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục đào tạo, Ủy Ban dân tộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng gạo tại một số địa phương để kịp thời chấn chỉnh các trường hợp sai sót, sử dụng gạo không đúng mục đích.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!
Trong năm học 2013-2014, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã thực hiện xuất cấp trên 58.340 tấn gạo cho 433.081 học sinh của 46 tỉnh, thành phố với giá trị trên 600 tỷ đồng.