Tồn tại nhiều bất ổn

Có thể nói, chưa bao giờ diễn biến của thị trường vàng Việt Nam lại tạo ra nhiều cung bậc cho tâm lý người dân như trong thời gian gần đây. Giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng vọt lên đến trên 48 triệu đồng/lượng, chênh lệch với giá vàng thế giới tiếp tục giãn ra trên dưới 3 triệu đồng/lượng. Tương tự, giá vàng miếng SJC cũng đắt hơn vàng nguyên liệu và các thương hiệu vàng khác từ 2 - 3 triệu đồng/ lượng. Cùng với đó, sự phân biệt vàng SJC với vàng phi SJC, vàng móp méo, bao bì... cũng được cách doanh nghiệp thực hiện gây khó khăn cho người dân.

Sau khi nghị định 24/2011/NĐ-CP có hiệu lực, hệ thống ngân hàng đã mua 60 tấn vàng từ người dân, tương đương 3 tỷ usd. Cùng với đó, NHNN đã mua vào 10 tỷ USD từ đầu năm tới nay, như vậy đã có có tổng cộng 13 tỷ USD được chuyển sang VND để hỗ trợ nền kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Diễn biến thị trường vàng cho thấy giải pháp “độc quyền” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, mà còn xuất hiện những biến tướng gây rối loạn thị trường.

Trong sự bất ổn của thị trường vàng, người dân lại càng không quên lời cam kết của Thống đốc Nguyễn Văn Bình khi mới lên nhận chức. “Sẽ lập lại trật tự trên thị trường vàng bằng việc đưa giá vàng trong nước sát giá vàng thế giới với khoảng cách hợp lý là 400.000 đồng/lượng”.

Lâu nay, người ta thường cho rằng nguyên nhân giá vàng trong nước cao là do trước thời điểm ngày 25/11/2011 (các ngân hàng phải đóng trạng thái vàng, ngưng huy động vàng), lực cầu tăng mạnh khiến giá liên tục bị đẩy lên cao, tạo chênh lệch với giá thế giới... Đến nay NHNN đã gia hạn thời gian huy động vàng cho các ngân hàng đến ngày 30/6/2013 nhưng chênh lệch giá vàng trong nước với giá thế giới không những không giảm mà vẫn tăng chóng mặt. Tuy nhiên, NHNN lại cho rằng vẫn chưa cần thiết phải can thiệp vì vàng là mặt hàng xa xỉ, không phải hàng thiết yếu cần bình ổn, bởi vàng không tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng, việc giá vàng trong nước chênh lệch quá cao so với giá thế giới là bởi thị trường không có sự liên thông khi NHNN không cho nhập khẩu vàng kể từ cuối năm ngoái đến nay. Ai là người đang hưởng lợi từ mức chênh lệch, chính sách quản lý vàng hiện nay? Chắc chắn không phải người dân. Trong khi đó, một vị chuyên gia khác trong ngành vàng nhận xét: Thị trường vàng hiện chỉ khan hiếm loại SJC xuất phát từ sự độc quyền nên muốn giải quyết vấn đề này thì cần sớm xóa bỏ độc quyền, trả vàng về cho thị trường.

Xác định trách nhiệm

Sau nhiều diễn biến bất thường trên thị trường vàng, cuối cùng tâm lý người dân cũng nhẹ hơn khi đã có người nhận trách nhiệm. Được mời làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm về thị trường vàng tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 31/10/2012, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã thẳng thắn nhận trách nhiệm “không làm tốt việc tuyên truyền phổ biến chính sách trong quản lý thị trường vàng nên có nhiều thông tin chưa đầy đủ và chính xác gây bất ổn trên thị trường”. Liên quan đến quan ngại về sự độc quyền vàng miếng SJC, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh “SJC không phải là Công ty độc quyền dập vàng miếng. Kể từ ngày 25/5/2012, chỉ có NHNN được độc quyền dập, đúc vàng”. Lý giải lý do chọn thương hiệu vàng SJC, ông Nguyễn Văn Bình cho biết: “SJC chiếm 93-95% thị trường vàng miếng. Để tránh sự nhầm lẫn và lãng phí nên chúng tôi chọn thương hiệu này”.

Để xử lý triệt để vấn đề vàng hóa nền kinh tế và tận dụng nguồn lực vàng miếng trong dân, thời gian tới, NHNN sẽ tập trung xây dựng cơ chế mua vàng tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Đây là kênh chính để huy động nguồn lực vàng trong dân nhằm mục tiêu chuyển hóa nguồn lực vàng phục vụ nền kinh tế.

Mặc dù khẳng định không bắt buộc người dân phải chuyển đổi từ các loại vàng khác sang SJC và không hề có sự phân biệt giữa vàng của các thương hiệu này. Tuy nhiên, người đứng đầu NHNN lại không giải thích về tình trạng “vàng hai giá” đang xảy ra hiện nay. Kể từ khi có thông tin về Nghị định 24/2011/NĐ-CP, vàng miếng các thương hiệu phi SJC luôn rẻ hơn vàng SJC khoảng 2 - 3 triệu đồng mỗi lượng.

Về những bất hợp lý trên, đại diện NHNN thừa nhận là do các ngân hàng cấp tập mua vàng. Tuy nhiên, mức chênh lệch này không dẫn tới nhập lậu, chưa gây sức ép đến tỷ giá và cũng không tạo cơn sốt vàng như những năm trước do đó NHNN thấy chưa cần thiết phải can thiệp. NHNN thấy có lời trong việc nhập khẩu vàng thì sẽ cho nhập và là người can thiệp thị trường cuối cùng.

Đối với một số hiện tượng như vàng giả, nhái, cong vênh đang xuất hiện trên thị trường vàng, theo NHNN, trước đây khi được mua bán vàng miếng tự do chẳng ai quan tâm đến chất lượng. Hiện nay kinh doanh vàng miếng đang thực hiện độc quyền và chuẩn hóa vì thế hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng mới “phát lộ” nhiều hơn. NHNN đang tiến hành nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao tính an toàn cho vàng miếng cũng như tính thẩm định của các đơn vị bán vàng. Nếu người dân đã mua phải những loại vàng này thì cứ bình tĩnh. Nếu đổ xô đi bán chắc chắn sẽ bị ép giá và chờ đợi đến khi thị trường hạ nhiệt thì nên đi đổi lại.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 11-2012

Ghìm cương con ngựa bất kham

Trần Huệ

(Tài chính) Sau những biến động bất thường trên thị trường vàng Việt Nam, đã có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng thị trường này vẫn như “con ngựa bất kham”… người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đã chính thức nhận trách nhiệm về những bất ổn trên thị trường.

Xem thêm

Video nổi bật