GDP - Niềm tin 5,8%
(Tài chính) Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng qua ước tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013. Đóng góp vào thành công chung đó, có phần không nhỏ của các ngành kinh tế công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, nổi bật là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng thời, sự gia tăng cả về lượng và chất của doanh nghiệp nửa đầu năm cho thấy niềm tin về khả năng cho GDP 6 tháng cuối năm ở mức 6,25% và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch GDP cả năm là 5,8%.
Tổng cục thống kê công bố, trong mức tăng 5,18% của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,33%, đóng góp 2,06 điểm phần trăm - chỉ sau khu vực dịch vụ (tăng 6,01%, đóng góp 2,57 điểm phần trăm). 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013 (cao hơn mức tăng 5,3% của cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm nay, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,8%, cao hơn mức tăng 6,1% của cùng kỳ năm 2013 và đóng góp 5,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Ở một góc độ khác, Tổng cục Thống kê dẫn chứng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt, như Hải Phòng (tăng 11,9%), Đà Nẵng (tăng 10,7%), Quảng Nam (tăng 9,3%), Hải Dương (tăng 7,9%), Đồng Nai (tăng 7,7%), Bình Dương (tăng 7,3%). Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1.6.2014 cũng tăng 2,7% so với cùng thời điểm năm trước, cho thấy sự phục hồi rõ rệt của các ngành công nghiệp, tạo việc làm cho người lao động.
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp Phạm Đình Thúy, tiến hành điều tra hơn 7.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 600 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ doanh nghiệp trả lời tăng doanh thu cao nhất với 73,5% và đây cũng là chỉ tiêu đạt tỷ lệ doanh nghiệp tăng quy mô cao nhất trong tất cả các chỉ tiêu. Nhìn chung tất cả các loại hình doanh nghiệp cũng như các ngành kinh tế đều có tỷ lệ doanh nghiệp tăng lợi nhuận và tăng doanh thu so với năm 2013 tương đối đồng đều. Khu vực FDI và công nghiệp xây dựng có tăng cao hơn các loại hình hay các ngành kinh tế khác nhưng cũng không nhiều.
Trong 6 tháng qua, cả nước có 37.315 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 230,9 nghìn tỷ đồng. Tuy có giảm 4,1% về số doanh nghiệp đăng ký thành lập, nhưng lại tăng 19,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013, cho thấy quy mô vốn đăng ký của doanh nghiệp đã được cải thiện hơn. Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, để cộng đồng doanh nghiệp có thể hoạt động tốt hơn, bên cạnh nỗ lực trong hoạt động và tăng cường liên kết nhằm tạo sức mạnh của các doanh nghiệp... thì cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính vẫn là những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Trên cơ sở các định hướng của Chính phủ, các doanh nghiệp phải lựa chọn các lĩnh vực kinh doanh cụ thể phù hợp với định hướng chiến lược về những ngành và lĩnh vực của nền kinh tế, và phải liên kết chặt chẽ với nhau trong các hiệp hội ngành hàng để hình thành nên các chuỗi giá trị.
Với những kết quả đạt được của nền kinh tế nhìn từ hoạt động của doanh nghiệp thông qua các số liệu thống kê của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 6 tháng qua, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, hoàn toàn có đủ cơ sở để kỳ vọng GDP cả năm 2014 đạt 5,8% - theo đúng chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Bởi, các ngành kinh tế thường tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm.