Ghi nhận hỗ trợ lâu dài của Western Union tại Việt Nam
(Tài chính) Ngày 17/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam đã trao bằng khen danh dự cho Western Union - nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền hàng đầu thế giới nhằm ghi nhận những hỗ trợ lâu dài của Western Union cho công nhân xuất khẩu lao động Việt Nam qua nhiều chương trình giáo dục và định hướng.
Kể từ khi mở điểm giao dịch đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh năm 1994, đến nay Western Union đã phát triển thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ kiều hối quốc tế hàng đầu tại Việt Nam. Thông qua việc hợp tác với gần 40 ngân hàng hàng đầu, Tổng công ty Bưu Điện Việt Nam và hàng trăm các doanh nghiệp khác, mạng lưới của Western Union giờ đây phát triển ra khắp 63 tỉnh/thành phố của Việt Nam với hơn 9.300 điểm giao dịch, đại lý. Dịch vụ chuyển tiền của Western Union giúp kết nối người Việt Nam với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Bà Patricia Z. Riingen, Phó Chủ tịch cấp cao khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương của Western Union cho biết: Cột mốc này là một thành tựu quan trọng cho Western Union và để đạt được thành tựu ngày hôm nay, chúng tôi không thể không nhắc đến sự hỗ trợ tích cực của chính phủ và các đối tác đại lý của chúng tôi. Việt Nam là một trong những nước nhận kiều hối hàng đầu thế giới, đồng thời là nền kinh tế mới nổi năng động và quan trọng trong khu vực, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài cũng như gia đình của họ tại quê hương. Từ Lạng Sơn đến Cà Mau và ngay cả tại hải đảo xa xôi như Côn Đảo, Western Union tự hào là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của khách hàng suốt hai thập niên vừa qua. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng và phát triển các dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Theo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, có khoảng bốn triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài ra, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong mười nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới với tổng giá trị kiều hối là 11 tỷ USD vào năm 2013, chiếm đến 8% GDP cả nước.
Nhân dịp này, Western Union và Cục Quản lý Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đã ký kết thỏa thuận triển khai chương trình hợp tác hỗ trợ lao động Việt Nam tại nước ngoài. Theo đó, hai bên sẽ biên soạn và phát hành 20.000 quyển Cẩm nang cho công nhân xuất khẩu lao động trước khi họ đi đến các nước bao gồm Trung Đông, Mã Lai, Đài Loan, Ma cau và Nhật bản. Các cuốn Cẩm nang đặc biệt này sẽ bao gồm các thông tin quan trọng về nhiều đề tài từ luật lao động và quyền của người lao động, cho đến các thông tục tập quán tại nước đến và những thuật ngữ bổ ích thường dùng.
“Thông qua việc trang bị cho người lao động bộ tài liệu này, chúng tôi hy vọng họ sẽ nhanh chóng thích nghi và hòa nhập với cuộc sống mới khi ra nước ngoài, đồng thời sẽ làm việc hiệu quả hơn, từ đó cải thiện điều kiện sống của bản thân và gia đình”, bà Riingen bổ sung.
Nhân dịp này, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng công bố những kết quả nghiên cứu quan trọng thuộc công trình nghiên cứu độc lập của viện về những tác động dài lâu của kiều hối đối với kinh tế Việt Nam.
Đề án nghiên cứu do Tiến sĩ Võ Trí Thành chủ trì và được Western Union tài trợ. Bản báo cáo đã công bố những thông tin về mối quan hệ tích cực giữa dòng tiền kiều hối và sự phát triển kinh tế - xã hội, chứng minh kiều hối có ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống thường nhật của người Việt Nam.
Những điểm nổi bật từ Đề án nghiên cứu:
- Khoảng 16% người tham gia khảo sát cho biết dòng tiền kiều hối chảy vào lĩnh vực kinh doanh và sản xuất, đóng vai trò “phao cứu sinh” cho các nhà đầu tư không thể vay vốn ngân hàng do các quy định nghiêm ngặt về vay vốn;
- Khoảng 17% người tham gia khảo sát cho biết tiền kiều hối chiếm đến 80% tổng thu nhập gia đình họ;
- Đến 40% người tham gia khảo sát cho rằng tiền kiều hối đóng vai trò “quan trọng” và “rất quan trọng” đối với đời sống của gia đình;
- Tiền kiều hối chủ yếu được sử dụng để chi trả phí sinh hoạt hàng ngày; đầu tư vào sản xuất và kinh doanh; và trả nợ.
“Mặc dù việc kiều hối có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển tích cực của kinh tế xã hội là có thể đoán trước, nhưng chúng tôi thực sự bất ngờ khi nhận thấy mức độ quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng của nguồn lực kinh tế này với mọi mặt trong đời sống người dân”, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Giám đốc, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu.