Gấp rút sửa đổi Luật Quy hoạch để giải quyết những vấn đề cấp bách, cần xử lý ngay
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch được gấp rút triển khai nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách, cần xử lý ngay, nhất là những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Đáp ứng yêu cầu cấp bách về sắp xếp đơn vị hành chính
Làm rõ các ý kiến đại biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch sáng 28/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong kế hoạch của Chính phủ, Luật Quy hoạch sẽ được sửa đồng bộ, tổng thể trong thời gian tới.
Vừa qua, do yêu cầu từ những thay đổi về chiến lược, những chủ trương, định hướng chỉ đạo lớn của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Đảng, Nhà nước, Luật Quy hoạch lần này đã được gấp rút sửa đổi ngay lập tức để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đặc biệt là đáp ứng yêu cầu của Bộ Chính trị về sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.
"Nếu không sửa Luật này, từ ngày 1/7 khi các tỉnh vận hành theo mô hình mới sẽ không thể triển khai các dự án tại địa phương. Do đó, phải gấp rút sửa đổi", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, dự thảo Luật được sửa đổi nhằm đảm bảo điều chỉnh ngay các quy hoạch ở tất cả các cấp. Tất cả các địa phương sẽ thực hiện điều chỉnh quy hoạch ngay sau khi nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh có hiệu lực. Đồng thời, đảm bảo nguyên tắc các quy hoạch đang được triển khai tiếp tục được thực hiện cho đến khi quy hoạch điều chỉnh có hiệu lực.
Theo Bộ trưởng, dự thảo lần này cũng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn phải xử lý ngay để triển khai thực hiện các dự án, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng 8% năm 2015 và tăng trưởng cao hai con số trong giai đoạn 2016-2030.
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu đề cập đến quy định về các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành trong dự thảo Luật. Về vấn đề này, Bộ trưởng thông tin, các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành không nằm trong hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng vẫn phải đưa vào trong dự thảo để quy định đảm bảo thông suốt. Trên thực tế, vừa qua có nhiều quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành mâu thuẫn với hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng dẫn đến những xung đột phải tháo gỡ.
"Trong thời gian tới, khi sửa tổng thể Luật Quy hoạch cũng cần rà soát bỏ các quy hoạch chuyên ngành không cần thiết, không thể để nhiều như hiện nay", Bộ trưởng nêu quan điểm.
Phân cấp mạnh mẽ, phân quyền tối đa
Làm rõ hơn về vấn đề phân cấp, phân quyền tại dự thảo Luật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo đã đẩy mạnh phân cấp phân quyền tối đa, tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành.
Vấn đề này cần được đẩy mạnh để đáp ứng cho 34 địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà không bị vướng khi thu hút các doanh nghiệp, các dự án. Tinh thần là phân cấp mạnh mẽ và phân quyền tối đa theo định hướng "địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm" gắn với triển khai mô hình chính quyền địa phương mới.
Dự thảo đã quy định phân quyền của Quốc hội cho Chính phủ đối với phân vùng lập quy hoạch; phân quyền quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia từ Quốc hội cho Chính phủ. Trước ý kiến một số đại biểu băn khoăn về nội dung này, Bộ trưởng cho hay, hiện nay, Quốc hội quyết định quy hoạch quốc gia và trong quy hoạch quốc gia có quy hoạch không gian biển quốc gia. Do đó, Quốc hội vẫn kiểm soát tổng thể.
Dự thảo cũng phân cấp cho các bộ tổ chức thẩm định quy hoạch ngành quốc gia; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định quy hoạch tỉnh. Việc thẩm định quy hoạch có thể theo hình thức họp Hội đồng thẩm định hoặc lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản. Dự thảo cũng bổ sung quy định về Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định để tạo cơ chế cho Chủ tịch Hội đồng thẩm định ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp thẩm định để tăng cường tính tự chủ, linh hoạt trong quá trình thẩm định.
Bên cạnh các nội dung trên, Dự thảo phân cấp cho Bộ trưởng phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi được Hội đồng nhân dân thông qua để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Một số đại biểu băn khoăn phân cấp từ Quốc hội cho Chính phủ, Chính phủ phân cấp xuống các bộ có đảm bảo khách quan không? Bộ trưởng cho hay, hiện nay, theo quy định hiện hành, những thay đổi về quy hoạch tại địa phương đều phải trình lên Chính phủ trình Quốc hội. Với yêu cầu sắp xếp mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nếu triển khai theo quy trình này sẽ mất nhiều thời gian để có thể thực hiện. Do đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Nội dung có tính "mở", kiến tạo không gian phát triển
Cùng với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, dự thảo Luật cũng tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với việc điều chỉnh quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thông qua việc không phải lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và bãi bỏ quy hoạch xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch.
Về nội dung quy hoạch, để tạo sự chủ động linh hoạt trong việc triển khai thực hiện quy hoạch, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng nội dung quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chỉ bao gồm những quy định mang tính khung, định hướng và có tính "mở" để kiến tạo, mở rộng không gian phát triển. Nội dung chi tiết sẽ được thể hiện tại quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, nội dung cụ thể quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sẽ được quy định tại Nghị định để tạo sự linh hoạt trong triển khai thực hiện.
Theo Bộ trưởng, cấp xã không có thẩm quyền ban hành quy hoạch nhưng là cấp triển khai thực hiện. Do đó, ngay trong luật này và trong nghị định hướng dẫn sẽ có yêu cầu chặt chẽ về việc khi lập quy hoạch phải xin ý kiến địa phương cấp dưới, đặc biệt là cấp xã.
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến quy định lập đồng thời các quy hoạch và xử lý mâu thuẫn giữa các quy hoạch. Trao đổi về nội dung này, Bộ trưởng lý giải, quy định này nhằm giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn vừa qua. Trong đó, giải quyết các vướng mắc về xung đột giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành với các quy hoạch cấp trên như quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh.
Quy định trên còn giải quyết mâu thuẫn đối với các quy hoạch do các cơ quan, tổ chức lập khác nhau, cấp có thẩm quyền cấp quyền cao hơn sẽ quyết định quy hoạch phải điều chỉnh. Bộ trưởng ví dụ, khi triển khai một số dự án, các địa phương gặp vướng mắc liên quan đến quy hoạch chuyên ngành của 2 bộ hai bộ, trong trường hợp này, cấp trên có thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định. Đối với quy hoạch vùng do cùng một cơ quan, tổ chức lập thì cơ quan đó sẽ quyết định.
Đối với các vấn đề khác được đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định sẽ tổng hợp sửa đổi khi sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch trong thời gian tới.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, đây là dự án có nhiều nội dung kỹ thuật sâu và khó, các đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết và nhiều nội dung mới tiến bộ trong dự thảo luật.
Thống nhất với các ý kiến đại biểu phát biểu cũng như ý kiến giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dự thảo Luật sửa đổi lần này tập trung vào xử lý những vấn đề cấp bách, cấp thiết cần xử lý ngay, nhất là những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Đối với những vấn đề các địa phương phản ánh trong quá trình thực hiện có vướng mắc, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định, những vướng mắc này không chỉ do những quy định của Luật Quy hoạch mà còn có những quy định của các luật có liên quan. Phó Chủ tịch đồng thuận với Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc sẽ tiếp tục nghiên cứu tổng kết, đánh giá thực hiện Luật Quy hoạch và sẽ sớm trình sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch theo đúng tinh thần Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội.