GDP tăng cao nhất 7 năm qua: Không nên quá mừng

Theo Tuệ Anh/daibieunhandan.vn

GDP 6 tháng đầu năm nay tăng 7,08%, cao nhất 7 năm qua. Tuy vậy, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, “chúng ta không nên quá mừng với kết quả ngắn hạn đã đạt được mà phải rất chú ý cách tiếp cận dài hạn”. Trong đó, phải chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh vì đây là động lực của tăng trưởng.

Mới chỉ “to xác” ra

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về mức tăng trưởng kinh tế từ đầu năm cho đến nay?

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên

TS. Trần Đình Thiên: Chuyển biến trong 6 tháng đầu năm nay là kết quả tích cực của chuyển động từ 6 tháng cuối năm 2017. Cụ thể là 6 tháng đầu năm 2017, mức tăng trưởng rất thấp với 5,83% nhưng đến 6 tháng cuối năm, tăng trưởng đạt gần 7%.
Sự chuyển động này tạo đà tăng trưởng trong quý I và quý II năm 2018, lần lượt đạt 7,38% và gần 6,8%. Như vậy, tính chung 6 tháng, mức tăng trưởng đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2011. Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 3,28%. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc giữ ổn định đời sống kinh tế - xã hội, là cơ sở cho ổn định của nền kinh tế.

Tuy nhiên, ngay trong quý I, khi GDP tăng rất cao nhưng Chính phủ đã nhìn nhận cả năm 2018 có thể tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng. Điều này cho thấy Chính phủ chú trọng nhiều hơn đến ổn định vĩ mô, tập trung hơn nữa cho cải cách, dự đoán tình hình thế giới sẽ bất thường theo hướng tiêu cực.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là nét sáng trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 13,02%, cao nhất trong 7 năm gần đây. Ông nhận định như thế nào về xu hướng này trong 6 tháng cuối năm?

Điều này chứng tỏ chúng ta ngày càng không dựa vào khai thác tài nguyên mà chuyển sang ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, dù chất lượng tăng trưởng bắt đầu có sự chuyển động nhưng mô hình tăng trưởng chưa thay đổi đáng kể.

Chẳng hạn, tiêu chuẩn môi trường còn thấp, sử dụng lao động rẻ chất lượng thấp vẫn được coi là lợi thế, trong khi cơ sở tăng trưởng dài hạn gồm doanh nghiệp, các động lực cơ bản chưa thay đổi căn bản. Như vậy, chúng ta mới chỉ tăng về lượng và “to xác” ra chứ chưa thay đổi thực sự về chất.

Công nghiệp mặc dù đã có sự dịch chuyển theo cấu trúc ngành (từ ngành có giá trị thấp sang ngành có giá trị tương đối cao hơn) nhưng thực tế những ngành đó vẫn có giá trị thấp. Do vậy, chúng ta không nên quá mừng với kết quả ngắn hạn đã đạt được.

Có thể hưởng lợi từ chiến tranh thương mại

Mặc dù GDP trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh nhưng lạm phát đã tăng trở lại khi chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017. Đây sẽ là thách thức lớn của cơ quan quản lý?

Hiện, chỉ số lạm phát vẫn trong mức độ kiểm soát nhưng người ta đang lo ngại nó có thể cao lên bởi những lý do đặc biệt như những yếu tố gắn với đầu cơ, nới lỏng tín dụng.

Chính phủ đã đưa ra những giải pháp để ngăn cản đầu cơ đối với thị trường bất động sản bằng cách buộc các ngân hàng kiểm soát cho vay bất động sản không dễ dãi như trước, nhưng tôi cho rằng, điều đáng lo ngại lại là những yếu tố tác động từ bên ngoài.

Đó là yếu tố gì vậy, thưa ông?

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như chủ nghĩa bảo hộ có thể xảy ra, khi đó Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng bởi Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.

Khi quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng, việc điều chỉnh cơ cấu của Trung Quốc có thể thúc đẩy hàng hóa của nước này xuất khẩu vào Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đối với hàng hóa từ Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cũng giảm.

Tuy vậy, chúng ta vẫn có khả năng hưởng lợi từ chiến tranh thương mại. Chẳng hạn, Trung Quốc đầu tư vào Mỹ sẽ giảm rất mạnh thì nguồn vốn đó có thể dịch chuyển cơ cấu sang thị trường Việt Nam. Về thương mại, nếu Trung Quốc bị hạn chế xuất khẩu sang Mỹ thì cơ hội của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn.

Cần coi kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng

Theo ông, trong 6 tháng cuối năm, Việt Nam cần làm gì để giữ vững động lực tăng trưởng?

Chúng ta cần lưu ý một số điểm sau: Một là, chúng ta đã ký được một loạt các hiệp định thương mại mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sắp tới có khả năng thông qua Hiệp định Thương mại với EU, thực hiện thành công Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với Hàn Quốc. Điều quan trọng là phải để doanh nghiệp có đầy đủ thông tin để đáp ứng những tiêu chí của các hiệp định.

Hai là, động lực tăng trưởng chưa thay đổi căn bản, cơ bản vẫn là cấu trúc cũ, phụ thuộc khu vực ngoại (FDI), trong khi động lực từ khu vực này đóng góp thiếu bền vững vào tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Do vậy, cần định vị lại vai trò động lực tăng trưởng của các thành phần kinh tế. Trong đó, định vị lại vai trò động lực quan trọng cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước trong bối cảnh khu vực nhà nước thiếu hiệu quả và dần bị thu hẹp.

Ba là, các nhà đầu tư vẫn cho rằng, sự thiếu minh bạch và nhất quán trong các quy định, thủ tục đầu tư là rào cản lớn nhất khi đầu tư tại Việt Nam.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó với nhiều thủ tục trói buộc và hiện tượng vòi vĩnh của lực lượng thực thi pháp luật, trong khi cải thiện môi trường kinh doanh là một động lực của tăng trưởng.

Vì vậy, Chính phủ cần quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực cải cách, giảm bớt thủ tục, giảm chi phí cho doanh nghiệp hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!