Thị trường chứng khoán tuần 19-23/5: Kỳ vọng từ đàm phán thương mại và cải cách trong nước

Hoàng Quyên

Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu khởi sắc sau bước ngoặt trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa đến Việt Nam. Cùng với đó, dòng tiền ngoại quay lại và chính sách cải cách được thúc đẩy đang tạo nền tảng hỗ trợ cho thị trường trong tuần giao dịch mới (19-23/5), dù nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng với xu hướng ngắn hạn.

Theo BSC Research, trong bối cảnh quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, quyết tâm cải cách và duy trì ổn định vĩ mô là yếu tố then chốt giúp Việt Nam duy trì sức hút với dòng vốn đầu tư.
Theo BSC Research, trong bối cảnh quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, quyết tâm cải cách và duy trì ổn định vĩ mô là yếu tố then chốt giúp Việt Nam duy trì sức hút với dòng vốn đầu tư.

Kỳ vọng thương mại hóa giải áp lực vĩ mô toàn cầu

Tuần giao dịch vừa qua (từ ngày 12-16/5), thị trường tài chính quốc tế khởi sắc mạnh mẽ khi thông tin về việc Hoa Kỳ và Trung Quốc nhất trí hạ nhiệt căng thẳng thương mại được công bố sau cuộc đàm phán tại Thụy Sĩ (12/5).

Cụ thể, Hoa Kỳ cam kết giảm thuế nhập khẩu từ 145% xuống 30% trong 90 ngày, trong khi Trung Quốc cũng giảm thuế áp lên hàng hóa Hoa Kỳ từ 125% xuống còn 10%. Đây được xem là bước tiến lớn nhất kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra, tạo tiền đề cho đàm phán dài hạn về các vấn đề phi thuế quan và trợ cấp.

Thông tin này lập tức phản ánh lên các chỉ số chứng khoán toàn cầu. Chỉ số S&P 500 tăng 4 phiên liên tiếp, tiến gần vùng đỉnh lịch sử khi chỉ còn cách khoảng 3%. Tính đến ngày 15/5, các chỉ số chứng khoán lớn như S&P 500, EU600 và CSI300 lần lượt tăng 4,8%, 2,3% và 1,1%; chỉ số hàng hóa toàn cầu tăng 1,4% với các nhóm năng lượng, kim loại cơ bản và nông sản đều tăng, ngoại trừ nhóm kim loại quý giảm nhẹ. Đồng USD (DXY) tăng tuần thứ hai liên tiếp, đạt +0,4%, còn lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,41%.

Chỉ số CPI tháng 4 của Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng 0,2% theo tháng và 2,3% theo năm – thấp hơn dự báo và củng cố kỳ vọng Fed sẽ không vội nâng lãi suất trở lại. Điều này cũng tác động tích cực đến thị trường tài chính toàn cầu trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh thuận lợi đó, TTCK trong nước ghi nhận tuần tăng điểm mạnh mẽ, được dẫn dắt bởi nhóm ngân hàng và sự trở lại của dòng tiền khối ngoại. Tuần qua, TTCK trong nước tiếp tục mở rộng đà tăng điểm, chốt tuần, VN-Index tăng 2,7% so với tuần trước, thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể với mức tăng 28%, đạt trung bình trên 20.000 tỷ đồng/phiên.

Dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng – trụ cột chính dẫn dắt xu hướng thị trường. Theo thống kê của BSC Research, các mã cổ phiếu ngân hàng chiếm đến 4/5 vị trí đóng góp nhiều nhất vào điểm số tăng của VN-Index. Toàn ngành Ngân hàng đóng góp khoảng 56% số điểm tăng trong tuần. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu họ VIC phân hóa: VIC tăng mạnh và đóng góp 3,3 điểm, còn VHM điều chỉnh khiến chỉ số giảm 4,1 điểm.

Điểm nổi bật của tuần giao dịch là sự lan tỏa rộng trên toàn thị trường: 17/18 ngành tăng điểm, trong đó du lịch & giải trí, hàng cá nhân & gia dụng và công nghệ thông tin đều ghi nhận mức tăng trên 8%. Bất động sản là ngành duy nhất giảm (-1,1%), chủ yếu do áp lực từ VHM.

Khối ngoại quay lại mua ròng mạnh mẽ với giá trị lên tới 107 triệu USD – cao gấp đôi so với tuần trước, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng vĩ mô và thị trường nội địa đang gia tăng.

Chính sách và định hướng cải cách là điểm tựa dài hạn

BSC Research cho rằng, một yếu tố nền tảng quan trọng trong tuần là Nghị quyết số 124/NQ-CP vừa được ban hành, trong đó Chính phủ tập trung vào 10 nhiệm vụ trọng tâm để đạt được mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2025. Các nội dung đáng chú ý bao gồm: giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, phát triển công nghiệp chế biến - chế tạo, cải cách thể chế và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Theo BSC Research, định hướng này không chỉ hỗ trợ tâm lý thị trường trong ngắn hạn mà còn đặt nền móng cho chu kỳ tăng trưởng trung – dài hạn của kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, quyết tâm cải cách và duy trì ổn định vĩ mô là yếu tố then chốt giúp Việt Nam duy trì sức hút với dòng vốn đầu tư.

Triển vọng và chiến lược đầu tư trong tuần mới từ 19-23/5

Theo BSC Research, TTCK hiện đang tiệm cận vùng đỉnh cũ, với sự luân chuyển luân phiên giữa các nhóm cổ phiếu lớn. Tuy nhiên, áp lực chốt lời trong các phiên cuối tuần là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư vẫn khá thận trọng với xu hướng ngắn hạn.

Các chuyên gia thuộc BSC khuyến nghị nhà đầu tư sang tuần mới nên chủ động chốt lãi một phần với những cổ phiếu đã tăng mạnh, đồng thời duy trì tỷ trọng cổ phiếu – tiền mặt cân bằng để linh hoạt ứng phó.

Trong ngắn hạn, cơ hội vẫn nghiêng về các ngành đang thu hút dòng tiền như ngân hàng, công nghệ thông tin, tiêu dùng và công nghiệp hỗ trợ.