Ghé vai đỡ gánh nặng

Theo Đầu tư CK

Chính phủ chỉ đạo, ngay từ bây giờ các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương chuẩn bị các giải pháp để triển khai trong năm 2013, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN (doanh nghiệp), phục hồi sản xuất.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 11 tháng năm 2012, cả nước có 62.794 DN thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 402.893 tỷ đồng, giảm 10,7% về số DN và giảm 8,4% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, so với tháng trước, trong tháng 11/2012, ngoài tình trạng “2 giảm” vẫn tiếp diễn là giảm về số DN thành lập và số vốn đăng ký, còn một diễn biến đáng lo ngại nữa là có khoảng 5.870 DN dừng hoạt động và giải thể, tăng 6,6% so với tháng 10.

Từ những con số trên, tại phiên họp thường kỳ tháng 11 vừa diễn ra, Chính phủ đánh giá, đến thời điểm hiện tại, số DN giảm quy mô, ngừng hoạt động, giải thể còn lớn; hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm… Chính bởi diễn biến đáng lo ngại này, nên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, tại phiên họp tháng 11, Chính phủ đã chỉ đạo, ngay từ bây giờ các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương chuẩn bị các giải pháp để triển khai trong năm 2013, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, phục hồi sản xuất.

Một trong những giải pháp trọng tâm đã được tính đến là giảm lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát đang giảm xuống ở mức thấp. Giải pháp này một khi được triển khai hiệu quả, sẽ phát huy công hiệu trực diện trong bối cảnh không ít DN đang “hấp hối” chờ “cấp cứu” tín dụng.

Theo ông Vũ Đức Đam, có hai cơ sở quan trọng để Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trong tháng 12 phải trình phương án điều hành lãi suất mới trong thời gian tới, trong đó tính đến giảm suất phù hợp, để cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho DN, đồng thời chủ động kiểm soát để lạm phát không tăng cao trở lại. Đó là CPI tính đến tháng 11 tiếp tục giảm và ở mức thấp. Ước cả năm CPI tăng khoảng 7,5%, thấp hơn so với mục tiêu 8%. Mặt khác, trong định hướng điều hành vĩ mô năm 2013 của Chính phủ, CPI phải thấp hơn năm nay, nhưng mức tăng trưởng phải cao hơn. Bởi vậy, bài toán giảm lãi suất đang được tính toán để tìm ra lời giải tối ưu.

Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh tiến độ xử lý nợ xấu đang diễn ra chậm, một khi bài toán giảm lãi suất tìm được lời giải, liệu có hỗ trợ DN tiếp cận vốn thuận lợi hơn? Nhìn nhận đây là thách thức, nên theo ông Đam, Chính phủ đang chỉ đạo, các bộ, ngành tập trung tham mưu, đề xuất các giải pháp khả thi, đồng thời Chính phủ mong nhận được hiến kế của người dân, các chuyên gia, cũng như cộng đồng DN, để các giải pháp triển khai có tính khả thi cao.

Theo góc nhìn của chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Kiến Thành, do CPI và tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp, nên ngay cả khi ngân hàng thương mại cho DN vay với lãi suất 7%/năm cũng không lo ngại tác động tiêu cực đến kiềm chế lạm phát. Trong bối cảnh quá khó khăn hiện tại, chỉ có tối thiểu hóa chi phí, nhất là chi phí vốn thì DN mới có thể đứng dậy và hồi phục. Trên thực tế, việc cho DN vay với lãi suất rẻ này hoàn toàn khả thi, một khi Ngân hàng Nhà nước thông qua nghiệp vụ tái cấp vốn, OMO... bơm vốn cho ngân hàng thương mạivới lãi suất thấp, kèm theo điều kiện phải quản lý rạch ròi, minh bạch số vốn giá rẻ này để cho các dự án có hiệu quả vay và giải ngân theo tiến độ dự án…

Từ bước chuyển động chính sách hiện tại, cộng đồng DN kỳ vọng sẽ sớm được thụ hưởng những tác động tích cực của chính sách điều hành vĩ mô, qua đó hồi phục sản xuất, góp phần mang lại những gam màu sáng hơn cho bức tranh vĩ mô ngay từ đầu năm 2013.